Vẫn biết rằng, khoa học và cả nhân loại đang tìm cách chống lại quá trình biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, đôi khi tác nhân góp phần khiến quá trình này nghiêm trọng hơn lại đến từ chính một số việc làm nhỏ nhặt mà ta chẳng thể ngờ tới. Điển hình như một nghiên cứu mới đây mới chỉ ra rằng ngay đến cách chúng ta nuôi chó, mèo cũng có thể khiến Trái đất nóng lên từng ngày.
Cụ thể, các chuyên gia từ ĐH California, Los Angeles cho rằng, thú nuôi gia đình đang có ảnh hưởng lớn đến quá trình biến đổi khí hậu.
Tại sao? Vật nuôi ngày càng giống một thành viên trong gia đình, và khẩu phần ăn của chúng vì thế cũng thay đổi.
Người hiện đại thường có thói quen sử dụng thức ăn khô, thức ăn ướt dành riêng cho các vật nuôi bởi chúng vừa tiện lợi và tốt cho sức khỏe của chúng.
Khi lượng thịt tiêu thụ tăng, lượng thịt sản xuất cũng phải tăng thêm.
Tuy nhiên, vẫn có không ít gia đình cho cún, mèo cưng ăn thực phẩm cùng với mình (đặc biệt là các gia đình ở Việt Nam) vì họ cho rằng, người ăn thế nào cún ăn như thế mới tốt.
Điều này vô hình trung dẫn tới việc nhiều gia đình hiện cho vật nuôi ăn quá nhiều thịt – nhiều hơn cả con người – và đó là một phần lý do khiến Trái đất của chúng ta nóng lên.
Khi lượng thịt tiêu thụ tăng, lượng thịt sản xuất cũng phải tăng thêm. Dành cho những ai chưa biết, quá trình chăn nuôi gia súc lấy thịt đã thải ra ngoài môi trường một lượng khí nhà kính khổng lồ.
Theo giáo sư Gregory Okin – chủ nhiệm nghiên cứu – chế độ ăn của người Mỹ đã vô tình tạo ra 260 triệu tấn CO2 từ quá trình sản xuất. Ngoài ra, chế độ ăn nhiều thịt của chó mèo cũng tạo ra đến 64 triệu tấn CO2/năm – một con số gây sốc với nhiều nhà khoa học. Nó tương đương với lượng khí thải mỗi năm của 13,6 triệu chiếc xe hơi.
Ước tính, thú nuôi là nguyên nhân gây 25% – 30% ảnh hưởng đến môi trường riêng tại Mỹ. Chưa kể, phân của chúng dù có được dọn dẹp và vứt đi cũng khiến cho tổng lượng rác thải của con người tăng thêm.
Người hiện đại thường có thói quen sử dụng thức ăn khô, thức ăn ướt dành riêng cho các vật nuôi.
“Tôi thích chó và mèo, nên chắc chắn tôi không khuyên rằng chúng ta không cho chúng ăn thịt, vì điều đó không có lợi cho sức khỏe của chúng” – trích lời giáo sư Gregory Okin.
“Nhưng tôi cho rằng chúng ta nên suy nghĩ về những tác động từ vật nuôi đến môi trường. Chúng để lại ảnh hưởng rất lớn”.
Vậy giải pháp là gì? Giáo sư Okin cho biết, chúng ta không nhất thiết phải để vật nuôi có một chế độ ăn quá cao cấp.
“Chó không cần phải ăn bít-tết. Thực ra chúng ăn được nhiều thứ hơn con người. Hãy biết kết hợp chế độ ăn với tinh bột, chỉ để khẩu phần thịt nhỏ hơn hoặc bằng với con người, vậy là đủ rồi”.