Doanh nhân khởi nghiệp phải vượt qua muôn vàn cửa ải, từ đó mới lớn khôn. Cửa ải đó không hẳn là thị trường, là quy trình quản lý, là tổ chức sản xuất mà cả hệ thống hành chính.
Đầu năm, anh bạn đến nhà chúc Tết, hỏi thăm dạo này làm ăn ra sao? Sao thấy đang phân phối lò đốt rác, nhu cầu đang tốt, tưởng thành tỷ phú đến nơi rồi mà vẫn kêu khó?
Bạn trả trời: Rằng thị trường tốt, đầu ra, đầu vào đều ổn, duy chỉ có điều, thấy khó này không làm gì được. Giá bán, giá mua, chênh nhau tưởng lãi nhưng phải gõ cửa hết chỗ này chỗ kia, muốn thông đều phải chi phí ‘bôi trơn’, tính lại đâm lỗ đành phải bỏ thôi.
Mà trường hợp của anh bạn tôi không phải là ngoại lệ. Doanh nhân khởi nghiệp phải vượt qua muôn vàn cửa ải để tồn tại rồi mới nói đến chuyện lớn. Nhưng, cửa ải đó không hẳn là thị trường, không hẳn là quy trình quản lý, không hẳn là tổ chức sản xuất, mà cả những cửa ải để lách qua hệ thống hành chính. Mà muốn qua phải tốn kém nhiều thời gian và chi phí.
Trong chương trình “Táo quân” năm Thân, với tinh thần phản biện, hình tượng doanh nghiệp được mô tả là hai anh chàng tý hon không chịu lớn và đều phải làm xiếc để tồn tại. Dẫu rằng, đó là chương trình văn nghệ giải trí, nhưng nó đã phản ánh một thực trạng cay đắng: Doanh nghiệp Việt đang phải vật lộn để tồn tại trong một môi trường nhiều năm liền đổi mới quá chậm so với đòi hỏi thực tế sản xuất kinh doanh
Trong tham luận tại Đại Hội Đảng toàn quốc vừa rồi, Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư Bùi Quang Vinh nói: Trong 5 năm qua, công cuộc cải cách kinh tế đã có làm được rất nhiều việc, riêng cải cách thể chế thì hầu như chưa làm được gì!
Trở lại câu chuyện của anh bạn tôi, một doanh nghiệp phân phối lò đốt rác theo công nghệ Nhật Bản. Về mặt kỹ thuật, đã có kiểm định của Bộ Khoa học Công nghệ, cùng với đó là hàng trăm thông số được các tổ chức khoa học có uy tín từ các nước công nhận. Vấn đề còn lại là nhập khẩu, lắp đặt và chuyển giao với giá thành hợp lý.
Là nước đang phát triển, nhu cầu xử lý rác ở Việt Nam rất lớn, nhưng mặt hàng này vẫn khó bán. Lý do, mỗi địa phương có nhu cầu, bố trí ngân sách không khó, nhưng khi tổ chức đấu thầu đều phải “quân xanh quân đỏ”. Rồi phải thông qua sự phê duyệt của rất nhiều cơ quan: “ông xây dựng” cho chủ trương quy hoạch, “ông tài chính” bố trí ngân sách, “ông môi trường” kiểm định chất lượng, “ông địa phương” (huyện, xã,… ) làm chủ đầu tư, “ông khoa học công nghệ” thẩm định về chất lượng công nghệ,… “ông” nào cũng vô cùng quan trọng.
Để có thể lách qua hàng chục cửa ải đó, phải tổ chức cho các đoàn đi tham quan, giải trình để đổi lấy cái gật đầu. Mỗi lần tham quan, ngoài chi phí ăn nghỉ, đi lại, nếu không có phong bao, coi như chuyến tham quan chưa từng xảy ra. Chưa hết, lại còn phải tranh thủ xin ý kiến, chủ trương từ tỉnh ủy, cơ quan lãnh đạo cao nhất cho ý kiến chỉ đạo.
Hàng trăm cửa ải đó, trước hết là chi phí trong ngoài, sau nữa là thời gian, sự mệt mỏi mà không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để theo đuổi.
Một thực tế được phản ánh tại diễn đàn Quốc hội là: hầu hết ở các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, chi phí xây lắp chỉ chiếm trên 50%. Tưởng như với chi phí ấy, doanh nghiệp thoải mái sống và có lãi.
Nhưng thực tế không phải như vậy. Một phần rất lớn trong đó dùng để lobby cho các cửa ải mà doanh nghiệp phải đi qua như đã kể ở trên. Một phần khác do phải qua quá nhiều cửa ải nên các công trình xây dựng thường chậm tiến độ, phát sinh thêm chi phí nên đến khi tiền được giải ngân, doanh nghiệp không còn được bao nhiêu, thậm chí thua lỗ. Đó là chưa nói đến chuyện cuối năm, phải tranh thủ gặp gỡ, biếu xén, chúc Tết để kiếm việc cho năm sau. Mệt mỏi vô cùng.
Thật thâm thúy khi chương trình Táo quân đưa ra hình tượng hai anh chàng còi chỉ giỏi món làm xiếc để mưu sinh.
Năm mới với sự nhất thể hóa thị trường ASEAN bằng cộng đồng kinh tế chung (AEC), cùng với đó là hàng loạt hiệp định tự do hóa thương mại (FTA) được ký kết và có hiệu lực, Việt Nam đang hội nhập chung ngày càng sâu rộng. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt vẫn phải chịu những bất lợi trong một môi trường kinh doanh còn nhiều bất lợi.
Năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã khởi sắc và đạt tốc độ tăng trưởng cao (6,7%). Đó là một thành tựu. Song, nhìn tổng thể thì chúng ta vẫn còn suy ngẫm. Động lực chính để phát triển vẫn là yếu tố ngoại (FDI, kiều hối,… ) còn nội lực chủ yếu vẫn là lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên. Năm 2020 đang đến gần, đó là thời điểm mà cách đây 20 năm chúng ta đã đề ra mục tiêu đến năm đó, về cơ bản Việt Nam là một nước công nghiệp.
Không thể thành công trong sự nghiệp công nghiệp hóa khi mà Việt Nam vẫn còn trên 40% lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, nhỏ lẻ và manh mún. Không thể thành công khi mà chúng ta chưa tạo được không gian thông thoáng cho doanh nghiệp phát triển và lớn mạnh.
Phan Thế/ Theo Vietnamnet