Lại loay hoay với “bài toán” đầu ra

0
27

Cây sả và mãng cầu Xiêm là 2 cây trồng chủ lực của huyện Tân Phú Đông. Thời gian qua, 2 loại cây trồng này đã giúp cho nhiều người dân huyện cù lao phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, hiện giá sả và mãng cầu Xiêm đang giảm sâu làm dấy lên lo ngại về tính bền vững của 2 loại cây trồng này.

Giá sả thấp lại tiêu thụ chậm.
Giá sả thấp lại tiêu thụ chậm.

GIÁ GIẢM SÂU

Hiện nay, toàn huyện Tân Phú Đông có khoảng 1.500 ha sả, tập trung nhiều ở các xã Phú Thạnh, Phú Đông… Theo đánh giá của UBND huyện Tân Phú Đông, thời gian qua, diện tích cây sả đã tăng mạnh và dần thay thế cây lúa ở huyện cù lao. Ông Lê Trần Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thạnh cho biết, diện tích cây sả trên địa bàn xã là 438 ha (diện tích trồng sả lớn nhất của huyện). Vừa qua, xã đã khuyến khích nông dân chuyển từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng màu, trong đó có cây sả. Chính vì vậy, thời gian qua, diện tích cây sả trên địa bàn đã tăng nhanh. Tuy nhiên, hiện giá sả giảm rất thấp, dao động từ 1.500 – 1.800 đồng/kg và sức tiêu thụ khá chậm. Thời điểm này năm trước, giá sả ở mức 4.000 – 5.000 đồng/kg, người trồng có lãi khá. Giá sả thấp kỷ lục như thế này khiến cho nhiều nông dân mua sả giống giá cao để trồng vào thời điểm năm trước bị thua lỗ.

Anh Nguyễn Ngọc Kiên (ấp Tân Phú, xã Phú Thạnh) than: “Năm rồi, tôi thuê kobe lên liếp 13 công đất để trồng sả tốn hơn 20 triệu đồng, mua giống về trồng với mức giá 6.000 đồng/kg. Tôi vừa thu hoạch sả cách nay 4 ngày được 15 tấn, bán với giá 1.500 đồng/kg, lỗ khoảng 20 triệu đồng”.

Có thể nói, đây là thời điểm khó khăn nhất của người trồng sả trong những năm gần đây. Giá bán thấp nhưng nhiều lúc thương lái còn không chịu mua. Từ đó dẫn đến, nhiều người bỏ ruộng sả không thu hoạch, một số người còn đốt bỏ. Ông Trần Văn Cẩm (xã Phú Thạnh) bày tỏ: “Giá sả thấp như thế này mà còn thuê nhân công thu hoạch thì bị lỗ nặng. Để tiết kiệm chi phí, gia đình tôi đành phải tự thu hoạch. Hiện mỗi ngày, tôi chỉ thu hoạch khoảng 100 kg, bởi nếu thu hoạch nhiều sợ thương lái không mua. Trước đó, tôi có 2 công sả đến thời điểm thu hoạch nhưng không có người mua đành bỏ luôn”.

Cùng với cây sả, giá mãng cầu Xiêm cũng đang giảm sâu. Qua ghi nhận, giá mãng cầu Xiêm loại tốt có mức từ 10.000 – 12.000 đồng/kg, loại dạt từ 3.000 – 4.000 đồng/kg. Đây là mức giá thấp so với những năm vừa qua. Ông Lê Văn Lòng, Chủ tịch UBND xã Tân Phú cho biết, toàn xã có 570 ha mãng cầu Xiêm, trong đó có 376 ha cho trái ổn định. Nhìn chung, năng suất mãng cầu Xiêm năm nay cao hơn so với năm rồi. Mỗi ngày, trên địa bàn xã cung ứng cho thị trường từ 30 – 40 tấn mãng cầu Xiêm. Dù vậy, với mức giá mãng cầu Xiêm như thế này, người trồng có lãi thấp. Riêng đối với những hộ không nắm bắt kỹ thuật trồng có thể bị thua lỗ. Thời gian qua, xã đã vận động người trồng mãng cầu Xiêm tham gia tổ hợp tác để sản xuất theo hướng bền vững, nhưng người dân không mặn mà với mô hình kinh tế hợp tác này.

HƯỚNG ĐI NÀO?

Thực tế cho thấy, thời gian qua, cây sả và mãng cầu Xiêm đã thích ứng và phát triển tốt với điều kiện khí hậu ở huyện cù lao. Nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng 2 loại cây này và cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với cây lúa. Chính vì vậy, diện tích cây sả và mãng cầu Xiêm tăng mạnh trong thời gian qua.

Theo Đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông, tỉnh Tiền Giang đến năm 2025”, dự kiến huyện Tân Phú Đông sẽ không còn diện tích sản xuất lúa. Định hướng này đã mở ra hướng phát triển cho cây sả và mãng cầu Xiêm. Tuy nhiên, hiện nay, giá của 2 loại nông sản này vẫn còn khá bấp bênh, khiến cho nhiều người dân tỏ ra lo ngại về tính bền vững.

Theo đánh giá của ngành chức năng, nhìn một cách toàn diện, cây sả và mãng cầu Xiêm vẫn chưa phát huy hết tiềm năng do hầu hết chỉ tiêu thụ thô chứ chưa tận dụng hết công dụng. Cụ thể, ở trái mãng cầu Xiêm, hầu như nông dân chỉ bán trái cho các thương lái để mang đi tiêu thụ. Trong khi đó, các loại trái chín, trái non nếu được tận dụng sản xuất nước ép, trà sẽ nâng cao giá trị của loại trái cây này (chỉ mới có cơ sở sản xuất trà từ mãng cầu Xiêm với quy mô nhỏ).

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông cho biết, diện tích cây sả tăng nhanh đã khiến nguồn cung tăng lên, trong khi đó đầu ra vẫn chưa ổn định. Đối với cây sả, địa phương có một cơ sở chiết xuất tinh dầu bằng thủ công với công suất từ 2 đến 2,5 tấn/ngày. Sắp tới đây, Dự án Nhà máy chiết xuất tinh dầu từ cây sả của Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ được triển khai tại địa phương (dự kiến vào cuối tháng 8 này). Nhà máy có công suất 8 – 10 tấn/ngày, hy vọng sẽ giải quyết được “bài toán” đầu ra cho cây sả ở địa phương. Còn đối với cây mãng cầu Xiêm, địa phương sẽ củng cố, nâng chất tổ hợp tác, tiến tới nâng lên thành hợp tác xã. Ngoài ra, địa phương sẽ tiếp tục nghiên cứu thị trường, kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy nước ép mãng cầu, tiến tới xây dựng thương hiệu Mãng cầu Xiêm Tân Phú Đông.

MINH THÀNH

.

Nguồn: baoapbac.vn