Tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm

0
26

Thực hiện Chỉ thị 13/CT-TTg ngày 9-5-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm (gọi tắt là Chỉ thị 13), cùng với cả nước, tỉnh Tiền Giang đã triển khai quyết liệt chỉ thị trên với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.

Ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo về vệ sinh ATTP tỉnh trong một lần đi kiểm tra về ATTP ở hàng nông sản tại các chợ trên địa bàn TP. Mỹ Tho.
Ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo về vệ sinh ATTP tỉnh trong một lần đi kiểm tra về ATTP ở hàng nông sản tại các chợ trên địa bàn TP. Mỹ Tho.

Để thực hiện Chỉ thị 13, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc các nội dung của chỉ thị và yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP). Bên cạnh đó, tỉnh đã kiện toàn Ban Chỉ đạo về vệ sinh ATTP của tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban Chỉ đạo, trực tiếp chỉ đạo, tổ chức lực lượng, tăng cường công tác quản lý ATTP trên địa bàn tỉnh; đồng thời chấn chỉnh công tác đảm bảo ATTP và kiện toàn Ban Chỉ đạo về vệ sinh ATTP các huyện, thành, thị trong tỉnh. 

Công tác thông tin, truyền thông luôn được tỉnh xác định là nhiệm vụ đi đầu trong quản lý ATTP. Các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của chủ cơ sở, người trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, cũng như người tiêu dùng được tổ chức thường xuyên với nhiều hình thức phong phú trên các kênh thông tin như: Báo, đài, pano, áp phích, tờ rơi, hội thảo, hội nghị, tập huấn… Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể trên địa bàn tỉnh cũng đã “vào cuộc” mạnh mẽ tuyên truyền về ATTP.

Cùng với đó, công tác thanh tra, kiểm tra cũng luôn được tăng cường. Cụ thể, trong quý I-2017, Sở Y tế đã tổ chức nhiều Đoàn kiểm tra liên ngành từ tỉnh đến cơ sở. Tổng số cơ sở mà các Đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra là 3.025 cơ sở, bao gồm: Dịch vụ ăn uống, sản xuất – kinh doanh thực phẩm chức năng, bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố. Qua kiểm tra có 2.931 cơ sở đạt vệ sinh, đạt tỷ lệ 96,9%; có 9 cơ sở vi phạm. Các lực lượng chức năng thuộc Sở Công thương thực hiện kiểm tra 194 vụ, phát hiện 45 vụ vi phạm và đã xử phạt 43 vụ, với tổng số tiền phạt gần 68 triệu đồng. Riêng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tiến hành lấy 131 mẫu sản phẩm nông, thủy sản các loại để phân tích kiểm nghiệm các chỉ tiêu về ATTP. Kết quả có 27/131 mẫu không đạt về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vi sinh vật, chỉ tiêu hóa chất/phụ gia. Trong quý I-2017, Sở Y tế, Sở NN&PTNT và Sở Công thương đã cấp 1.024 giấy xác nhận kiến thức về ATTP, 327 giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP.

Tuy nhiên, theo Ban Chỉ đạo về vệ sinh ATTP tỉnh, trong quá trình thực hiện Chỉ thị 13 vẫn còn một số hạn chế. Trong đó, một số chính quyền cơ sở vào cuộc chưa thực sự quyết liệt. Công tác thanh tra, kiểm tra chưa thường xuyên và kịp thời. Công tác quản lý Nhà nước, ban hành các văn bản chỉ đạo về ATTP trên địa bàn các huyện, thành, thị còn nhiều bất cập. Mặc dù các ngành chức năng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát về ATTP trên địa bàn nhưng tình hình sản xuất, chế biến, kinh doanh, vận chuyển thực phẩm không đảm bảo ATTP vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là đối với thức ăn đường phố, thực phẩm tươi sống bày bán ở các chợ hay trên một số tuyến đường ở khu vực thành thị. Tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hữu cơ và phân bón khác không rõ nguồn gốc, xuất xứ, kém chất lượng còn khá phổ biến…

Để công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện mang lại hiệu quả tích cực, theo Ban Chỉ đạo về vệ sinh ATTP tỉnh, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị 13; tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và nâng cao ý thức cộng đồng trong việc phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm về ATTP. Tỉnh cũng sẽ tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP theo chức năng, nhiệm vụ được giao và nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ngành, cơ quan quản lý ATTP, Chủ tịch UBND các cấp về công tác ATTP; tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, các cấp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là kiểm tra đột xuất việc chấp hành các quy định về vệ sinh ATTP tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

PHƯƠNG NGHI

.

Nguồn: baoapbac.vn