Xuất xứ cộng gộp: Cửa vào EU rộng mở hơn

0
64

Những ưu đãi về quy tắc xuất xứ, quy tắc xuất xứ hàng hóa cộng gộp sẽ giúp sản phẩm dệt may của Việt Nam chiếm ưu thế tại thị trường EU, nhưng không dễ hưởng ưu đãi này. 

Chứng nhận xuất xứ hàng hóa từ lâu đã trở thành chứng từ quan trọng trong thương mại quốc tế. Tại Việt Nam, những hội thảo liên quan đến quy tắc xuất xứ hàng hóa cũng đã được tổ chức tại Hà Nội, TP.HCM, nhưng thông tin chưa đủ lan tỏa đến cộng đồng doanh nghiệp dệt may.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, tỷ lệ tận dụng ưu đãi xuất xứ hàng hóa từ các FTA mà Việt Nam đã tham gia rất thấp, trung bình 35%. Việc chưa hiểu đầy đủ về quy tắc xuất xứ hàng hóa đang là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp không tận dụng được ưu đãi xuất xứ, không xin được C/O ưu đãi và không được hưởng mức thuế quan 0 – 5% mà các FTA mang lại.

EU là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới nhưng là thị trường xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ. Với mức thuế suất nhập khẩu bình quân áp dụng với hàng dệt may từ Việt Nam vào EU là 9,6%, năm 2016, kim ngạch xuất khẩu sang EU đạt 3,8 tỷ USD, tăng 3,2% so với năm 2015. Tuy nhiên, đơn hàng dệt may từ EU có số lượng nhỏ do các nhà nhập khẩu có xu hướng mua sản phẩm trọn gói thay vì đặt gia công.

Việt Nam luôn nhắc đến những cơ hội từ Hiệp định Tự do thương mại Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) với ưu đãi thuế quan 0%. Nhưng rất ít doanh nghiệp biết rằng, tại hiệp định này, 2 bên đã thống nhất tiêu chí xuất xứ 2 công đoạn cho sản phẩm dệt may, nghĩa là vải sử dụng để cắt may phải có xuất xứ từ Việt Nam hoặc EU.

Việt Nam và EU cũng thống nhất một cơ chế linh hoạt là các nhà sản xuất của Việt Nam và EU có thể nhập khẩu nguyên liệu từ các nước mà cả Việt Nam lẫn EU cùng ký FTA, hiện tại là Hàn Quốc, trong tương lai là Nhật Bản và một số nước ASEAN đang đàm phán FTA với EU, để sản xuất hàng dệt may và các sản phẩm dệt may này được coi là có xuất xứ rõ ràng và được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu. Cơ hội mở ra, nhưng tận dụng được ưu đãi là không dễ.

Theo bà Vũ Thị Phương – Phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, đáp ứng các quy tắc về xuất xứ hàng hóa vẫn là điểm yếu của ngành dệt may nước ta. Trung bình mỗi năm ngành dệt may sử dụng khoảng 820.000 tấn nguyên phụ liệu. Nhưng chất lượng vải trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu về xuất xứ của các thị trường xuất khẩu chính, như Mỹ hay EU.

Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới nhưng có tới 75% doanh nghiệp dệt may làm gia công, tập trung vào khâu cắt, may và thiếu những doanh nghiệp sản xuất sợi, dệt, nhuộm. Trong khi đó, những điều khoản được quy định trong EVFTA phức tạp và chặt chẽ hơn các hiệp định Việt Nam đã ký, việc tuân thủ các quy định về xuất xứ hàng hóa cũng vì thế mà khó hơn rất nhiều.

Việc EVFTA cho phép xuất xứ cộng gộp đã mở rộng hơn cánh cửa cho hàng dệt may của Việt Nam vào EU. Một số doanh nghiệp có tiềm lực gần đây đã chuyển hướng nhập nguyên liệu từ Hàn Quốc và Nhật Bản, những nước đang và sẽ có FTA với EU. Năm 2016, Việt Nam chi 1,3 tỷ USD để nhập vải từ Hàn Quốc, tăng 2,63% so với năm 2015.

Tổng công ty CP May Hưng Yên (Hugaco) đã mở rộng quan hệ giao thương tới hơn 20 khách hàng Hàn Quốc, vừa để tránh những rủi ro về xuất xứ có thể đến trong quá trình thông quan, vừa được hưởng ưu đãi từ FTA Việt Nam với Hàn Quốc. Theo ông Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch Hugaco, đây là cách để đảm bảo nguồn vải tương ứng giá trị xuất khẩu hơn 35 triệu USD của Công ty.

Trong bối cảnh đó, một số công ty từ Hàn Quốc, Hong Kong và Đài Loan đã lanh lẹ đầu tư khá lớn vào sản xuất nguyên phụ liệu tại Việt Nam với hy vọng tận dụng được cơ hội miễn thuế vào thị trường EU. Theo ông Roger Lee – CEO của TAL Apparel, phải 5 năm nữa ngành dệt may Việt Nam mới có thể độc lập về nguyên liệu. Đó là lý do TAL Apparel chi ra 240 triệu USD để xây dựng một nhà máy chuyên sản xuất nguyên phụ liệu. Năm nay, dự kiến nhà máy này sẽ vận hành, cung ứng đủ nguyên liệu cho 2 nhà máy của Hãng tại Việt Nam.

Gần đây, nhiều chuyên gia kinh tế tính đến liên kết nội khối ASEAN để phát triển ngành dệt may. Theo đó, Việt Nam mạnh về may mặc, Thái Lan, Malaysia có lợi thế sản xuất dệt nhuộm, có thể liên kết thành chuỗi sản xuất để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh từ khâu trồng bông, xe sợi, dệt vải và may mặc trong khối. Điều này không chỉ giúp phát huy thế mạnh của mỗi quốc gia, đáp ứng quy tắc xuất xứ trong hiệp định thương mại với EU, mà còn tạo mắt xích đủ mạnh để có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo ông Stefan Moser – chuyên gia của EU-MUTRAP, những nỗ lực của Việt Nam về đáp ứng các quy định xuất xứ hàng hóa là rất đáng kể. Tuy nhiên, Việt Nam cần tổ chức nhiều hơn các khóa đào tạo để giúp doanh nghiệp nắm vững các quy định về xuất xứ, nhất là xuất xứ cộng gộp và cách thức áp dụng để được hưởng ưu đãi khi EVFTA có hiệu lực.

HẢI VÂN 

Nguồn www.doanhnhansaigon.vn