Làm CEO nghĩa là bạn phải sẵn sàng đảm nhận hết những công việc từ lớn đến nhỏ: đề ra chiến lược, thương lượng các phi vụ, tuyển dụng nhân sự, đuổi việc mấy tay nhân viên kém cỏi, xoa dịu các khách hàng nóng tính, thậm chí là sửa chữa công tắc đèn bị hỏng. Và đôi khi, bạn phải làm hết những việc đó trước 10 giờ sáng ngày thứ Hai.
Dịch vụ tuyển dụng Monster đã trò chuyện với một vài vị CEO để tìm hiểu xem bạn cần phải có những kỹ năng nào để trở thành sếp. Dưới đây là những chia sẻ đầy thú vị của những người đã từng “nằm gai nếm mật” trên ghế CEO:
1. Biết cách từ chối
David Nilssen là CEO của Guidant Financial, một doanh nghiệp tài chính nhỏ có trụ sở tại Bellevue, Washington. Nilssen cho biết dù cho bạn đang dẫn dắt một nhóm 20 người hay đã là một “tướng quân” có hàng ngàn nhân viên, việc từ chối các cơ hội mới không phải điều dễ làm.
Khó ai có thể cưỡng lại được sức hút của chiếc ghế CEO, nhưng không phải ai cũng đủ khả năng để đảm nhận vị trí này.
Người làm CEO luôn tìm kiếm những ý tưởng và thị trường mới, do đó họ thường muốn nắm hết tất cả các cơ hội mà họ nhìn thấy. Tuy nhiên, một CEO thành công phải biết cách từ chối, và chỉ chọn ra những cơ hội thích hợp nhất.
Nilssen cho biết: “Khả năng mở rộng quy mô của công ty bắt nguồn từ việc bạn có biết gạt bỏ những yếu tố phức tạp và gây xao nhãng hay không”. Vì vậy, chỉ nên tập trung vào những cơ hội mà bạn có thể thật sự nắm bắt, và hãy bỏ qua những thứ chỉ tạo nên sự xao nhãng.
2. Biết cách kể chuyện về công ty của mình
Đôi khi, cơ hội không tự tìm đến bạn, do đó bạn phải đi ra ngoài và tìm kiếm chúng. Bạn phải chứng tỏ cho người khác thấy năng lực mà công ty bạn đang có.
Clark Benson – CEO của trang nội dung Ranker.com, cho biết: “Điều này đúng với ngay cả khi bạn đang tìm kiếm nhà đầu tư, hay đề xuất kế hoạch ưu tiên lên Hội đồng quản trị”.
Benson cho biết thêm: “Bạn thật sự phải biết cách kể chuyện và điều này không dễ dàng như bạn nghĩ đâu. Đó là một kỹ năng bạn phải luyện tập hàng giờ để thành thạo. Mặt khác, với tư cách là một CEO, bạn luôn được kỳ vọng phải trở thành một người biết tạo sự chú ý và kỳ vọng cho công ty”.
3. Nắm rõ các vấn đề tài chính
Anne-Marie Faiola là CEO của Bramble Berry, một công ty chuyên cung cấp xà phòng có trụ sở tại Bellingham, Washington. Faiola cho biết, cô vẫn hay mong ước là phải chi mình đã có khả năng đọc hiểu các báo cáo tài chính trước khi bắt đầu khởi nghiệp.
Faiola giải thích: “Thật không may, tôi đã học được kỹ năng này theo một cách thật nhọc nhằn, từ việc tiền công ty bị tham ô hay phải đi vay khẩn cấp, bởi vì tôi đã không hiểu được những báo cáo lưu chuyển tiền tệ (cashflow) sớm hơn.”
Faiola tiếp tục việc học hỏi của mình với tấm bằng MBA, chuyên ngành kế toán. Cô cho biết: “Đây là một kỹ năng mà ai cũng có thể học”. Việc nắm rõ những khái niệm cơ bản của tài chính doanh nghiệp có thể giúp bạn ngăn chặn một số thảm họa có thể xảy ra sau này.
4. Học cách tiếp nhận những lời phê bình
Timothy Trudeau là CEO của Syntax Creative, một công ty tiếp thị kỹ thuật số trong lĩnh vực phân phối âm nhạc có trụ sở tại San Diego. Trudeau cho biết: “Bạn càng giỏi, bạn càng trở thành đối tượng để người khác phê bình. Bạn cần phải lắng nghe những lời phê bình này và tiếp thu chúng hợp lý. Đừng cảm thấy bị tổn thương cá nhân về vấn đề này”.
Việc bị phê bình chính là cơ hội quý giá để học tập: đó là lúc mọi người đang nói với bạn rằng họ muốn thấy sự thay đổi. Trên tư cách một CEO, bạn cần phải biết cách tạo ra sự thay đổi. Nếu cứ gạt qua các ý kiến phê bình và cho rằng đó chỉ là những lời than phiền, bạn đang đánh mất cơ hội để đổi mới chính mình.
Và khi những lời phê bình là không đúng sự thật, bạn hãy cứ tiếp tục tiến về phía trước. Trudeau cho rằng đã làm CEO là phải luôn biết cách hành xử đàng hoàng, thậm chí kể cả khi bị đối xử bất công.
5. Hiểu rõ các quy trình hoạt động
Khi Erin Jump Fry trở thành CEO của Fancy Fortune Cookies ở Indianapolis vào năm 2005, cô biết mình sẽ phải làm quen với việc kinh doanh của công ty. Tuy nhiên lúc đó cô không ngờ rằng sẽ có lúc cần phải hiểu rõ là máy nướng bánh hoạt động như thế nào.
Erin cho biết: “Là người phê duyệt việc mua sắm và sửa chữa thiết bị, tôi nhận ra rằng mình cần phải có kiến thức thực tế về cách thức hoạt động của các loại máy móc. Từ đó, tôi sẽ biết tìm kiếm các dịch vụ nâng cấp và mua thêm máy móc mới, cũng như biết cách nói chuyện với các kỹ sư và nhà thiết kế”.
Măc dù việc xử lý những chi tiết hàng ngày không nằm trong phạm vi công việc của CEO, nhưng việc tìm hiểu các quy trình hoạt động sẽ mang lại lợi ích rất lớn. Nắm rõ cách thức dây chuyền sản xuất vận hành có thể giúp bạn xác định hiệu suất đang có, và ước tính khả năng mở rộng quy mô. Và nếu có gì bất ngờ xảy ra, bạn có thể đảm đương nhiều vai trò khác nhau trong những tình huống khẩn cấp.
Fry cho biết: “Tôi không cho rằng mình cần phải có mặt thường xuyên ở xưởng sản xuất khi có các đơn hàng lớn. Tuy nhiên, khi có ai đó bị bệnh và phải xin nghỉ ngay vào thời điểm cần giao 40.000 chiếc bánh quy cho khách hàng, tôi sẽ xung phong xông vào xưởng bánh đầu tiên”.
Ý Nhi | Theo Doanh Nhân Sài Gòn
Xem thêm: CEO, CFO, CPO, CCO, CHRO, CMO là gì? Vai trò – quyền hạn như thế nào?
Nguồn: khoinghieptre.vn