Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Nguyễn Thanh Nam chia sẻ, giai đoạn phát triển mới của Viettel sẽ trao quyền để người trẻ cống hiến, sáng tạo nhiều hơn.
– Nguồn nhân lực trẻ đóng vai trò thế nào trong sự phát triển của Viettel trong suốt hơn 33 năm qua, thưa ông?
– Trong bộ máy của tập đoàn, thanh niên là lực lượng đông đảo, có trình độ cao, luôn lăn xả, vượt khó, sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiều việc khó của tập đoàn.
Quá trình xông pha, đương đầu với thử thách ấy đã giúp các bạn trẻ phát huy trí tuệ, bản lĩnh, năng lực nghiên cứu khoa học, làm chủ công nghệ để tạo ra các dự án thành công, nâng tầm thương hiệu, vị thế của chúng tôi trong hơn 33 năm qua.
Trong giai đoạn phát triển mới, chiến lược của tập đoàn là tiếp tục để người trẻ khát vọng, sáng tạo đổi mới, trở thành trụ cột đi đầu trong việc thực hiện các nhiệm vụ của tập đoàn.
– Là người gắn bó với Viettel từ thời trẻ, ông cảm nhận thế nào sự khác nhau giữa các thế hệ tại đơn vị?
– Doanh nghiệp lúc khởi nghiệp, dù có thuận lợi là thị trường chưa bão hòa, nhưng cơ sở vật chất, nguồn lực về vốn, con người gặp vô vàn khó khăn so với các nhà mạng khác hình thành trước mình nhiều năm. Tên tuổi không có, tài chính hạn hẹp, nhân sự ít, phương tiện thiếu thốn, đi đến đâu thì gặp cản trở ở đấy. Không ai tin Viettel đủ sức dựng nên mạng viễn thông ở Việt Nam.
Người ta thường nói, việc khó giúp mình nhớ lâu, nơi nào gắn bó thì sẽ có kỷ niệm. Chính bối cảnh đó, doanh nghiệp phải cạnh tranh trong điều kiện không cân bằng nên người Viettel thời kỳ ấy đi làm trong tâm thế luôn phải cố gắng, lao động hăng say, quên mình, lúc nào cũng suy nghĩ, trăn trở với công việc.
Thứ nhất là vì mình đang bé, phải quyết tâm để lớn hơn, đủ sức cạnh tranh với họ. Thứ hai là lúc ấy mình cũng không có gì để mất, đã làm thì chỉ có được, đã làm chắc chắn sẽ tốt lên. Tập đoàn không bị sức ép của một doanh nghiệp lớn, khách hàng đông, uy tín mạnh.
Mọi thứ hoàn toàn là bắt đầu với Viettel. Anh em trẻ khi đó làm việc rất vô tư, không toan tính lợi ích gì, chỉ lo làm sao hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao. Trước để lắp đặt được một trạm BTS rất gian nan, nhiều vấn đề phải giải quyết trong khi điều kiện đảm bảo lại không có nhưng yêu cầu vẫn phải phát sóng đúng ngày, đúng giờ.
Trong cái khó ló cái khôn, vì khó khăn nên mình phải suy nghĩ, va đập ý tưởng để tìm cách làm. Chính áp lực công việc ấy nên thường kết quả cao ngoài mong đợi, cảm xúc mang lại rất phấn chấn, sung sướng.
Các bạn trẻ bây giờ đến với Viettel khi đơn vi đã là một Tập đoàn số 1 Việt Nam, cơ sở vật chất đầy đủ, môi trường làm việc khang trang, hiện đại, cơ chế chính sách hấp dẫn. Thế hệ trẻ ngày nay có điều kiện chia sẻ thông tin, tiếp thu tri thức, khoa học kĩ thuật dễ dàng, thông qua tài liệu, Internet, các khóa đào tạo, người trước chỉ bảo người sau, đối tác, khách hàng…
Rất nhiều yếu tố thuận lợi giúp các bạn trẻ hòa nhập nhanh, triển khai công việc suôn sẻ, sớm đạt mục tiêu. Nhiều việc trước có thể mất hàng tháng, giờ chỉ cần 3 ngày, 1 tuần. Thanh niên thời đại 4.0 có thể tạo niềm vui cho mình qua việc chinh phục khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Có nhiều bạn trẻ cũng tự tìm thách thức cho chính mình, chẳng hạn như chủ động nhận mức chỉ tiêu cao hơn so với lãnh đạo giao, nếu làm được thì đấy là động lực, niềm vui của họ.
– Ông có thể chia sẻ thêm về kỷ niệm khó quên trong những năm tuổi trẻ của mình?
– Cuối những năm 90, đầu những năm 2000, viễn thông ở Việt Nam bắt đầu phổ biến ở một vài dịch vụ như nhắn tin, gọi điện, nhưng điện thoại di động vẫn chưa phổ biến. Hồi ấy, mong ước của thanh niên Viettel như tối rất giản dị. Tôi làm truyền dẫn, thường đi dọc các cung đường để khảo sát, bàn phương án triển khai tuyến cáp. Suốt ngày rong ruổi trên đường như vậy nên tôi chỉ ước đi đến đâu có sóng Viettel để gọi. Không có việc gì cũng gọi. Mỗi lần đi thì cầm theo 2-3 máy, vừa kiểm tra sóng của mình, vừa quan sát sóng của đối thủ để so sánh.
