Làm nông nghiệp hữu cơ lợi nhuận xa vời vợi

0
46

Bà Nguyễn Thị Thiêm – Chủ tịch HĐQT Công ty Thái Hưng Thịnh có lẽ là người phụ nữ hiếm hoi chọn cơ khí, một ngành vốn rất nặng nhọc ngay với cả nam giới, để lập nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Thiêm Chủ tịch HĐQT Công ty Thái Hưng Thịnh

Vậy nhưng bà đã thành công khi từ một xưởng sản xuất nhỏ trở thành doanh nghiệp cung cấp trụ đèn chiếu sáng không chỉ cho thị trường trong nước mà còn xuất ra nước ngoài. Và khi đã yên tâm với hướng phát triển Công ty, bà lại dành tâm huyết sản xuất nông nghiệp hữu cơ với mong muốn đem đến cho người tiêu dùng những sản phẩm an toàn nhất.

* Vốn là dân kế toán, vì sao bà lại chọn cơ khí, một nghề không mấy phù hợp với phái “chân yếu tay mềm” để gắn cuộc đời đến hôm nay?

– Cơ khí là nghề của ông xã tôi. Tôi làm kế toán ở Công ty Xây lắp điện 2 khi Công ty đang xây dựng đường dây 500kV Bắc – Nam. Thời điểm đó, đường dây 15kV đều mạ xi nên rất mau hỏng. Để đảm bảo chất lượng cao nhất cho đường dây điện cao thế, yêu cầu toàn bộ sản phẩm từ nhỏ đến lớn, thậm chí đến những con bù loong, ốc vít đều phải dùng mạ kẽm nhúng nóng.

Thời điểm đó do khối lượng sản phẩm xây dựng đường dây 500kV cực lớn, tại Sài Gòn chỉ có ba lò mạ lớn mà không có lò mạ nhỏ, nên những sản phẩm nhỏ các công ty không nhận làm. Khi nghe khách hàng than không biết phải mạ nhúng ở đâu, tôi nghĩ ngay đến một hướng làm mới.

Đã vậy, thông tin về đường dây 15kV (đường điện hạ thế) cũng phải áp dụng công nghệ mạ nhúng nên chắc chắn thị trường sẽ có nhu cầu rất lớn về mặt hàng này. Vậy là tôi bàn với chồng mở lò mạ nhúng trong khi cả hai vợ chồng vẫn vừa làm việc nhà nước vừa điều hành xưởng riêng.

* Làm việc trong tình trạng “chân trong chân ngoài” như vậy, lại không có chuyên môn, làm sao bà có thể phát triển thành Thái Hưng Thịnh như hiện nay?

– Chồng tôi là dân cơ khí, hơn nữa, một người bạn thân của tôi có cha vợ là tiến sĩ chuyên về mạ nhúng. Khi không rành về điều gì, chúng tôi lại tìm đến chuyên gia thông qua anh con rể ấy.

Đường dây 15kV có đến hàng ngàn mặt hàng nhưng sản phẩm của các đơn vị trong nước không cung ứng đủ cho thị trường. Vì thế, chúng tôi được “đặt hàng” một số mặt hàng.

Tính tôi tỉ mỉ và hay quan sát nên khi bắt tay vào làm là thành công và sản phẩm đáp ứng được yêu cầu chất lượng từ phía khách hàng. Sau 10 năm làm phụ kiện đường dây điện, thấy mình lớn tuổi, khó có thể nhớ hết hàng ngàn sản phẩm trong khi sản xuất trụ đèn chiếu sáng đơn giản hơn, nên năm 2002, chúng tôi chuyển ngành. Từ đây, Thái Hưng Thịnh chuyên về trụ đèn chiếu sáng có mặt trên thị trường.

Muốn phát triển công ty phải toàn tâm toàn ý chứ không thể cứ “hai chân hai việc” như trước đây. Vợ chồng tôi nghỉ việc nhà nước, cùng nhau điều hành Thái Hưng Thịnh. Sau đó, đồng hành cùng vợ chồng tôi còn có một cổ đông là anh bạn thuở trước. Nhờ sự hỗ trợ của anh ấy mà tôi có thời gian để nghiên cứu về nông nghiệp hữu cơ.

