CEO Đào Xuân Hoàng, “cha đẻ” dự án học tiếng Anh cho trẻ em dưới 10 tuổi Monkey Junior, đã chia sẻ những suy nghĩ chân thành về thuận lợi khó khăn khi phát triển startup giáo dục ở Việt Nam cũng như xu hướng trong thời gian tới.
Sinh năm 1982, Đào Xuân Hoàng từng có 10 năm học tập làm việc tại Úc, 8 năm hoạt động trong lĩnh vực báo chí, phần mềm và thương mại điện tử trước khi bắt tay vào xây dựng chương trình học ngoại ngữ Monkey Junior.
Năm 2016, Monkey Junior trở thành công ty khởi nghiệp duy nhất của Việt Nam được chọn vào vòng chung kết cuộc thi Sáng kiến toàn cầu (GIST Tech-I 2016) tổ chức tại thung lũng Silicon, do Tổng thống Mỹ Barack Obama chủ trì.
Dưới đây là chia sẻ của CEO 8x về những gì anh đã nhận ra trong quá trình khởi nghiệp ở lĩnh vực công nghệ giáo dục (edtech) tại Việt Nam, cũng như con đường đi của Monkey Junior trong tương lai.
* Chào anh Hoàng, xin anh cho biết tốc độ tăng trưởng của Monkey Junior hiện ra sao?
– Ứng dụng ra đời từ giữa năm 2014 và trong vòng nửa năm trở lại đây, đã có sự tăng trưởng khá lớn đến từ 2 thị trường là Việt Nam và Mỹ. Monkey Junior hiện có khoảng 2 triệu người dùng, trong đó 40% ở Việt Nam, 30% ở Mỹ còn lại là từ các quốc gia khác.
* Các dự án edtech tại Việt Nam giống Monkey Junior có nhiều không? Đầu tư vào lĩnh vực này có thuận lợi và khó khăn gì?
– Các công ty đầu tư vào giáo dục cũng khá nhiều, nhưng đầu tư vào giáo dục sớm thì ít hơn. Đó là lý do tại sao chúng tôi tập trung xây dựng ứng dụng cho trẻ em dưới 10 tuổi. Mình phải chọn thị trường mà mình thấy cạnh tranh thay vì cứ lao vào những thị trường rất nhiều người làm rồi.
Đầu tư vào giáo dục tại Việt Nam, cả cơ hội và thách thức đều có. Cơ hội lớn vì phụ huynh, người dùng Việt Nam đều rất hiếu học. Phụ huynh luôn muốn con học chương trình tốt trong khi hệ thống giáo dục, mặc dù đã được cải tiến nhiều trong thời gian qua, vẫn chưa khiến mọi người cảm thấy hài lòng. Đây chính là cơ hội lớn.
Nhưng thách thức là người dùng Việt Nam không mặn mà lắm trong việc thanh toán. Với phần mềm, họ thích dùng miễn phí hơn, nếu mất phí thì họ sẽ rất khắt khe. Cách thuyết phục duy nhất là chứng minh cho họ thấy giá trị họ thu lại lớn gấp nhiều lần chi phí bỏ ra, tôi nghĩ khi đó họ sẽ sẵn sàng trả tiền.
* Đầu tư vào edtech có tiết kiệm chi phí hơn các phương pháp dạy truyền thống không?
– Có chứ. Học online có cái tốt vì tăng số lượng người dùng theo cấp số nhân. Ví dụ sau 1 năm Monkey Junior có đến 2 triệu lượt tải, nếu mở lớp bình thưởng không biết bao giờ đạt 2 triệu học viên. Nên xu hướng phải là online, là công nghệ, giúp cho việc trải nghiệm của người dùng tốt hơn. Kết quả học tập phản ánh chính xác hơn.
So với các phương pháp truyền thống, chi phí cũng giảm hơn. Ví dụ để tăng số lượng người học từ 20 lên 100, cần rất nhiều chi phí vận hành như thuê thầy giáo, thuê văn phòng, điện, nước… Còn đối với Monkey Junior, con số 2 triệu lượt tải có thể hoàn toàn tăng lên 3-4 triệu rất dễ dàng.
* Nhiều người nói trí tuệ nhân tạo (AI) là xu hướng phát triển của edtech trong thời gian tới. Theo anh điều này đúng không?
– Bây giờ nhìn vào AI xuất hiện trong cuộc sống rất nhiều. Từ thiết bị thông minh bạn dùng hàng ngày cho đến ứng dụng trong các lĩnh vực như thương mại, tài chính và sắp tới là xe tự động.
Trong lĩnh vực giáo dục, AI giúp các bạn học sinh có trải nghiệm cá nhân tốt hơn, giáo viên có công cụ soạn bài, giảng dạy, đánh giá học sinh chính xác hơn. AI là xu hướng tất yếu bây giờ.
* Áp dụng AI vào lĩnh vực giáo dục có khó không?
– AI là một mảng còn rất mới, không nhiều người nắm bắt được. Theo cá nhân tôi ở Việt Nam, số lượng kỹ sư lâu năm hiểu về AI không phải là nhiều. Tuy nhiên đã là xu hướng tất yếu thì các công ty bắt buộc phải nắm bắt và chấp nhận đầu tư để thu được kết quả.
Hiện tại Monkey Junior đang ở giai đoạn ấp ủ, chuẩn bị để áp dụng AI vì muốn làm được điều này cần có một lượng dữ liệu đủ lớn. Monkey Junior đã số lượng người dùng khá lớn, những tương tác đều lưu lại hết. Khi dữ liệu đủ lớn để nhận ra người dùng thích mảng nào, chúng tôi sẽ tiến hàng cá nhân hóa, làm các tùy biến riêng cho từng bé.
* Trước đây anh có chia sẻ Monkey Junior không nhận vốn đầu tư nước ngoài, không biết bây giờ có gì thay đổi không?
– Chúng tôi chưa cởi mở nhận vốn đầu tư nước ngoài, chính xác hơn là không đúng thời điểm. Bây giờ cũng khá nhiều nhà đầu tư quan tâm tới Monkey Junior nhưng còn tùy vào chiến lược, định hướng phát triển nữa. Đến một lúc nào đó tôi thấy phù hợp thì tôi sẽ nhận thêm vốn đầu tư.
* Cảm ơn anh đã chia sẻ!
Hồng Lam | Theo Báo Đầu Tư
Nguồn: khoinghieptre.vn