Ngày xưa, với chúng tôi , thêm trạm là thêm niềm vui, thêm niềm tự hào. Mỗi khi đến gần khu vực trạm, nhìn thấy cột sóng hiện lên, cảm xúc chuyển sang trạng thái rất xúc động. Đó là cảm giác của sự hiện diện mang tên Viettel trên mọi miền đất nước. Những niềm vui ấy trở nên rất bình thường với các bạn trẻ bây giờ.
– Thời đầu nhiều khó khăn như vậy, làm thế nào để tập đoàn vượt qua?
– Thứ nhất là người Viettel ngày đó luôn có khát vọng, lao động quên mình. Thứ hai là luôn ý thức tìm cách để làm được, làm nhanh thay vì tìm lý do để từ chối. Lúc không có tiền thì chúng ta hợp tác, lúc có doanh thu thì chuyển sang trao đổi để nâng dần vị thế cho mình. Chỗ nào người ta làm chậm thì mình cùng tham gia thúc tiến độ nhanh hơn. Cứ nhìn thấy mạng lưới của đối thủ, người Viettel lúc nào cùng khao khát nhanh chóng xây dựng mạng lưới của mình ngang bằng, thậm chí vượt họ.
Khi bắt đầu cho khách hàng thuê kênh, chúng tôi chỉ có đường trục duy nhất, mình phải chấp nhận thuê của đối thủ với giá rất đắt để vu hồi, nhưng cũng phải xoay sở đủ cách mới thuê được. Họ có thể cho người khác thuê, trừ Viettel. Điều ấy thôi thúc mình phải độc lập, tự chủ. Trong lúc đối thủ chững lại thì Viettel nhanh chóng vươn lên. Chỉ thời gian ngắn, nhiều chỗ mình tốt hơn họ, rồi mình lại quay trở lại chia sẻ với họ lúc thiên tai. Từ đó, Viettel giúp thay đổi nhận thức của các doanh nghiệp nhà nước, chuyển sang tăng cường dùng chung hạ tầng.
– Vậy “tố chất người trẻ” của doanh nghiệp trong thời hiện tại như thế nào?
– Chúng tôi chưa bao giờ thuận lợi cả. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đến thăm tập đoàn cũng đã công nhận: “Viettel sinh trong khó khăn, trưởng thành và xuất sắc cũng nhờ vào khó khăn. Những thành công cũ nảy sinh những khó khăn mới”.
Thách thức của chúng tôi bây giờ là một doanh nghiệp lớn, đầu tư nhiều lĩnh vực hơn, quy mô lớn hơn, phạm vi rộng hơn nên quản lý sẽ khó hơn rất nhiều. Mục tiêu trở thành một Tập đoàn công nghiệp công nghệ yêu cầu Viettel bắt buộc phải có tri thức mới, cách làm mới. Đoàn viên thanh niên đang chiếm tới hơn 70% lực lượng của tập đoàn, họ là nòng cốt thực hiện nhiệm vụ kinh doanh, nghiên cứu công nghệ cao, xông pha, dấn thân công tác tại các thị trường. Các bạn thanh niên ở Viettel năng động, sáng tạo nhưng cũng rất kỷ luật, chính trực.
Chúng tôi có giá trị cốt lõi: trưởng thành qua những thách thức và thất bại, các bạn trẻ có cơ hội sai. Tất nhiên phải là cái sai không cố ý, sai không vi phạm pháp luật và đạo đức. Chúng tôi cho phép, tạo điều kiện, đào tạo cho các bạn trẻ trải nghiệm bằng cách giao việc khó, đặt ra những mục tiêu cao để tìm ra những giải pháp đột phá. Trên con đường các bạn trẻ “khám phá” và “đột phá”, các bạn trẻ sẽ “phá vỡ” những giới hạn của chính mình.
Tại Đại hội nhiệm kỳ 2022-2027 của Đoàn Thanh niên Tập đoàn, thông điệp được lựa chọn là “Empowerd” để nói về sự trao quyền cho tuổi trẻ. Lớp trẻ bây giờ được học hành, đào tạo bài bản, có năng lực tốt về thích ứng. Do đó, tăng cường ủy quyền cho đội ngũ nhân sự trẻ là việc rất nên làm ở Viettel.
Hiện tại, 11% cán bộ quản lý ở độ tuổi đoàn viên thanh niên cũng có thể cho thấy sự trao quyền rất mạnh mẽ cho tuổi trẻ ở đây.
– Ông có lời khuyên gì muốn gửi gắm tới thế hệ trẻ?
– Trong công việc cũng như cuộc sống, nếu thành công nhanh quá, dễ quá thì thường không bền. Những người trưởng thành ở tập đoàn đều đã trải qua nhiều khó khăn, nỗ lực và hi sinh.
Tập đoàn luôn công bằng với tất cả mọi người. Ở giai đoạn nào cũng vậy, lời khuyên với các bạn trẻ là hãy cứ lao động, cống hiến vì mục tiêu chung của tổ chức trước, mọi thành quả của cá nhân rồi sẽ đến.
Phong Vân