Rào cản chính sách thuế của các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam

0
25

Các Doanh nghiệp công nghệ trong nước, vốn có tiềm lực tài chính không thể so bì với những đại gia công nghệ giàu có của Mỹ, lại phải trả lương cao gấp rưỡi mới có được nhân sự cùng chất lượng. 

Tại buổi gặp mặt giữa phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và cộng đồng startup công nghệ, câu chuyện của Trình Tuấn, nhà sáng lập Babyme đã gợi ra một vấn đề nhức nhối.

Công ty của Trình Tuấn là công ty 100% của Việt Nam, do người Việt Nam thành lập, thuê lao động Việt Nam, sản phẩm ứng dụng tại Việt Nam. Thế nhưng, Tuấn lại phải lập trụ sở ở Singapore. “Những quy định trong nước tôi buộc phải lập trụ sở công ty ở Singapore, còn công ty Việt Nam chỉ là công ty gia công sản phẩm. Cuối cùng, sản phẩm của Việt Nam, lại phải mang đi đóng thuế không ít cho nước ngoài”, Tuấn chia sẻ.

Vấn đề của Trình Tuấn không phải là một trường hợp cá biệt của riêng startup, mà là của cả ngành công nghệ. Những chính sách ưu đãi thuế cho ngành công nghệ thông tin dù thiết thực, nhưng theo thời gian, đã bắt đầu có dấu hiệu không theo kịp so với sự phát triển của công nghệ.

Lắng nghe câu chuyện này, Phó thủ tướng đã phải thốt lên: “Phải làm sao để không để doanh nghiệp Công nghệ thông tin Việt Nam ăn cơm Việt Nam, đóng thuế nước ngoài”. Yêu cầu của Phó Thủ tướng, được chuyển trực tiếp tới đại diện của Bộ kế hoạch đầu tư, bộ Tài chính, bộ Khoa học công nghệ, Bộ Thông tin truyền thông có mặt ở đó.

Trên thực tế, việc “ăn cơm Việt Nam, đóng thuế nước ngoài” là tình trạng phổ biến của doanh nghiệp công nghệ cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tại Việt Nam.Chúng ta đều biết tới Google, Facebook, Uber hay Apple – những doanh nghiệp công nghệ hàng đầu trên thế giới. Tại Việt Nam, Google và Facebook đang chiếm thị phần lớn trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến. Trong lĩnh vực điện thoại di động, Apple chỉ đứng sau Samsung.

Vỗ ngực tự hào về thị phần quảng cáo online Việt Nam, nhưng dường như cả Google hay Facebook đều quên mất nghĩa vụ đóng thuế của mình. Chẳng hạn, Google có nhân viên tại Việt Nam, nhưng lại đặt trụ sở ở Singapore, vì vậy họ không hề đóng một đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào, cũng như thuế thu nhập cá nhân hay bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Với kinh nghiệm tầm quốc tế, các ông lớn này dễ dàng khai thác những kẽ hở trong chính sách để trốn được những khoản thuế khổng lồ. Tất nhiên, các công ty công nghệ kể trên cũng dễ dàng trả lương cho nhân viên của mình cao hơn, vì họ đâu có phải đóng thuế.

Lãnh đạo một công ty công nghệ lớn của Việt Nam chia sẻ, với mức thuế thu nhập cá nhân 35% hiện nay, thì một doanh nghiệp khi trả cho một nhân sự 2.000 USD thì bản chất đã phải chi trả 3.000 USD nếu tính cả bảo hiểm xã hội.

“Nếu một công ty trong nước trả lương cho nhân viên cao bằng Google hay Facebook Việt Nam, thì thực ra họ phải bỏ ra một số tiền gấp rưỡi những công ty trên. Vì vậy nếuthuế TNCN có giảm 50% hay thậm chí 100% thì mặc dù có giá trị rất lớn với doanh nghiệp dịch vụ CNTT Việt Nam, nhưng cũng chỉ là làm giảm bớt sự mất công bằng so với doanh nghiệp nước ngoài chứ chưa thật sự là ưu đãi.”, vị này cho biết.

