Những cách giúp triệu phú Steve Adcock nghỉ hưu ở tuổi 35

Học điều hay từ người giàu, vượt qua tâm lý “bằng bạn bằng bè”, không nợ thẻ tín dụng… là những cách giúp Steve Adcock nghỉ hưu ở tuổi 35.

Steve Adcock, người Mỹ (41 tuổi) làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, sẽ nhớ mãi ngày 23/12/2016. Đó là ngày cuối cùng ông làm việc toàn thời gian. Steve cùng vợ nghỉ hưu sớm lần lượt ở tuổi 35 và 33, sau khi tích lũy được 870.000 USD bằng công việc. Tất cả số tiền này, vợ chồng ông đã đầu tư quỹ hưu trí và chứng khoán. Nhờ thị trường diễn biến tích cực, giá trị tài sản ròng của hai vợ chồng Steve đã tăng lên một triệu USD ngay sau đó.

Steve sinh ra không giàu có, hai vợ chồng ông không kinh doanh riêng và cũng không được thừa kế số tiền lớn. Cả hai càng không có “việc tay trái” để làm vào thời điểm đó. Vợ chồng ông tích lũy tài sản theo cách cổ điển – làm việc chăm chỉ và thực hiện các chiến lược trong tài chính cá nhân.

Dưới đây là những thói quen đơn giản mà Steve đã làm, giúp ông thoát khỏi gánh nặng “cơm áo gạo tiền” sau 14 năm sự nghiệp.




Steve Adcock và vợ. Ảnh: Nhân vật cung cấp cho CNBC

Steve Adcock và vợ. Ảnh: Nhân vật cung cấp cho CNBC

Bỏ qua lời khuyên “hãy theo đuổi đam mê của bạn”

Niềm đam mê của Steve Adcock và vợ có xu hướng thiên về sáng tạo và không phải lúc nào cũng có thể tạo ra tiền để thanh toán được các hóa đơn. Steve thích nhiếp ảnh, nhưng thế mạnh của ông là về khoa học máy tính. Năm 2004, mức lương khởi điểm của ông với tư cách là một kỹ sư phần mềm vào khoảng 55.000 USD. Đến năm 2016, người đàn ông này kiếm được hơn 100.000 USD.

“Tôi không chắc mình đã kiếm được bao nhiêu tiền nếu tôi chọn theo đuổi đam mê của mình”, ông nói.

Steve không phủ nhận thực tế có nhiều người kết hợp sở thích của bản thân với một nghề nghiệp được trả lương cao và đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhưng theo ông, những trường hợp này ít phổ biến. “Xây dựng sự nghiệp xung quanh những gì bạn giỏi”, ông nhấn mạnh.

Học hỏi từ các triệu phú

Trong suốt sự nghiệp của mình, Steve đã làm việc với nhiều người giàu có. Thay vì ghen tị, ông chọn học hỏi điều hay từ họ.

Steve sẽ không bao giờ quên Brian – một đồng nghiệp cũ. Brian hơn Steve vài tuổi và lái chiếc Honda Accord sáu năm tuổi. Mặc dù là một triệu phú nhưng ông vẫn sở hữu một chiếc đồng hồ Casio rẻ tiền và không mặc quần áo hàng hiệu.

“Brian luôn là người không bao giờ bị cuốn vào ‘chính trị văn phòng’ và thường tình nguyện nhận nhiều trách nhiệm hơn. Anh ấy tìm được sự giàu có bằng cách đầu tư và kiểm soát chi tiêu của mình”, Steve đánh giá.

Loại những “kẻ thua cuộc” khỏi cuộc đời mình

Nếu chúng ta chỉ đi chơi với những người thích uống rượu ở quán bar và tiêu tiền (loser – kẻ thua cuộc), rất có thể mình cũng sẽ làm theo những thói quen đó. Steve đã nâng cấp cuộc sống của mình bằng cách “nâng cấp” bạn bè. Ông kết nối những người làm việc tốt nhất trong văn phòng, dành thêm thời gian cho những người thành công hơn mình. Steve tự giao nhiệm vụ cho bản thân là xây dựng mối quan hệ với họ.

“Những thói quen của họ đã ảnh hưởng đến tôi. Chúng tôi đã tạo động lực cho nhau”, ông nói.

Steve bắt đầu đưa ra những quyết định tốt hơn về tiền bạc và cắt giảm rượu bia. Tại nơi làm việc, ông thường xuyên tăng ca và biết yêu cầu tăng lương, thăng chức – giống như những người có thành tích cao đã làm.

Chuyển công ty 5 lần trong 14 năm

Nhận một công việc mới thường là cách dễ dàng nhất để được tăng lương vì thương lượng mức lương cao hơn là một phần tất yếu của quá trình này. Steve được tăng 15-20% lương mỗi khi chuyển công ty. Con số này vượt xa mức tăng 3% so với chi phí sinh hoạt thông thường – mức nhiều nhà tuyển dụng đưa ra cho nhân viên khi xem xét tăng lương.

Chỉ cần lưu ý không chuyển công ty quá thường xuyên. Cố gắng duy trì mỗi vị trí trong ít nhất một năm, vì một số nhà tuyển dụng sẽ không thuê những ứng viên liên tục thay đổi công việc. Quá trình tìm việc và ứng tuyển cũng rất tốn kém.

Tự động hóa mọi thứ và không nợ thẻ tín dụng

Steve đã sử dụng các khoản khấu trừ tiền lương tự động cho vào quỹ hưu trí. Ông cũng dùng lệnh chuyển khoản ngân hàng tự động để góp tiền vào tài khoản chứng khoán. Điều này giúp đảm bảo rằng ông luôn tiết kiệm và đầu tư ngay mỗi lần nhận lương.

