Mỗi năm nước ta tiêu thụ tới 11 triệu tấn phân bón các loại, trong đó phân bón vô cơ chiếm tới 90% nhu cầu, phân bón hữu cơ và các loại phân bón khác chiếm phần còn lại. Tuy nhiên, nạn phân bón giả đang tràn lan trên thị trường gây thiệt hại không nhỏ cho ngành nông nghiệp, làm thế nào để quản lý hiệu quả ngành sản xuất phân bón là vấn đề được đặt ra.
Tọa đàm thu hút nhiều diễn giả, chuyên gia, đại diện ban, ngành liên quan (Ảnh: K.D) |
Nhằm góp phần chỉ ra thực trạng vấn nạn phân bón giả, những hệ lụy của nó cùng những hạn chế trong việc quản lý, phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm. Qua đó đề ra những giải pháp hạn chế triệt để tình trạng phân bón giả, ngày 9/8 Báo Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Hiệp hội phân bón và Quỹ chống hàng giả Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề: “Phân bón giả tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp”. Buổi tọa đàm thu hút nhiều diễn giả và các chuyên gia, đại diện ban, ngành tham dự.
Phân bón giả tràn lan và tác hại khôn lường
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Hồ Quang Thái – Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết: Tình trạng phân bón giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc diễn ra thường xuyên trong nhiều năm qua tại nhiều địa bàn gây nguy cơ về nước, ô nhiễm môi trường trường, thiệt hại lớn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính và bà con nông dân.
Cụ thể, doanh nghiệp thường xuyên sản xuất các loại phân bón vô cơ, hữu cơ trong nước, mặc dù chất lượng kém, nhưng lại dán nhãn hiệu nổi tiếng, có nguồn gốc nước ngoài. Các tỉnh thành có các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc thường tập trung tại các tỉnh, thành như Hải Phòng, Bắc Giang, Hưng Yên, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An. Các cơ sở này thường sản xuất phân bón kém chất lượng mà không bám vào quy chuẩn đã được Bộ Công thương quy định.
Ông Hồ Quang Thái – Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia |
Cũng theo báo cáo năm 2016 của các cơ quan hữu quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học Công nghệ liên tiếp có những đợt kiểm tra chất lượng phân bón đang sản xuất và lưu hành trên thị trường, phát hiện có đến 50% số mẫu phân bón không đạt chỉ tiêu chất lượng như đăng ký và công bố trên bao bì. Chỉ tính riêng thiệt hại do phân bón giả và phân bón kém chất lượng, mỗi năm Việt Nam đã mất đi từ 2 đến 2,5 tỉ USD. Đây mới chỉ tính thiệt hại do mất lượng tiền không cân xứng với lượng chất dinh dưỡng có trong phân bón.
Ngoài ra, phải kể đến những thiệt hại và hậu quả chưa đo đếm được như: Phân bón giả, kém chất lượng làm cho suy kiệt “sức khỏe đất trồng trọt” dẫn đến cây trồng không đạt năng suất, cây yếu sẽ bị sâu bệnh tấn công nhiều hơn khiến cho việc tăng thêm lượng kinh phí cho việc phòng và trị sâu bệnh hại. Cuối cùng chi phí sản xuất thì tăng thêm mà thu nhập thì giảm đi khiến cho lợi nhuận của vụ mùa giảm sút.
Bên cạnh đó, việc sử dụng phân bón giả, phân bón kém chất lượng khiến đất đai bị thoái hóa do phải chịu những chất độc hại, từ đó chất lượng nông sản bị giảm sút, kéo theo mất an toàn về vệ sinh thực phẩm, đe dọa trực tiếp tới sức khỏe người tiêu dùng. Mặt khác, các mặt hàng nông sản Việt Nam đang hướng tới thị trường quốc tế sẽ không đảm bảo chất lượng, việc xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đại diện cho phía doanh nghiệp, ông Vũ Xuân Hồng – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Supe Phốt phát Hóa chất Lâm Thao cũng chia sẻ: Vấn đề phân bón giả đã có nhiều cuộc bàn thảo, tuy nhiên vẫn chưa giải quyết được triệt để. Doanh nghiệp và bà con nông dân rất mong đợi tình trạng này chấm dứt bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh và chất lượng nông sản của bà con nông dân. Tuy nhiên, hiện chúng ta chưa có quy chuẩn để xác định những sản phẩm này, nhưng đơn vị sản xuất này vẫn được cấp phép sản xuất, hợp chuẩn, hợp quy, chỉ khi kiểm tra chất lượng sản phẩm cụ thể mới phát hiện ra lệch quy chuẩn mà doanh nghiệp đăng ký.
