Hàng ngàn người mắc bệnh tim có thể được cứu sống bởi phát minh này

0
19

Những nhà khoa học Úc vừa phát minh ra một loại thiết bị mới, có thể giúp truyền năng lượng cho các máy trợ tim mà không cần đến cáp sạc.

Thiết bị này hứa hẹn có thể giúp cứu sống hàng ngàn người mắc bệnh tim mạch.

Nếu một ngày nọ, tim của bạn đột nhiên suy yếu nghiêm trọng, thì nó cần được sử dụng máy trợ tim cơ học ngay lập tức. Nhưng để sử dụng thiết bị này, bạn luôn phải có một nguồn điện gần đó để cắm cáp sạc vào.

May mắn thay, những người mắc bệnh tim mạch sẽ không cần phải lo về tình trạng bất tiện này nữa. Mới đây, những nhà khoa học Úc đã phát minh ra được một loại pin không dây. Nó có thể tiếp năng lượng cho các máy VAD mà không cần đến cáp sạc.

Bên cạnh đó, việc sử dụng loại pin mới này sẽ làm giảm khả năng nhiễm trùng của cơ thể hơn khi dùng các loại pin cũ.

Có tên gọi đầy đủ là “ventricular assist device”, một loại thiết bị hỗ trợ tim cho người bệnh, VAD được sử dụng khi tim của bệnh nhân không thể thực hiện chức năng bơm bình thường, hay bị mất hoàn toàn chức năng bơm.

Pin không dây cứu người bệnh tim.
Pin không dây cứu người bệnh tim. (Ảnh: JFs Pic Factory).

Thông thường, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân sử dụng thiết bị VAD trước khi tiền hành cấy ghép tim, hay trong quá trình hồi phục từ các ca phẫu thuật.

Các thiết bị trợ tim đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều trị các bệnh tim mạch, có thể hỗ trợ cứu sống hàng ngàn bệnh nhân. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp bất khả kháng mà người bệnh không được sử dụng chúng.

“Theo thống kê của viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, có hơn 100.000 người đang sử dụng VAD như một phần không thể thiếu của cơ thể”, Mahinda Vilathgamuwa – chuyên gia y tế của Trường đại học công nghệ Queenland (QUT) cho biết.

Vilathgamuwa cũng nói thêm: “Tuy nhiên, với nhiều rủi ro tiềm ẩn, có tương đối ít các thiết bị trợ tim được cấy ghép vào người bệnh. Và rất nhiều bệnh nhân đã ra đi vì không được sử dụng thiết bị này”.

Rủi ro lớn nhất của việc sử dụng các thiết bị VAD là người bệnh có khả năng bị nhiễm trùng tại điểm tiếp nối của cáp sạc với phía bên trong cơ thể.

“Nhiều trường hợp tử vong đã xảy ra do nhiễm trùng từ cáp sạc của VAD. Trước đây, để sử dụng chúng, người dùng cần phải cắm cáp sạc vào nguồn điện gần đó. VAD được gắn trong tim bệnh nhân và sẽ được nhận năng lượng thông qua dây cáp nằm phía dưới lớp da. Dây cáp này được tiếp điện bởi một cục pin ngoài”, Vilathgamuwa cho biết.

Xung quanh cơ thể con người được bao phủ bởi vô số vi khuẩn và vi sinh vật gây bệnh. Chúng ta vẫn còn khỏe mạnh là nhờ lớp da đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ngăn ngừa các tác nhân truyền bệnh kia.

Tuy nhiên, việc xuất hiện một lỗ thủng trên lớp da phòng vệ khiến các vi khuẩn và vi sinh vật gây hại có điều kiện thuận lợi để xâm nhập làm cơ thể bị nhiễm trùng.

Vì vậy, các nhà nghiên cứu đã sáng chế ra một loại pin không cần cắm dây, có thể tiếp năng lượng cho VAD mà không cần sử dụng cáp sạc.

Ở phía ngoài cơ thể, người bệnh sẽ được trang bị một bộ thu phát sóng và một cục pin cầm tay nhỏ.
Ở phía ngoài cơ thể, người bệnh sẽ được trang bị một bộ thu phát sóng và một cục pin cầm tay nhỏ.

“Hệ thống chúng tôi đang phát triển bao gồm một cuộn dây đồng với trọng lượng nhẹ. Nó có thể được cấy ghép bên trong cơ thể để tiếp năng lượng cho các máy trợ tim” – Vilathgamuwa cho biết.

Ở phía ngoài cơ thể, người bệnh sẽ được trang bị một bộ thu phát sóng và một cục pin cầm tay nhỏ; cục pin này có thể để trong túi áo khoác hay bao da. Ở phía trong, họ sẽ được gắn một máy thu năng lượng. Với cơ chế hoạt động như vậy, VAD sẽ không cần đến cáp sạc để vận hành nữa.

“Hệ thống chúng tôi đang phát triển sẽ thay thế hoàn toàn cáp sạc. Theo thống kê từ các cuộc thử nghiệm gần đây, hệ thống đã đạt hiệu quả đến 94% khi cung cấp năng lượng cho các VAD, mà không gây bất cứ ảnh hưởng gì đến lớp da so với việc sử dụng cáp sạc”, Prasad Jayathurathnage – chuyên gia của QUT cho biết.

“Chúng tôi sẽ tiến hành nhiều thử nghiệm trong phòng thí nghiệm hơn, đồng thời sẽ giới thiệu một hệ thống điều chỉnh tần số mới để cải thiện hiệu suất của các máy trợ tim”.

Đây chỉ là những bước đầu tiên của nghiên cứu này, chúng ta hãy cùng chờ xem nó sẽ đi được bao xa.

Nguồn: congnghe.vn