Ông cũng đăng ký thanh toán hóa đơn tự động cho điện, nước và một số thẻ tín dụng. Steve không bao giờ bỏ lỡ một lần thanh toán nào và tránh được các khoản phí trả chậm, trả lãi và các khoản phạt khác.

Người Mỹ đang gánh nợ thẻ tín dụng khoảng 887 tỷ USD, theo dữ liệu nợ tiêu dùng mới nhất của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York. Lãi suất cực kỳ cao, khiến nợ thẻ tín dụng trở thành khoản nợ tồi tệ nhất trong tất cả các loại nợ.

Steve chưa bao giờ trả một USD nào cho tiền lãi thẻ tín dụng. Từ nhỏ, cha đã dạy ông rằng nợ thẻ tín dụng là không thể chấp nhận được, dù chỉ trong một tháng. Đối với nhiều người, thẻ tín dụng tạo điều kiện dễ dàng để tiêu số tiền mà họ không có. Đó là một thói quen xấu, dễ dẫn đến việc chi tiêu vượt khỏi tầm kiểm soát.

“Tôi sử dụng thẻ tín dụng vì tiện lợi. Việc bảo vệ chống gian lận và nhiều tính năng phù hợp với nhu cầu khiến chúng đáng, nhưng đó là vì tôi trả hết số dư nợ hàng tháng. Đó cũng là lý do lớn khiến tôi có thể nghỉ hưu ở độ tuổi mới ngoài 30”, ông nhấn mạnh

Phớt lờ những kẻ thù ghét

Theo Steve Adcock, một phần không may khi làm bất cứ điều gì quan trọng là chúng ta sẽ bị ghét. Đôi khi là rất nhiều. Mọi người sẽ chỉ trích bạn vì đã tiêu tiền một cách khác người. Bạn có thể mất bạn bè nếu từ chối những cuộc vui hàng tuần tại quán bar hay nhà hàng sang trọng… Không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng bỏ ngoài tai sự thù ghét là điều không thể thiếu để xây dựng sự giàu có.

Vượt qua tâm lý “bằng bạn bằng bè”

“Chỉ vì người hàng xóm vừa mua một chiếc iPhone, xe hơi hoặc ngôi nhà mới không có nghĩa là bạn cần phải làm như vậy”, Steve khuyên.

Cách tốt nhất để vượt qua tâm lý “bằng bạn bằng bè” là tập trung vào mục tiêu của chính mình. Ông và vợ nói về hy vọng tương lai của cả hai hàng đêm khi họ dắt chó đi dạo quanh khu phố. Điều này đã giúp giữ cho mục tiêu của hai người luôn đặt ở phía trước và ngự trị trong tâm trí họ.

Ưu tiên giao tiếp cởi mở giữa hai vợ chồng

Thông thường vợ chồng có những ý kiến khác nhau về thói quen chi tiêu, mục tiêu và ước mơ. Nếu không được kiểm soát, những khác biệt này có thể gây ra tranh cãi và các vấn đề khác trong mối quan hệ khiến chúng ta không đạt được mục tiêu tài chính.

“Mối quan hệ lành mạnh phụ thuộc vào giao tiếp cởi mở với nhau, từ đó có thể tìm ra mục tiêu nào phù hợp và điều gì khiến bạn hạnh phúc”, Steve chia sẻ.

Việc nói về mục tiêu tương lai chung hàng ngày khiến vợ chồng này luôn quan tâm đến những gì cả hai mong muốn. “Tương lai của mình như thế nào?”, “Đâu là những bước phải thực hiện ngay bây giờ để biến nó thành hiện thực?”… luôn là câu hỏi chung của ông và vợ.

Ưu tiên sức khỏe bản thân

Cuộc sống không chỉ là tiền bạc. Hơn hết, sức khỏe là ưu tiên hàng đầu của Steve. Sức khỏe tốt giúp chúng ta hạnh phúc và làm việc hiệu quả hơn, đồng thời cũng làm giảm nguy cơ phát sinh các chi phí y tế không mong muốn.

Năm 2007, ông mất dáng và gặp nhiều vấn đề về sức khỏe. Steve quyết định thay đổi lối sống của mình bằng cách ăn uống tốt hơn và tập thể dục thường xuyên. Trong hai năm tiếp theo, người đàn ông đã giảm gần 32 kg và có được thân hình đẹp nhất trong đời.

Năm nay ông 41 tuổi và vẫn tiếp tục tập thể hình hàng ngày. Ông và vợ đã chi 10.000 USD để xây dựng một phòng tập thể dục dành riêng cho gia đình. “Đó là số tiền lớn nhất mà chúng tôi từng chi tiêu”, Steve nói.

Luôn nói “có”

Ngay cả khi ông không biết làm thế nào để hoàn thành một việc gì đó, Steve sẽ luôn chấp nhận thử thách và tìm ra giải pháp. Ông nhớ lại thời điểm được gọi tham gia cuộc họp với giám đốc điều hành của công ty. Steve đã rất lo lắng, nhưng hóa ra đó lại là cơ hội nghề nghiệp tốt nhất mà bản thân ông từng có.

Công ty ông đã sa thải toàn bộ đội ngũ quản lý phía trên Steve và muốn ông làm giám đốc công nghệ thông tin. Là một nhà phát triển phần mềm cấp thấp, bước nhảy vọt khổng lồ đó có vẻ khó khăn. Ông chưa bao giờ làm quản lý trước đây và cảm thấy hoàn toàn không chuẩn bị tốt cho một sự thăng tiến lớn như vậy.

Tiểu Gu (theo CNBC)