* Có lẽ đấy cũng là cơ duyên… Nhưng chắc là bà gặp không ít khó khăn?

– Thời làm mạ nhúng và sau này là sản xuất trụ đèn, mặc dù chồng làm cơ khí nhưng quyết định kỹ thuật vẫn là tôi! Nói không phải tự khen nhưng tôi khá rành về cơ khí. Trong kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh ngành này, phải là người biết kỹ thuật, đọc được bản vẽ, không thì coi như thua. Do không được đào tạo bài bản nên tôi phải học, học từ các bậc đàn anh, học qua sách vở và thực tế sản xuất.

Tôi may mắn là có những đồng nghiệp làm cùng công ty trước sẵn sàng giải đáp bất cứ thắc mắc nào của tôi về vấn đề kỹ thuật và chỉ trong vòng 6 tháng, tôi đã đọc rành rẽ về bản vẽ kỹ thuật. Những gì chưa thật rõ tôi lại tham khảo những kỹ sư giỏi trong ngành. Với những gì đã học, đã làm, tôi đã thành công khi tiếp cận với một ngành vốn không dành cho phụ nữ.

* Ngành trụ đèn chiếu sáng gần như phụ thuộc vào thị trường bất động sản. Vào những thời điểm bất động sản đóng băng, Thái Hưng Thịnh làm sao để tồn tại?

– Khi nhu cầu xây dựng tăng cao, sản lượng tiêu thụ trụ đèn chiếu sáng của Thái Hưng Thịnh tăng mạnh, nhưng khi ngành bất động sản đóng băng, các công trình “đắp chiếu” thì doanh số của Công ty tụt hẳn. Còn nhớ, vào những năm 2009 – 2010, thị trường bất động sản xuống đáy, có những khách hàng ký hợp đồng rồi nhưng dự án họ không triển khai được nên phải hủy đơn hàng.

Để có thể sống sót trong giai đoạn đó, chúng tôi phải thay đổi cách kinh doanh. Thay vì tập trung vào khách hàng là các nhà đầu tư bất động sản lớn, chúng tôi chuyển sang đẩy mạnh bán thương mại, bán cho trường học, bệnh viện, khu đô thị nhỏ. Nhờ cách làm này mà trong khi các đơn vị khác phải thu hẹp sản xuất, thậm chí có đơn vị đóng cửa thì Thái Hưng Thịnh vẫn tăng trưởng doanh thu.

Vượt qua giai đoạn khó khăn đó, thị trường bất động sản phục hồi cũng là lúc doanh thu của Thái Hưng Thịnh tăng mạnh. Trong hai năm vừa qua, Công ty tăng trưởng gấp rưỡi so với trước đó. Hiện nay sản phẩm của Công ty không chỉ được tiêu thụ tại TP.HCM mà còn ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, miền tây Nam bộ và xuất khẩu sang Campuchia.

* Không chỉ chọn nghề lạ, nhiều người quen vẫn thường hay nói bà Thiêm có cách làm khác người…

– Nhiều người nói tôi hay bao đồng nhưng tính tôi là vậy. Những gì tôi biết mà đem lại lợi ích cho bà con nông dân là tôi triển khai ngay cho họ chứ không giấu và không lấy đó làm kinh doanh. Chẳng hạn như hiện nay tôi hướng dẫn nông dân huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) sử dụng men vi sinh để nuôi tôm hữu cơ.

Lâu nay, người dân nuôi tôm tự nhiên quảng canh, cứ thả tôm xuống ao và chờ đến thời gian thu hoạch. Như vậy con mạnh sẽ ăn con yếu, con lớn ăn con nhỏ, số lượng tôm bị hao hụt rất lớn. Thế là tôi tính đến việc dùng phương pháp hữu cơ để nuôi tôm. Ban đầu, men vi sinh tôi tự nuôi cấy chỉ để tặng bà con.

