Thứ trưởng Công Thương cho biết sau nhiều cân nhắc, cơ quan này quyết định tạm thời chưa tước giấy phép có thời hạn với 5 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu.
Thông tin này được ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Công Thương cho biết tại họp báo Chính phủ thường kỳ, chiều 6/9.
Ngày 31/8, Thanh tra Bộ Công Thương ban hành 18 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với 11 doanh nghiệp đầu mối, các công ty trực thuộc… với tổng số tiền phạt hơn 13,3 tỷ đồng. Ngoài phạt tiền, còn áp dụng xử phạt bổ sung là tước quyền giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu với 5 doanh nghiệp trong một tháng.
5 doanh nghiệp bị phạt hành chính và tạm tước giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu, gồm: Công ty cổ phần Thương mại dầu khí Đồng Tháp, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP HCM (Saigon Petro), Công ty TNHH Xăng dầu Hùng Hậu, Công ty cổ phần Dầu khí Đông Phương. Hiện 5 doanh nghiệp này chiếm trên 10% thị phần xăng dầu cả nước.
“Lỗi của các doanh nghiệp này chủ yếu là do không đáp ứng điều kiện hệ thống phân phối theo quy định”, ông Đỗ Thắng Hải nói.
Tuy nhiên, ông cho biết sau nhiều cân nhắc về khó khăn của các doanh nghiệp sau dịch, nhất là phải đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho sản xuất, tiêu dùng của 100 triệu dân, Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương chiều nay họp, thống nhất trước mắt xử phạt hành chính bằng phạt tiền với các doanh nghiệp này. Còn hình thức phạt bổ sung là tạm thời tước giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu với 5 doanh nghiệp “sẽ được áp dụng trong thời điểm phù hợp”.
Việc này cũng được Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ tại cuộc họp thường kỳ hôm nay.
“Chúng tôi đang xử lý, cố gắng tìm biện pháp tốt nhất trong thời điểm hiện nay”, ông Hải nói và nhấn mạnh quan điểm xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Trước đó, sau thông tin tước giấy phép kinh doanh tạm thời của 5 doanh nghiệp, Saigon Petro cho rằng, việc này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn cung thị trường, gây hậu quả tiêu cực tới hoạt động kinh tế xã hội khu vực mà hệ thống này cung cấp.
Doanh nghiệp cũng sẽ đối diện với loạt hệ luỵ bị phạt hợp đồng với nhà máy lọc dầu trong nước, đối tác nhập hàng nước ngoài, hay đời sống của hàng nghìn người lao động…
Họ kiến nghị dừng quyết định tước giấy phép nhằm tránh ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nguồn cung cho thị trường xăng dầu trong nước.
Liên quan tới việc giá dầu bán lẻ trong nước lần đầu cao hơn xăng, ông Đỗ Thắng Hải cho hay, chủ yếu do giá mặt hàng này trên thế giới biến động mạnh.
Từ đầu năm 2022 đến nay, sau xung đột Nga – Ukraine, nguồn cung khí đốt cho châu Âu và Mỹ giảm nên cầu về dầu diesel, dầu hoả tăng. Ngoài ra, nhu cầu người dân chuyển sang dùng khí đốt sang dầu tại châu Âu, Mỹ khi mùa đông tới gần, cũng khiến giá mặt hàng này tăng vọt, cao hơn giá xăng.
Hiện, bình quân mỗi thùng xăng trên thị trường thế giới ở mức 105 USD, còn dầu là 143 USD.
Tại châu Âu, hầu như các nước đều có giá dầu cao hơn xăng. Còn ở Mỹ, giá xăng đang được bán ở mức 4,5 USD một gallon, còn dầu là 5,059 USD một gallon.
Với giá bán lẻ các mặt hàng này trong nước, ông Hải cho hay, trong cơ cấu tính giá cơ sở, mức thuế áp dụng với xăng cao hơn dầu. Chẳng hạn, thuế nhập khẩu dầu 0-0,12%; xăng là 9,7%. Thuế tiêu thụ đặc biệt của dầu là 0%, còn xăng 8-10%. Nên giá bán lẻ xăng trong nước thường cao hơn dầu.
Tại kỳ điều hành ngày 5/9, do biến động lớn từ giá thế giới, giá dầu cao hơn 30-50 USD/thùng, nên giá bán lẻ dầu trong nước lần đầu cao hơn xăng.
Ông Hải nói chia sẻ với những đối tượng sử dụng dầu diesel, như vận tải, ngư dân đánh bắt thuỷ hải sản. “Giá xăng dầu theo kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Ngoài sử dụng các công cụ điều hành như Quỹ bình ổn giá xăng dầu để có mức hợp lý, tăng thấp hơn đà tăng thế giới, còn có những biện pháp khác hỗ trợ các đối tượng bị tác động”, ông nêu.
Thực tế, thị trường xăng dầu trong nước từ sau kỳ điều hành ngày 22/8 đến nay có nhiều xáo trộn, khi nguồn cung hàng khan hiếm cục bộ, loạt cây xăng treo biển hết hàng, đóng cửa. Đại diện các cửa hàng lý giải là doanh nghiệp đầu mối không cấp hàng hoặc cấp số lượng ít; chiết khấu 0 đồng trên mỗi lít xăng dầu khiến họ thua lỗ.
Trước tình trạng này, Bộ Công Thương đã lập 3 đoàn công tác do 3 thứ trưởng phụ trách, kiểm tra tình hình xăng dầu tại các địa phương.