Trước khi bị khởi tố thêm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, khối tài sản của ông Trịnh Văn Quyết trên sàn chứng khoán đã giảm mạnh kể từ sau khi bị bắt tạm giam vào cuối tháng 3/2022.
Tối ngày 25/8/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an đã thi hành các Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố vụ án hình sự, Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố bị can đối với Trịnh Văn Quyết và các cá nhân có liên quan về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty CP Xây dụng FLC Faros và các công ty có liên quan.
Theo công bố của Cảnh sát điều tra, quá trình điều tra mở rộng vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán” xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoản BOS và các công ty có liên quan, Cơ quan CSĐT Bộ Công an, có căn cứ xác định ngoài hành vi phạm tội đã bị khởi tố, các bị can: Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga, Hương Trần Kiều Dung còn có hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo đó, từ năm 2014 đến năm 2016, Trịnh Văn Quyết cùng các đồng phạm đã làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng tương ứng với 430 triệu cổ phần của Công ty CP Xây dựng Faros và khi được niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán, đã bán chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư.
Cơ quan cảnh sát điều tra cho biết, tính đến ngày 24/02/2021, Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế bán toàn bộ cổ phiếu ROS mang tên Trịnh Văn Quyết và cổ phiếu ROS mang tên 05 cá nhân khác (do Quyết nhờ đứng tên), thu được tổng cộng hơn 6.412 tỷ đồng và rút tiền mặt để chiếm đoạt.
Ông Trịnh Văn Quyết và các đồng phạm bị khởi tố thêm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Ngoài hơn 6.400 tỷ đồng thu được từ việc bán hết cổ phiếu ROS cuối tháng 2/2021 như Cơ quan Cảnh sát điều tra công bố, ông Trịnh Văn Quyết cũng đang là cổ đông lớn của nhiều doanh nghiệp khác đang niêm yết trên sàn chứng khoán.
Cụ thể, tính đến thời điểm bị tạm giam cuối tháng 3/2022 vì tội thao túng thị trường chứng khoán, ông Quyết vẫn là cổ đông lớn nhất tại FLC với hơn 215,4 triệu cổ phiếu nắm giữ, tương đương 30,34% vốn tập đoàn này.
Với thị giá cổ phiếu FLC kết thúc phiên giao dịch ngày 25/8 ở mức 4.490 đồng/đơn vị, lượng cổ phiếu do ông Quyết nắm giữ có giá trị vào khoảng 967 tỷ đồng.
Ông Quyết cũng là cổ đông lớn nhất tại Công ty CP Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC (GAB) với 7,6 triệu cổ phiếu nắm giữ, chiếm 51,09% vốn điều lệ doanh nghiệp.
Với thị giá 196.400 đồng/cổ phiếu, lượng cổ phiếu GAB do cá nhân ông Quyết nắm giữ có giá thị trường gần 1.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, GAB đã không phát sinh giao dịch nào kể từ khi ông Quyết bị bắt tạm giam hồi cuối tháng 3.
Tại Công ty CP Chứng khoán BOS (ART), cá nhân ông Quyết đang nắm giữ hơn 3,1 triệu cổ phiếu, tương đương 3,26% vốn doanh nghiệp. Tạm tính theo giá thị trường của cổ phiếu ART là 5.100 đồng/đơn vị, lượng cổ phiếu này đóng góp khoảng 16 tỷ đồng vào tổng tài sản của ông Quyết.
Như vậy, tổng giá trị lượng cổ phiếu ông Quyết nắm giữ tại các doanh nghiệp niêm yết hiện nay là trên 2.478 tỷ đồng. Tương đương, tài sản trên sàn chứng khoán của ông Quyết đã giảm gần 2.000 tỷ đồng kể từ khi bị bắt tạm giam.
Bên cạnh đó, ông Quyết còn đang sở hữu lượng lớn vốn tại các doanh nghiệp liên quan FLC nhưng chưa niêm yết.
Trong đó, giá trị nhất là số cổ phần nắm giữ tại Công ty CP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways – BAV). Theo báo cáo công bố hồi tháng 6/2021 để xin cấp phép bay thẳng đến Mỹ, Bamboo Airways cho biết ông Trịnh Văn Quyết là cổ đông lớn nhất nắm giữ 56,5% cổ phần của hãng.
Ngoài ra, FLC cũng sở hữu 25,9% vốn hãng hàng không này và Công ty CP Quản lý vốn và tài sản FLC Holdings, Công ty FLC Faros lần lượt nắm 6,3% và 5,6%. Trong đó, FLC Holdings là doanh nghiệp do ông Quyết làm chủ với 60,5% cổ phần nắm giữ.
Đến tháng 9/2021, Bamboo Airways tăng vốn điều lệ từ 16.000 tỷ đồng lên 18.500 tỷ đồng. Trong đó, Tập đoàn FLC giảm tỷ lệ sở hữu xuống 21,7% và FLC Faros giảm sở hữu xuống 4,9%.
Trường hợp ông Quyết không giao dịch như nhóm công ty liên quan, đợt tăng vốn này của Bamboo Airways có thể khiến tỷ lệ sở hữu của ông tại hãng giảm xuống mức 49%.
Tính theo mệnh giá, phần vốn góp của ông Quyết vào khoảng hơn 9.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong một số hợp đồng tín dụng mà ông Quyết ký với ngân hàng, giá xử lý mỗi cổ phiếu BAV chỉ là 8.500 đồng. Như vậy, định giá ngân hàng dành cho lượng cổ phiếu BAV do ông Quyết nắm giữ là gần 7.900 tỷ đồng.
Nguồn: https://nongthonviet.com.vn/ong-trinh-van-quyet-con-so-huu-bao-nhieu-tien-1390435.ngnNguồn: https://nongthonviet.com.vn/ong-trinh-van-quyet-con-so-huu-bao-nhieu-tien-1390435.ngn
Theo Hoàng Nam (Nông thôn Việt)