Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Katrina Adams tuyên bố trước khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Mỹ: “Quan hệ đối tác Việt Nam – Hoa Kỳ là yếu tố quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.

Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có thể góp phần nâng cấp quan hệ Việt—Mỹ lên những tầm cao mới
Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có thể góp phần nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ lên những tầm cao mới trên cả ba phương diện. Một là có thể đi đến các thỏa thuận quan trọng về thương mại và đầu tư cùng có lợi (Hiệp định khung TIFA mở rộng), hai là khẳng định cách tiếp cận theo luật pháp quốc tế đối với các tranh chấp ở Biển Đông và ba là hai chính phủ có thể nâng cấp quan hệ “đối tác toàn diện” lên ngang tầm quan hệ “đối tác chiến lược”.
Nâng quan hệ lên “đối tác chiến lược”
Trên thực tế, trong các lĩnh vực hợp tác kinh tế-thương mại – đầu tư giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đến nay đã có những hiệp định nền tảng. Đó là Hiệp định khung về thương mại và đầu tư (TIFA) ký trưa ngày 21/6/2007 tại Washinton DC. Hiệp định này được xem là bước tiếp theo của Hiệp định thương mại song phương (BTA) ký trước đó ngày 13/7/2000 và là bước mở đầu quan trọng cho Hiệp định thương mại tự do (Hiệp định TIFA thế hệ mới) hai bên đã đàm phán bấy lâu nay.
Các cuộc thảo luận diễn ra ở cấp chuyên gia nhằm vào việc củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ thương mại giữa hai nước, theo khuôn khổ Hiệp định khung TIFA đã được phía Mỹ coi là cơ hội để tái khẳng định cam kết của chính phủ Trump sẽ mở rộng quan hệ với khu vực châu Á -Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.
Như đã biết, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt-Mỹ đã tăng 100 lần trong vòng hai thập kỷ qua; riêng năm ngoái, tổng kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam tăng tới 43%. Trong bối cảnh ấy, một Hiệp định thương mại tự do giữa hai nước là bước tiến có ý nghĩa đột phá. Thành tựu này càng đặc biệt trong tình hình Washington đang có những thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại ở khu vực châu Á -Thái Bình Dương, với việc Nhà Trắng tuyên bố chấm dứt chiến lược “xoay trục châu Á” cũng như rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Với ba thành tựu nổi bật nói trên của chuyến thăm, dư luận quốc tế cho rằng, Hà Nội và Washington sẽ có thể sẽ cùng đối phó một cách tương xứng với các thách thức mới của thời đại.
Trước thềm chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hai nghị sĩ đồng Chủ tịch Nhóm ASEAN của Quốc hội Hoa Kỳ đã ra tuyên bố chào mừng, bày tỏ sự coi trọng quan hệ đối tác với Việt Nam. Hai nghị sĩ đồng Chủ tịch Nhóm ASEAN của Quốc hội Mỹ hy vọng “chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giúp làm sâu rộng quan hệ hai nước, cùng khu vực, vun đắp một châu Á-Thái Bình Dương ổn định và thịnh vượng hơn”.
Gắn kết sâu rộng hơn với khu vực
Theo các chuyên gia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Donald Trump sẽ cùng bàn bạc về các vấn đề hợp tác kinh tế và an ninh thiết yếu trong dịp này. Ngoài các quan hệ thương mại với Mỹ, Việt Nam còn là một chìa khóa quan trọng trong đảm bảo hòa bình và giữ cân bằng quyền lực trong khu vực.
Khi bàn đến việc tái khởi động lại các vòng đàm phán cho TPP-11 (TPP không có Mỹ), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từng nhấn mạnh hai giá trị làm nền tảng cho Hiệp định mậu dịch khu vực châu Á -Thái Bình Dương thế hệ mới này là: “tự do” và “công bằng”. Ông Abe tin rằng chính vì hai khái niệm này khiến Mỹ sẽ quay trở lại với Hiệp định TPP.
Chúng ta chưa thể biết được điều mong muốn của Thủ tướng Nhật có thành hiện thực hay không, nhưng Việt Nam chắc chắn sẽ luôn đi theo hướng đó, tức là “tự do” và “công bằng” trong xây dựng mối quan hệ song phương Việt-Mỹ.
Tạp chí National Interest (Mỹ) cho hay, Thủ tướng Việt Nam là nhà lãnh đạo thứ ba từ châu Á tới Mỹ, nhưng là nhà lãnh đạo đầu tiên thăm chính thức và được tiếp tại phòng Bầu Dục, kể từ khi ông Trump nhậm chức. Riêng mỗi điều này cũng đã thể hiện nhu cầu muốn hợp tác giữa hai nước cũng như ưu tiên của Mỹ đối với sự hợp tác với châu Á nói chung.
Tờ báo cho rằng, bên cạnh vấn đề an ninh Biển Đông, hợp tác song phương Việt-Mỹ trong thời kỳ hậu TPP là chủ đề được hai nhà lãnh đạo đề cập chi tiết trong cuộc gặp. Giới phân tích đánh giá cao việc trong khi chưa đạt được thỏa thuận đa phương, Việt Nam và Hoa Kỳ có thể đàm phán kết thúc hiệp định thương mại và đầu tư mới, hướng tới cải thiện hiện trạng thương mại và môi trường đầu tư giữa hai nước.
Truyền thông Mỹ chú ý một khía cạnh khác của chuyến thăm. Trước một Hoa Kỳ với nhiều chủ trương mới từ khi Tổng thống Trump lên nắm quyền, mức độ quan tâm của Hà Nội đối với Bắc Kinh cũng tương tự như với Washington hay Tokyo.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã thăm chính thức Bắc Kinh, cùng lúc với việc tham dự hội nghị thượng đỉnh về dự án “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc. Còn Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có mặt tại Bắc Kinh nhiều ngày trước khi Donald Trump nhậm chức.
Sau chuyến thăm Hoa Kỳ lần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ thăm “xứ sở Mặt trời mọc” từ 4—8/6/2017. Trong chuyến công du sắp tới, ông Phúc sẽ hội đàm với người đồng nhiệm, ông Shinzo Abe và diện kiến Nhật Hoàng và phu nhân. Nhật hiện nay là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam với kim ngạch thương mại đạt 30 tỷ USD năm ngoái đồng thời là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai ở Việt Nam.
Nguồn enternews.vn