Vào tháng 11.2015, Oliver Samwer có một startup mới khoe với các nhà đầu tư tiềm năng. Vị CEO của Rocket Internet – một vườn ươm công nghệ có trụ sở tại Berlin, Đức, nổi tiếng cho ra lò những startup “sao chép” các công ty công nghệ thành công của Mỹ – đang tung hô đứa con mới nhất của mình. Đó là Nestpick, một dịch vụ giống như Airbnb dành cho các sinh viên chưa tốt nghiệp đại học. Nhóm của Samwer đã mời công ty đầu tư mạo hiểm Mangrove Capital Partners hợp tác đầu tư dự án này.
Mangrove nhanh chóng nhận lời tham gia vào vòng huy động vốn 11 triệu USD cho Nestpick. Nhưng chưa tới 6 tháng sau đó, Nestpick đã sa thải hầu hết trong số 140 nhân viên. Rocket dường như đã đánh giá sai bản chất của thị trường nhà ở dành cho sinh viên. Theo đó, nhu cầu tăng mạnh chỉ trước khi năm học mới bắt đầu và cũng bốc hơi trong suốt năm học đó. Mark Tluszcz, CEO của Mangrove, rất hối hận vì đã rót vốn vào dự án này. “Bạn quá phấn khích vào ngày bạn rót tiền vào, nhưng chỉ trong vòng 1 năm, bạn tự hỏi không biết lúc đó mình nghĩ gì nữa”, ông nói.
Ít nhất có hơn 10 startup của Rocket đã đóng cửa. Còn lại, phần lớn đều đang thua lỗ.
Thời gian gần đây, các nhà đầu tư ít nhiều cũng có cùng cảm nhận như vậy về Rocket. Khi Công ty lên sàn chứng khoán Frankfurt Stock Exchange vào tháng 10.2014, đó là đợt IPO lớn nhất của Đức trong 7 năm, định giá doanh nghiệp này lên tới 8,2 tỉ USD. Thế nhưng, kể từ đó giá cổ phiếu Rocket đã giảm hơn phân nửa.
Rocket có thể lấy một số tấm gương thành công để khoe chiến tích của mình: Zalando, hiện là một trong những nhà bán lẻ thời trang lớn nhất châu Âu; CityDeal, một công ty coupon qua mạng đã được bán cho Groupon vào năm 2010; và Lazada, một công ty thương mại điện tử gần đây được Alibaba mua lại.
Nhưng hầu hết các startup dưới trướng của Rocket đều đang gặp khó khăn, với ít nhất hơn 10 startup đóng cửa và gần như tất cả đều thua lỗ. Đầu tháng 9 vừa qua, Công ty đã đưa ra khuyến cáo lợi nhuận lần đầu tiên, cho biết lỗ 617 triệu euro (682 triệu USD) trong 6 tháng đầu năm. Samwer đã cam kết sẽ “cầm máu”, không để cho tình trạng thua lỗ trầm trọng hơn. Ông cho biết ít nhất 3 trong số các startup của ông (không nói rõ các startup nào) sẽ có lãi vào cuối năm 2017.
Các nhà phê bình cho rằng không có công ty nào của Rocket phát hành IPO thành công kể từ năm 2014. Khi một startup ăn nên làm ra, việc phát hành IPO hay bán công ty cho một doanh nghiệp khác có thể là dịp để các nhà đầu tư ban đầu như Rocket bán ra, kiếm lời. Nhưng Samwer lại nói rằng bán cổ phần với giá cao không phải là mục đích của Công ty. “Trọng tâm của chúng tôi là xây dựng các doanh nghiệp và duy trì chúng lâu dài”, ông nói.
Samwer và các anh em trai Alex và Marc lần đầu tiên tạo tên tuổi cho mình vào năm 1999 với Alando, một bản sao của Ebay mà họ đã bán lại cho Ebay với giá 53 triệu USD. Sau đó, họ sáng lập công ty nhạc chuông điện thoại Jamba!, được VeriSign mua lại với giá 273 triệu USD vào năm 2004.
