Các biệt thự do người Pháp xây tại Hà Nội trước đây không chỉ mát về mùa hè, ấm về mùa đông mà còn không bao giờ bị ẩm ướt khi trời nồm.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Châu, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam có một căn phòng lớn trong ngôi nhà biệt thự do người Pháp xây dựng. Hè 2006, ông cải tạo nhà, chuyển từ nhà 1 tầng thành 2 tầng. Để làm điều này, ông phải hạ thấp nền nhà từ cốt cao 75cm xuống còn 5cm, đồng thời nâng trần nhà cao thêm.
Để chống nồm, nên thiết kế nền nhà bằng vật liệu truyền nhiệt tốt. (Ảnh minh họa).
Khi hạ nền, tiến sĩ Châu nhận thấy nhà này được thiết kế với nền bằng cát vàng (dày khoảng 45cm) và xỉ than (khoảng 25cm). Vì vậy, mặc dù phá bỏ nền cũ, ông vẫn quyết định làm nền mới cũng theo cách trên: Đào sâu xuống cốt âm 50 cm, sau đó đổ một lớp cát vàng 30cm, tiếp tục là lớp xỉ than 20cm, trên cùng lát bằng gạch lát bình thường.
Kết quả thật mỹ mãn, trong những ngày nồm vừa qua nền nhà tiến sĩ Châu vẫn khô ráo trong khi nhà cô em ngay bên cạnh (chung tường) lại rất ướt. Ngay cả bức tường chung thì ở phía nhà ông Châu khô còn phía bên nhà cô em chảy sũng nước.
Để chống lại ẩm ướt, có thể có nhiều giải pháp khác nhưng theo tiến sĩ Châu, có thể áp dụng giải pháp khá đơn giản mà ai cũng có thể làm được: Đó là thiết kế nền nhà bằng vật liệu truyền nhiệt tốt chứ không phải vật liệu cách nhiệt tốt như một vài bài báo đã nêu.
Vì hiện tượng ẩm ướt nền nhà là do chênh lệch nhiệt độ giữa nền dưới và bề mặt trên nền, làm hơi ẩm trong không khí ngưng tụ lại trên bề mặt nền nhà. Nôm na như khi ta để một cốc kem hoặc cốc nước lạnh ở trên bàn, sau vài phút sẽ thấy mặt ngoài cốc ngưng tụ thành nước, chứ không phải do nước từ trong cốc ngấm ra hoặc từ sàn nhà ngấm lên như nhiều người lầm tưởng.
Nguồn: congnghe.vn