Sự chênh lệch là rất lớn. Các doanh nghiệp công nghệ trong nước, vốn có tiềm lực tài chính không thể so bì với những đại gia công nghệ giàu có của Mỹ, lại phải trả lương cao gấp hơn nhiều lần mới có được nhân sự cùng chất lượng. Nghịch lý này không chỉ khiến ngân sách thất thu mà còn gây ra tình trạng “chảy máu” chất xám sang các công ty nước ngoài. Điều này rất nguy hiểm, vì trong ngành công nghệ cao, con người là yếu tố quan trọng nhất, quyết định sự thành bại của cả ngành.

Việc “đòi tiền” những kẻ lách thuế từ nước ngoài dường như là bất khả thi. Ngay cả với những quốc gia có hệ thống pháp luật chặt chẽ như ở Tây Âu, các công ty công nghệ của Mỹ cũng có những cách để lách luật và trốn thuế dễ dàng. Sẽ rất khó để Việt Nam nghĩ tới việc ‘đánh thuế’ những ông lớn này.


Các DN công nghệ xuyên biên giới luôn biết cách để giảm tối thiểu các khoản thuế phải đóng. Các quốc gia có hệ thống pháp luật chặt chẽ nhất cũng đang bó tay với những kẻ lách thuế này

Các DN công nghệ xuyên biên giới luôn biết cách để giảm tối thiểu các khoản thuế phải đóng. Các quốc gia có hệ thống pháp luật chặt chẽ nhất cũng đang “bó tay” với những kẻ “lách thuế” này

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam hiểu rõ điều này. Trong buổi họp Ủy ban quốc gia về công nghệ thông tin mới diễn ra gần đây, Phó thủ tướng cũng đã đề nghị Bộ tài chính cần có những điều chỉnh thích hợp về chính sách thuế cho doanh nghiệp công nghệ trong nước, nhằm tạo ra một sân chơi sòng phẳng hơn.

Đại diện phía Bộ Tài chính cho biết, Bộ đang nghiên cứu đề án giảm thuế thu nhập cho nhân lực trong ngành công nghệ cao, với mục tiêu để DN công nghệ trong nước cũng được hưởng những ưu đãi cân bằng với doanh nghiệp công nghệ nước ngoài tại Việt Nam.

Hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có ưu đãi cụ thể nào về thuế thu nhập cá nhân cho lao động trong ngành công nghệ thông tin. Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế, tham gia vào xây dựng Đề án ưu đãi thuế Công nghệ thông tin cho biết, điều 29 Luật Công nghệ cao, có quy định Nhà nước có cơ chế, chính sách ưu đãi cao nhất về thuế thu nhập cá nhân.

Vì vậy, để tạo điều kiện thu hút nhân lực công nghệ cao cho các doanh nghiệp trong nước ngang bằng với các doanh nghiệp nước ngoài, nên đưa ra mức ưu đãi thuế suất giảm 100% thuế TNCN cho lao động trong ngành.

Ông Nguyễn Thế Tân, Tổng giám đốc VCCorp, một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet lớn của Việt Nam nhận xét: “Thu nhập cá nhân là điểm cốt yếu nhất tạo nên sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngành công nghệ. Nếu nút thắt này được giải phóng, tôi tin rằng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp công nghệ trong nước với doanh nghiệp nước ngoài sẽ được cải thiện đáng kể”.

Còn theo bà Cúc, những ưu đãi về chính sách thuế kể trên, cũng tương tự như những gì mà các Trung Quốc, Ấn Độ đã làm cho ngành công nghệ thông tin của mình vào thời kỳ cuối những năm 90. Những chính sách này đã tạo ra một bước đà để chuyển từ giai đoạn tiềm năng sang tăng trưởng thực sự. Trong khi đó, chính sách ưu đãi thuế CNTT của Việt Nam hiện còn thấp hơn giai đoạn 2001 – 2008 và không còn phù hợp với mục tiêu phát triển của ngành công nghệ thông tin.

Trung Quốc và Ấn Độ đều gặt hái những thành công thực sự đáng nể. Những công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc như Alibaba, Baidu hay Xiaomi ngày nay đủ sức đối trọng với những tên tuổi công nghệ hàng đầu của nước Mỹ như Amazon, Google, Apple.

Để có được thành quả như vậy, đòi hỏi sự trợ lực rất lớn từ phía chính sách, cũng giống như Phó Thủ tướng Đam đã phát biểu: “Nếu theo tư duy bình thường thì ngành CNTT không bước qua được rào cản hiện nay”.

Trang Lâm – Theo Cafebiz