Vào năm 2007, họ thành lập Rocket như một nhà máy “nhân bản vô tính”, tung ra các startup bản sao ở các thị trường từ Tây Âu cho đến Mỹ Latinh, châu Phi trước khi “phiên bản gốc” xuất hiện. Tốc độ rất là quan trọng đối với loại hình này, bởi lẽ công ty đầu tiên tạo được chỗ đứng trên thị trường thường có lợi thế rất lớn trước các đối thủ tiềm năng. Samwer bảo vệ cách làm của Rocket, khi nói rằng nhiều công ty thành công nhất thế giới như Toyota không sáng tạo ra một mô hình kinh doanh nào mà chỉ là triển khai mô hình hiện có tốt hơn mà thôi.
Một nhóm Rocket thường xuyên đi săn lùng các ý tưởng kinh doanh, “rà đi rà lại” các tờ báo, tạp chí công nghệ Mỹ cũng như săm soi các công bố rót vốn của những hãng đầu tư mạo hiểm nổi tiếng ở Thung lũng Silicon. Khi một dịch vụ giao nhận đồ giặt ủi gọi là Washio giành được sự chú ý ở thành phố New York, Rocket cử ngay một nhóm xem xét việc dựng lên một startup bản sao sau này được đặt tên là ZipJet. Họ đã gọi cho 20 cửa hiệu giặt ủi tự phục vụ trong khu vực để xem xét giá cả và điều tra chi phí cho thuê kho bãi và đặt các máy giặt ở đó là bao nhiêu.
Một khi Rocket “bật đèn xanh” cho một ý tưởng, Công ty đưa nhân lực vào để triển khai thực hiện, cử người từ một đội ngũ hùng hậu các nhà quản lý, từ các phòng ban marketing, kỹ thuật và kế toán của riêng mình. Điều đó cho phép Rocket dựng lên một doanh nghiệp chỉ trong vòng vài tuần lễ, thay vì phải mất tới vài tháng như các công ty khác.
Một số người đang làm việc tại Rocket cho biết hệ thống xử lý giống như một cái máy này chuộng tốc độ hơn là tính ổn định. Home24, một công ty giao nhận đồ nội thất, đã gặp vấn đề ở khâu logistics. Lấy ví dụ, lượng hàng hóa bị trả lại đã tăng mạnh vì việc lập trình bị lỗi dẫn đến website của Công ty gửi thông tin đặt hàng không chính xác sang cho bộ phận giao hàng. Người ta nhận phải món đồ không đúng màu, hoặc nhận được một cái ghế trường kỷ trong khi họ đặt chiếc ghế bình thường. Ban giám đốc đã phải mất hàng tuần để tìm ra gốc rễ của vấn đề, theo một nguồn tin thân cận. Home24 cho biết kể từ đó Công ty đã giải quyết xong các vấn đề này. Vào tháng 9, Rocket tuyên bố một đợt huy động vốn đầu tư mạo hiểm mới cho Home24 với mức định giá thấp hơn 50% so với đợt trước đó.
Samwer cho biết một trong những điểm mạnh của Rocket là khả năng rút ra bài học từ một startup và ứng dụng nó cho các startup còn lại. Nhưng một số nhân viên trước đây của Công ty lại nói rằng các nhân viên trẻ lại được giao những nhiệm vụ mà họ không hề có kinh nghiệm gì. Tại HelloFresh, startup giao nhận bữa ăn nấu sẵn, 2 trong số những người này cho biết, các nhà quản lý không hề có kinh nghiệm hay chuyên môn về thực phẩm hoặc logistics lại được giao nhiệm vụ đi thương thảo với các nhà bán sỉ thực phẩm, đi thuê kho hàng và tổ chức các quy trình giao nhận.
