Tuyên bố là người đồng hành chứ không phải đối thủ của các nhà bán lẻ offline truyền thống, Lazada vừa có bước đi mới là bắt tay hợp tác với hàng loạt thương hiệu lớn.
40 nhà bán lẻ và các thương hiệu được nhiều người biết đến trên thị trường như: Điện máy Chợ Lớn, Trần Anh, Home Center, Kangaroo, Sơn Kim, Động Lực Sport, PNJ, Lock&Lock, Tuticare, Kid Plaza… đồng loạt ký kết hợp tác với Lazada Việt Nam. Động thái này được cho là sẽ mang lại lợi ích cho cả 3 bên: Lazada, đối tác và người tiêu dùng.
Ông Alexandre Dardy, Giám đốc điều hành Lazada cho biết, việc đặt vấn đề hợp tác với các nhà bán lẻ và thương hiệu lớn nằm trong chuỗi chiến lược thâm nhập thị trường của công ty, hướng đến mục đích xây dựng lòng tin của khách hàng đối với hình thức mua sắm trực tuyến. Trước đó, một khảo sát được Lazada thực hiện vào tháng 3/2016 trên 486 khách hàng cho thấy, hơn 82% quan tâm đến chất lượng sản phẩm khi mua hàng trên mạng. Vì vậy, khi nguồn hàng được đảm bảo hơn về mặt chất lượng, nhà bán lẻ trực tuyến này sẽ có thêm uy tín và củng cố được niềm tin của người tiêu dùng – vấn đề đau đầu không chỉ riêng Lazada mà là thực trạng chung của thương mại điện tử Việt Nam.
“Thông điệp mà chúng tôi muốn gửi đến các khách hàng chính là những mặt hàng mà bạn mua offline, bạn hoàn toàn có thể mua nó online. Nếu bạn tin tưởng mua sắm tại các cửa hàng offline, giờ hãy tin cả ‘cửa hàng online’của họ. Bạn không mua hàng từ Lazada, bạn mua hàng từ họ qua hệ thống của chúng tôi”, ông Alexandre Dardy chia sẻ tại buổi ký kết ngày 9/9.
Các nhà bán lẻ truyền thống lẫn các thương hiệu tham gia cũng tỏ ra khá lạc quan về triển vọng của “mối lương duyên” này. Đa phần cho rằng đây là lựa chọn hợp lý để hàng hóa của họ có thể vươn đến các địa phương mà cửa hàng offline chưa có mặt hay năng lực phân phối chưa chạm đến. Cũng không có doanh nghiệp nào cho rằng, việc có thêm một kênh buôn bán trên Lazada sẽ gây tác động tiêu cực đến cửa hàng offline hay bộ phận thương mại điện tử của riêng mình.
Chủ hệ thống Kid Plaza cho biết, sau 3 tháng hợp tác, công ty đạt mức tăng trưởng 200% mỗi tháng. Trong khi đó, theo đại diện của Điện máy Chợ Lớn, hợp tác này cũng đơn thuần như việc có thêm một cửa hàng nữa trên môi trường mạng, giúp tăng cơ hội tiếp cận khách hàng. Đứng ở góc độ người tiêu dùng thì điều đó cũng có nghĩa, họ sẽ mua sắm những thương hiệu tên tuổi từ các cửa hàng uy tín trên cả nước dễ hơn, không bị hạn chế bởi khoảng cách địa lý thông qua Lazada.
Quy mô của thị trường thương mại điện tử Việt Nam chỉ mới bằng 1% của Mỹ, 4% của Nhật Bản và một nửa của Thái Lan. Các dự báo của Google và Temasek cho biết, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt khoảng 8 tỷ đôla vào 2025 nhờ vào 3 yếu tố: lượng người dùng smartphone cao, kinh tế phát triển nhanh và dân số trẻ. Với triển vọng này, Lazada cũng không giấu tham vọng duy trì vị trí thống lĩnh thị trường với thị phần khoảng 25%. Ngoài việc ký kết với các nhà bán lẻ và thương hiệu lớn, trong tháng qua, công ty này còn triển khai thêm chính sách đổi trả hàng và hoàn tiền tận nhà cho khách để gia tăng uy tín.
Viễn Thông | Theo Vnexpress