Hội nghị đối thoại về việc nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng theo về Thông tư 23/2015/TT-BKHCN​

0
50

Sáng ngày 04/5/2016, Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ Tp. HCM tổ chức Hội nghị “Gặp gỡ và đối thoại với doanh nghiệp về việc nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng theo Thông tư số 23/2015/TT-BKHCN” với sự tham dự của hơn 50 người.  

Tham dự hội nghị có Ông Đỗ Hoài Nam – Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định Công nghệ – Bộ Khoa học & Công nghệ, Ông Nguyễn Khắc Thanh – Phó Giám đốc Thường trực Sở Sở Khoa học Công nghệ TP, Ông Nguyễn Phước Hưng – Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp TP cùng đại diện các Sở- Ngành, Khu Nông nghiệp Công nghệ cao, các Hội ngành nghề và doanh nghiệp trên địa bàn TP.

Thông tư số 23/2015/TT-BKHCN ngày 13/11/2015 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, sẽ có hiệu lực từ ngày 01/07/2016. Hội nghị nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với các điểm mới liên quan đến vấn đề này vào quá trình sản xuất kinh doanh của mình, đồng thời nêu các ý kiến của doanh nghiệp khi áp dụng thông tư trên vào thực tiễn.

Hội nghị tập trung nghe Ông Đỗ Hoài Nam – Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định Công nghệ – Bộ Khoa học & Công nghệ giới thiệu về Thông tư 23/2015/TT-BKHCN về mục tiêu, đối tượng, nguyên tắc quản lý việc nhập khẩu theo quy định của Nhà nước, hướng dẫn doanh nghiệp cách làm hồ sơ, thủ tục, quy trình giám định thiết bị đã qua sử dụng, đồng thời nêu rõ trách nhiệm của Bộ Khoa học & Công nghệ trong việc quản lý nhập khẩu thiết bị theo Thông tư trên, trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thực hiện nhập khẩu và sử dụng thiết bị đã qua sử dụng.

Ông Huỳnh Kim Tước – Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng – Sở Khoa học & Công nghệ tư vấn lộ trình đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp. Theo đó, có nhiều cách để tăng năng suất hoạt hiệu quả hoạt động nhưng đổi mới Công nghệ sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động lên đến 20 %. Vì vậy, doanh nghiệp cần chú trọng sử dụng công cụ tư vấn phù hợp với hoạt động của mình để có phương án nâng cao năng suất tối ưu nhất.

Hội nghị ghi nhận nhiều ý kiến của doanh nghiệp xoay quanh việc thực thi Thông tư này. Ông Đỗ Phước Tống – Chủ tịch HĐTV Công ty Cơ khí Duy Khanh/Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí Điện TP.HCM cho biết, việc đầu tư máy móc công nghệ mới mang lại cho doanh nghiệp năng lực công nghệ cao, tuy nhiên cũng gặp khó khăn trong việc thu hồi vốn đầu tư vì máy móc công nghệ cao trong ngành cơ khí có giá rất đắt, thời hạn khấu hao lâu, khả năng khai thác hết công suất máy là một bài toán khó của doanh nghiệp. Để đầu tư, công ty phải có vốn đối ứng và nói thật là phải có vốn dự phòng để trả nợ ngân hàng. Khi việc khấu hao trong giai đoạn đầu là không đủ cho việc trả nợ, việc này là để đảm bảo lịch sử tín dụng của công ty luôn tốt, làm tiền đề cho các lần xoay vốn tiếp theo vì nếu có lịch sử trễ hạn trả nợ vay sẽ rất khó vay tiếp.

Trong quá trình sử dụng máy ban đầu và trong thời gian khấu hao máy từ 7-10 năm có thể chúng ta không có lời, hạch toán kinh doanh chưa hiệu quả, nhưng thực sự sau khi khấu hao hết giá máy thì giá trị sử dụng của máy công cụ chất lượng cao của các nước tiên tiến vẫn còn và lúc này mang lại lợi nhuận tốt. Đầu tư máy móc công nghệ mới lúc này là nghĩ đến tương lai rất xa mới dám đầu tư. Vì trong thời gian đầu chắc là chưa có hiệu quả tốt. Và để đầu tư đòi hòi doanh nghiệp phải có đủ nguồn lực tài chính, điều này là khá khó đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành Cơ khí. Chính vì điều này, hiện nay rất ít doanh nghiệ Cơ khí đầu tư nhiều cho công tác đổi mới máy móc thiết bị công nghệ mới, mà đa phần là mua thêm các máy móc đã qua sử dụng nhưng chất lượng còn đảm bảo cho quá trình sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp.

Mặc khác, nhiều doanh nghiệp để bắt đầu sản xuất sẽ đầu tư các máy đã qua sử dụng nhưng vẫn còn giá trị sử dụng tốt, đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận khách hàng vì chưa có đủ nguồn lực tài chính, cũng như khả năng khai thác thiết bị mới một cách hiệu quả. Ngay cả khi có nguồn lực tài chính thì trong nhiều trường hợp do nhu cầu độ chính xác gia công trong quá trình gia công thô hoặc bán tinh, do sản phẩm chỉ yêu cầu độ chính xác không cao như khi sản xuất các thiết bị lớn, nếu dầu tư máy mới của Trung quốc thì chỉ sau thời gian sử dụng ngắn là không còn hiệu quả sử dụng, còn nếu đàu tư máy mới của các nước tiên tiến thì chi phí cao, sẽ bị thiệt hại trong quá trình sản xuất kinh doanh nên không ai đầu tư. Cuối cùng là không phát triển được sản xuất.

Hiện nay thông tư 23/2015/BKH&CN đã tạo rào cản rất lớn. Thông tư quy định chỉ được nhập máy móc có tuổi thọ dưới 10 năm, mà những máy như thế này rất ít có trên thị trường (chỉ chiếm khoản 1%), chỉ do một số công ty phá sản bán ra và được các doanh nghiệp tại nước sở tại mua hết do còn sử dụng rất tốt. Chỉ các máy có tuổi thọ trung bình từ 15-30 năm mới được các công ty lớn bán đi để đổi máy mới. Vì thế đa số các máy có trên thị trường, máy đã qua sử dụng, có tuổi thọ từ 15-30 năm, nhưng các máy này trong những điều kiện nhất định vẫn còn sử dụng tốt vì nó được sản xuất tại các quốc gia tiên tiến về kỹ thuật chế tạo máy công cụ.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì chưa đủ điều kiện để mua máy mới của các nước tiên tiến vì giá cao, máy dưới 10 năm tuổi thì ít và giá cũng cao. Nếu không được mua máy đã qua sử dụng trên 10 năm, các doanh nghiệp phải mua máy của Trung Quốc có giá tương ứng nhưng chất lượng thấp, đây là thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam. Nếu điều này thật sự diễn ra thì ngành cơ khí sẽ lâm vào cảnh khó khăn, rất khó phát triển. Đề nghị Bộ KH&CN phải xem xét lại thông tư này.

Tại hội nghị, Sở Khoa học và Công nghệ và Vụ Đánh giá, Thẩm định Giám định Công nghệ đã giải đáp một số khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp đối với việc nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng theo Thông tư trên. Theo Ông Nguyễn Phước Hưng – Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp TP, hiện nay nhiều doanh nghiệp cho rằng Thông tư này còn nhiều điểm chưa phù hợp với tình hình thực tế, đề nghị Bộ Khoa học &Công nghệ xem xét, đánh giá, có kiến nghị để thông tư có hiệu quả khi áp dụng.

VPHH