Cả dầu thô WTI và Brent đều giảm 1,5% tuần này, do USD mạnh lên và nỗi lo suy thoái khiến nhu cầu dầu đi xuống.
Giá dầu Brent chốt tuần này tăng 0,13%, lên 96,72 USD một thùng. Dầu thô Mỹ WTI tăng 0,3% lên 90,77 USD. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, cả hai loại dầu này đều giảm 1,5%.
Trong phiên 19/8, giá bật tăng sau bình luận của Chủ tịch Fed Richmond Thomas Barkin rằng việc nâng lãi suất cần phải cân bằng với tác động của nó lên nền kinh tế. Tuy nhiên, mức tăng thu hẹp sau khi nhà đầu tư lại tiếp tục lo ngại về nâng lãi.
USD hiện cũng lên cao nhất 5 tuần so với các tiền tệ lớn trên thế giới. Việc này kìm hãm đà tăng của giá dầu, do nó khiến dầu thô đắt đỏ hơn với người mua bằng các tiền tệ khác.
“Dù dầu có thể phớt lờ tác động từ USD mạnh trong một số phiên, xu hướng mạnh lên của USD vẫn sẽ là thách thức lớn với khả năng tăng bền vững của dầu thô trong tương lai”, Jim Ritterbusch – nhà phân tích tại hãng tư vấn dầu thô Ritterbusch and Associates cho biết.
Haitham Al Ghais – Tổng thư ký mới của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho biết trên Reuters rằng ông lạc quan với nhu cầu dầu năm tới. Tổ chức này cũng muốn Nga tiếp tục tham gia liên minh OPEC+. Liên minh này sẽ có phiên họp tiếp theo vào ngày 5/9.
Nguồn cung dầu thế giới có thể co hẹp trở lại khi các nước châu Âu tìm cách thay thế dầu Nga. Ngày 5/12, lệnh cấm dầu Nga của EU sẽ có hiệu lực. “Chúng tôi cho rằng EU cần thay thế 1,2 triệu thùng dầu Nga nhập bằng đường biển mỗi ngày”, hãng tư vấn FGE cho biết.
Số liệu tuần này cho thấy tồn kho dầu Mỹ giảm mạnh. Nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới xuất khẩu kỷ lục 5 triệu thùng một ngày trong tuần trước, chủ yếu do nhu cầu từ châu Âu. Tuy nhiên, số giàn khoan Mỹ – chỉ báo cho nguồn cung trong tương lai – lại không thay đổi.
Hà Thu (theo Reuters)