Đối với một công ty tự hào mình sở hữu những tài năng trong quản lý có thể được “trưng dụng” bất kỳ lúc nào, Rocket khiến người ta ngạc nhiên khi có lúc gặp khó khăn trong việc giữ chân nhân sự. Nhiều lính mới dùng Rocket như một cách “làm đẹp” sơ yếu lý lịch của mình trong 1-2 năm rồi sau đó bỏ đi làm việc cho một công ty khác. Tỉ lệ người ra đi cao một phần là do thời gian làm việc dài và môi trường làm việc đòi hỏi cao.
Điều khiến các nhân viên (đã nghỉ việc và còn làm tại Rocket) không thích nhất là Rocket không trả thu nhập đầy đủ cho họ. Nhiều nhân viên tại các công ty thuộc Rocket không nhận được cổ phần nào; thậm chí “các nhà sáng lập” thường chỉ nhận 3% cổ phần. “Những nhà sáng lập này không thực sự là nhà sáng lập mà chỉ được thuê. Đó không phải là cách làm của chúng tôi. Chúng tôi muốn nhà sáng lập phải sở hữu nhiều cổ phần hơn bất cứ ai khác”, Tluszcz, CEO của Mangrove, nhận xét.
Một vấn đề khiến cho các nhà phân tích băn khoăn là Rocket định giá các startup như thế nào. Công ty căn cứ trên giá trị danh mục đầu tư vừa rồi hay dựa vào LPV (công cụ được dùng để tính toán giá trị dựa trên vòng huy động vốn gần nhất của một startup). Phương pháp định giá vẫn còn gây nhiều tranh cãi, theo Neil Campling, chuyên gia phân tích Northern Trust Securities. Vì Rocket thường tham gia vào các vòng huy động vốn này, nên Công ty có thể “thổi phồng” giá trị của một startup. Ông cũng cho rằng LPV có thể phản ánh các điều kiện thị trường không còn đúng với thực tế nữa.
Trong những tuần gần đây, Rocket đã giảm mức định giá của nhiều startup. Công ty đang ca ngợi triển vọng của dịch vụ giao nhận nhà hàng Delivery Hero, có khả năng sẽ phát hành IPO trong những tháng tới. CEO của startup này cho biết Delivery Hero sẽ hòa vốn vào cuối năm nay.
Samwer cho biết Rocket đang trong tình trạng sức khỏe tốt hơn bao giờ hết. Công ty có 1,7 tỉ euro tiền mặt, một quỹ đồng đầu tư mới cho phép Rocket hỗ trợ các startup trong giai đoạn phát triển sau này. Công ty cũng sở hữu một mạng lưới các startup với hơn 30.000 nhân viên ở 120 quốc gia.
Rocket từng thống trị ngành công nghệ Berlin. Giờ Công ty đang phải cạnh tranh với các startup được hậu thuẫn bởi các hãng đầu tư mạo hiểm từ những nước châu Âu khác và Thung lũng Silicon. Các trung tâm công nghệ cũng đang phát triển mạnh mẽ ở các thành phố châu Âu khác và ngày càng nhiều startup không phải đến từ Mỹ nắm trong tay các công nghệ có lợi thế cạnh tranh và những mô hình kinh doanh mới mẻ. “Thời đại của các startup bản sao dường như đã kết thúc”, Ciarán O’Leary, đối tác tại BlueYard Capital có trụ sở ở Berlin, nhận xét.
Samwer cho biết gần đây Rocket ít đưa ra startup bản sao mới, mà chú trọng hơn đến việc đảm bảo các startup hiện có kiếm ra tiền. “Chúng tôi chưa bao giờ cam kết rằng chúng tôi sẽ có lãi sau 1 năm IPO”. Giờ Samwer phải làm sao thuyết phục nhà đầu tư tiếp tục kiên nhẫn.
Ngô Ngọc Châu | Theo Nhịp Cầu Đầu Tư