Trong khi, với nhiều cơ chế và cách luồn lách, các doanh nghiệp làm hàng nhái ưu đãi cao cho đại lý, dẫn đến các đại lý lại hướng người dân mua những phân bón nhái này. Bên cạnh đó, do chưa có bảo hộ đăng ký nhãn hiệu bao bì độc quyền nên doanh nghiệp nhái bao bì tương tự khiến người dân nhầm lẫn. Giám sát chặt sản xuất và vấn đề thị trường, giao các bộ ngành, chậm ngày nào đơn vị sản xuất hợp quy thiệt hại ngày đó.
“Nước ta chỉ cần 300 doanh nghiệp sản xuất phân bón”
Nhằm bàn thảo, đưa ra giải pháp hiệu quả quản lý phân bón giả, Luật sư Nguyễn Thế Truyền – Giám đốc Công ty Luật Thiên Thanh – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết: Trước đây, lĩnh vực phân bón vô cơ do Bộ Công Thương quản lý, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) quản lý phân bón hữu cơ và các loại phân bón khác. Việc hai bộ cùng quản lý lĩnh vực phân bón đã nảy sinh nhiều bất cập, chồng chéo trong quản lý. Do vậy, tháng 11/2016, Hiệp hội Phân bón Việt Nam có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị, giao việc quản lý ngành phân bón cho một bộ.
Ông Nguyễn Hồng Phong – Tổng Giám đốc Công ty Công Nông nghiệp Tiến Nông |
Để thực hiện Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17/2/2017 có quy định Bộ NN&PTNT quản lí nhà nước về phân bón và để thống nhất quản lí nhà nước về phân bón, bao gồm phân vô cơ, phân hữu cơ và phân bón khác. Như vậy, về mặt thực hiện chức năng quản lí nhà nước về phân bón đã thống nhất.
Tuy nhiên, vẫn còn vấn đề cần xem xét, đó là: theo luật thì khi đã bị xử phạt hành chính một lần mà vẫn tái phạm thì sẽ bị khởi tố hình sự. Mức phạt hành chính hiện nay là 500 triệu đồng. Tuy vậy, với mức phạt này mà sau đó doanh nghiệp vẫn thực hiện được các hành vi đó để kiếm lợi nhuận. Vì vậy, cần nâng mức phạt cao hơn. Bên cạnh đó, chúng ta chỉ mới đăng ký với Cục sở hữu trí tuệ chứ vấn đề thực thi nhãn hiệu, thương hiệu đó trên thị trường lại chưa được tốt. Việc xử lý vấn đề thực thi này phải kiên gan bền chí mới thắng lợi.
Đồng quan điểm đó, ông Hoàng Văn Tại – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phân lân Văn Điển cho rằng: Với hơn 55 năm hoạt động trong lĩnh vực phân bón và chứng kiến nhiều vụ việc liên quan đến phân bón thật – giả, ông thấy phân bón giả ngày càng trầm trọng dù đã có nhiều chế tài. Với người nông dân, đã có rất nhiều cuộc hội thảo được tổ chức nhưng thực trạng phân bón dởm, giả vẫn tiếp diễn. Vì vậy, ông cho rằng, muốn dẹp tình trạng này cần dẹp trước hết về luật pháp, đặc biệt là trong các văn bản luật phải nêu rõ được định nghĩa phân bón là gì, chất dinh dưỡng là gì, thành phần hữu cơ trong phân bón như thế nào,…
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần cố gắng mọi cách để tự cứu mình như: xây dựng chuỗi cung ứng đến tận người tiêu dùng; tập huấn đến người nông dân để biết cách nhận dạng phân bón thật giả; vạch trần chiêu bài đơn vị làm ăn dởm giả; Cùng cơ quan truyền thông đến các tỉnh, đại lý để truyền thông cho sản phẩm phân bón chất lượng.Kết thúc cuộc trò chuyện – ông Tại cho biết thêm.
Đại diện cho phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Hồng Phong – Tổng Giám đốc Công ty Công Nông nghiệp Tiến Nông cũng kiến nghị: Bộ Kế hoạch Đầu tư cần có quy định ngành phân bón là ngành kinh doanh có điều kiện. Mỗi doanh nghiệp sản xuất phân bón phải có vốn điều lệ tối thiểu 10 tỷ đồng trở lên chứ không phải chỉ có 500 triệu cũng có thể sản xuất được phân bón như hiện nay. Nếu không sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp lớn đang sản xuất phân bón.
Chính quyền địa phương cần phải quan tâm kiểm soát xem trên địa phương có cơ sở sản xuất và kinh doanh chưa đúng theo quy định của pháp luật không. Nếu những loại phân bón nào không đáp ứng được chúng ta cần loại bỏ. Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất phân bón chân chính đang tìm mọi cách để tự bảo vệ sản phẩm của mình.
Theo ông Nguyễn Hồng Phong, đối với đất nước ta, chỉ cần 300 doanh nghiệp sản xuất phân bón là đủ. Như vậy các doanh nghiệp sẽ cùng nhau tận tâm phục vụ cho ngành nông nghiệp và nông dân.
Theo dangcongsan.vn
.
Nguồn: baoapbac.vn