Cà Mau là xứ tôm nên bột tôm khá rẻ. Tôi chỉ cho họ lấy men vi sinh ủ bột tôm làm thức ăn cho tôm. Với nguồn thức ăn bổ sung này, tôm sẽ giảm tỷ lệ hao hụt và lớn nhanh hơn nhiều. Hiện tại, Hội Nông dân huyện Ngọc Hiển đã áp dụng phương pháp nuôi tôm hữu cơ và đã thành công. Chỉ sau một tháng, con tôm hữu cơ lớn hơn nhiều so với tôm nuôi truyền thống.

Quy trình nuôi cũng được rút ngắn một tháng (nuôi truyền thống phải 5 tháng rưỡi mới thu hoạch thì nuôi hữu cơ chỉ mất 4 tháng rưỡi), tỉ lệ hao hụt giảm nhiều. Thời gian nuôi được rút ngắn cũng đồng nghĩa với việc nông dân có cơ hội thu hoạch vụ sau vào thời điểm Tết, con tôm sẽ có giá hơn.

Một điều nữa mà tôi muốn làm là phải đi hết chuỗi giá trị. Tôi muốn lấy phế phẩm của cái này để nuôi cái kia và lấy phế phẩm của cái kia để nuôi cái nọ bằng hình thức hữu cơ hoàn toàn.

* Nhưng bà từng nói, làm nông nghiệp hữu cơ là người… không bình thường?

– Làm nông nghiệp hữu cơ là chọn cái rất cực. Người làm việc trong lĩnh vực này lúc nào tay chân người ngợm cũng lấm lem. Hơn nữa, làm nghề gì cũng thấy lợi nhuận nhưng làm nông nghiệp hữu cơ thì lợi nhuận còn xa vời vợi. Người say nông nghiệp hữu cơ lúc nào cũng nghĩ đến phương án, cách thức không giống ai với mong muốn đem đến những sản phẩm sạch nhất, chất lượng cao nhất cho người dùng.

Hiện tôi đang nhân giống một loại khuẩn đỏ có tên là PSB, một loại khuẩn được ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp ở Nhật Bản. Khuẩn này nếu dùng cho gà đẻ trứng thì trứng sẽ có chất lượng tốt hơn mà hoàn toàn hữu cơ. Tôi cũng nghiên cứu sử dụng thuốc nam cho gà.

Sự kết hợp này chắc chắn sẽ cho chất lượng trứng gà tốt hơn nhiều so với nuôi theo phương pháp phổ biến hiện nay. Hay như với vườn cây ăn trái, trong khi nhiều người trồng cốt làm sao cho năng suất cao nhất thì tôi lại hướng đến việc trái cây có chất lượng theo đúng ý mình (hoàn toàn hữu cơ). Tôi thấy thích là làm chứ chưa tính đến kinh doanh.

* Nhưng làm như bà rất dễ thất bại?

– Tám năm nay tôi đã gặp nhiều thất bại trong đầu tư nông nghiệp hữu cơ. Chẳng hạn nuôi gà HMông, chất lượng gà rất ngon nhưng chưa hiệu quả. Cách nay 6 năm, người tiêu dùng TP.HCM không thích ăn loại gà đen chân, đen thịt và cả đen xương. Trang trại của tôi nuôi 2.000 con gà HMông đang trong giai đoạn lấy thịt nhưng các nhà hàng chỉ mua lẻ tẻ. Mất công giao hàng, vả lại thu cũng không được bao nhiêu, tôi đem gà đi biếu anh em bạn bè mỗi người vài ba con là hết.

Sau khi nuôi gà, tôi nuôi bò sữa ở Vũng Tàu nhưng cũng dẹp vì không có đầu ra. Thất bại với gà và bò, tôi chuyển qua nuôi vịt. Với chương trình này, tôi muốn xây dựng mô hình nuôi vịt tập trung trên cạn (lâu nay vịt được nuôi theo hình thức chạy đồng) để đảm bảo an toàn thực phẩm và triển khai cho bà con nông dân ở Cần Thơ.

