Thanh khoản chứng khoán èo uột

Nửa đầu phiên sáng nay, cả sàn HoSE giao dịch chỉ hơn 3.000 tỷ đồng, mức thanh khoản thấp nhất trong nhiều tháng qua.

Phiên hôm qua, mức khớp lệnh trên hai sàn lần đầu sau 5 tuần tụt xuống dưới mức 13.000 tỷ đồng. Quy mô giao dịch hàng ngày trên thị trường đã liên tục giảm từ tháng 3 đến nay, thời điểm Chủ tịch tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, với cáo buộc “thao túng” và “che giấu thông tin chứng khoán”.

Thanh khoản chạm đáy vào tháng 7 với mức bình quân phiên chỉ đạt 12.200 tỷ đồng. Trong tháng 8, nhịp hồi lại của VN-Index giúp giao dịch sôi động hơn, nhưng mức thanh khoản bình quân hơn 17.000 tỷ vẫn thấp hơn khoảng 40% so với trung bình giai đoạn sôi động (từ tháng 6/2021 đến tháng 3/2022).




Thanh khoản bình quân phiên chạm đáy trong tháng 7 với trung bình chỉ đạt 12.200 tỷ đồng, trước khi tăng trở lại nhờ nhịp phục hồi của VN-Index. Ảnh: FiinGroup

Thanh khoản bình quân phiên chạm đáy trong tháng 7 với trung bình chỉ đạt 12.200 tỷ đồng, trước khi tăng trở lại nhờ nhịp phục hồi của VN-Index. Ảnh: FiinGroup

Theo số liệu từ FiinGroup, một trong các doanh nghiệp được cấp phép xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam, quy mô thanh khoản thấp chủ yếu do sự thận trọng từ phía nhà đầu tư cá nhân, nhóm chiếm tỷ trọng hơn 90% về thanh khoản giao dịch trong giai đoạn sôi động.

Nhà đầu tư cá nhân đã bán ròng gần 2.400 tỷ đồng qua khớp lệnh trong nửa đầu tháng 8, nối tiếp chuỗi bán ròng liên tiếp 4 tháng trước đó. Tính chung từ đầu năm đến nay, họ đã bán ròng hơn 4.800 tỷ đồng. Dù vậy, quy mô này còn rất khiêm tốn nếu so với mức mua ròng gần 92.900 tỷ đồng trong năm 2021, khi VN-Index đang ở vùng giá cao hơn nhiều so với hiện tại.

“Xu hướng bán ròng của nhà đầu tư cá nhân cùng với thanh khoản duy trì ở mức thấp cho thấy tâm lý thận trọng của dòng tiền đang ở ngoài thị trường”, nhóm phân tích của FiinGroup nhận xét.

Điều này, theo FiinGroup do những lo ngại gần đây về các rủi ro về vĩ mô và chính sách, bao gồm triển vọng tăng trưởng chững lại của nền kinh tế toàn cầu và trong nước, cùng với động thái tăng cường kiểm soát rủi ro liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp và hoạt động tín dụng.




Nhà đầu tư cá nhân đã bán ròng liên tục từ tháng 4 đến nay. Ảnh: FiinGroup

Nhà đầu tư cá nhân đã bán ròng liên tục từ tháng 4 đến nay. Ảnh: FiinGroup

Trái ngược với nhà đầu tư cá nhân, khối ngoại và tự doanh bắt đầu mua ròng trở lại.

Giá trị mua ròng của khối ngoại qua khớp lệnh trên HoSE đạt 1.800 tỷ đồng nửa đầu tháng 8, đảo chiều so với mức bán ròng hơn 400 tỷ đồng trong tháng 7.

Xu hướng đảo chiều này cũng được ghi nhận ở một số thị trường châu Á khác, nhưng diễn ra sớm hơn như Indonesia, Hàn Quốc và Thái Lan. Tuy nhiên, FiinGroup cho rằng cần quan sát thêm để xem xét liệu xu hướng này có bền vững hay không bởi dòng vốn ngoại có thể bị ảnh hưởng bởi động thái thắt chặt định lượng của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Tương tự, khối tự doanh các công ty chứng khoán tiếp tục mua ròng tương đối mạnh trong phiên khớp lệnh nhờ giảm bán ra và tập trung mua ròng cổ phiếu nhóm tài chính, tiện ích và thực phẩm đồ uống.

Tính từ đầu năm 2022, khối tự doanh đã mua ròng tổng cộng 3.900 tỷ đồng qua phiên khớp lệnh, tương đương 75% giá trị mua ròng trong năm 2021.

Minh Sơn