Nhưng khi thực hiện tôi mới phát hiện ra một điều: vịt ăn rất nhiều. Muốn áp dụng mô hình chăn nuôi này, nông dân phải có nhiều vốn, nếu không chỉ có thể nuôi vài trăm con, mà như vậy thì không hiệu quả. Vậy là lần thứ ba tôi phải dừng chương trình bao tâm huyết.

Thất bại về nông nghiệp của tôi tính bằng tiền tỷ, đó là chưa kể thời gian, công sức bỏ vào đấy. Tuy nhiên, với chương trình mới đang triển khai, tôi tin mình sẽ thành công.

* Có quá nhiều thất bại với nông nghiệp, chăn nuôi hữu cơ, bà không ngại sao?

– Muốn làm là phải chấp nhận đầu tư, chấp nhận rủi ro, không được thối chí. May mắn là ông xã của tôi có cùng sở thích, niềm đam mê. Hiện giờ, gần như ổng “nằm vùng” ở trang trại 17 hecta ở Bình Phước.

Ở trang trại này, một quy trình nuôi, trồng khép kín đang được triển khai. Trong đó, chúng tôi nuôi heo lấy phân ủ bón cây, cấy men vi sinh để nuôi heo, trồng cỏ và tưới cho cây, cấy khuẩn quang hợp PSB phun xịt cho cây và vật nuôi và tự pha chế thuốc sinh học dùng cho cây ăn trái. Chúng tôi đang nghiên cứu nuôi tảo để làm thực phẩm dinh dưỡng, nuôi tôm, nuôi gà thả vườn lấy trứng.

Chúng tôi còn triển khai mô hình aquaponics, tức nuôi cá và lấy nước thải của cá để trồng rau và lấy nước thải của rau quay lại nuôi cá. Tôi còn triển khai thêm một con vật khác vào quy trình khép kín này. Với chuỗi aquaponics, chỉ cần làm thức ăn cho một loại vật là có thể cung cấp cho cả một quy trình chăn nuôi, trồng trọt, có thể thu được nhiều thứ trên cùng hệ sinh thái hữu cơ. Và như vậy, người chăn nuôi có thể tự chế ra thức ăn với giá rẻ hơn rất nhiều so với giá thức ăn công nghiệp… rất hữu cơ.

* Như vậy, có thể hình dung trong vài năm nữa Thái Hưng Thịnh không chỉ cung cấp trụ đèn chiếu sáng mà còn có thực phẩm “sạch”?

– Trụ đèn chiếu sáng của Thái Hưng Thịnh đã có thị trường khá vững chắc. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ thì đang trong quá trình triển khai nhưng tôi tin trong vài ba năm nữa, người tiêu dùng TP.HCM và các tỉnh sẽ biết đến thương hiệu thực phẩm hữu cơ Thái Hưng Thịnh. Trong đó, trứng gà, tôm, cá, tảo xoắn, nấm, heo, trái cây của Thái Hưng Thịnh sẽ là thực phẩm hữu cơ hoàn toàn.

* Ngành cơ khí hình như làm bà không còn sở thích “se sua váy áo” như lẽ thường?

– Làm nghề này nên trang phục của tôi toàn quần tây, áo sơ mi hoặc áo kiểu chứ tuyệt nhiên không váy đầm, vì nó… luộm thuộm, vướng víu lại không phù hợp với môi trường sản xuất. Thường xuyên mặc quần tây, sơ mi thành ra tôi cũng quen với phong cách này luôn. Chưa kể bây giờ làm nông nghiệp nữa, đi vào chuồng heo, tỉa cây, làm men vi sinh mà mặc đầm thì chẳng giống ai! (cười).

* Cảm ơn bà và mong sản phẩm hữu cơ của ông bà sẽ nhanh chóng đến tay người tiêu dùng!

Nguồn www.doanhnhansaigon.vn