Tham vọng nhân dân tệ điện tử đầy gian nan của Trung Quốc

Nhân dân tệ điện tử có giá trị giao dịch rất nhỏ so với Alipay, WeChat Pay và phải vượt qua nhiều rào cản nếu muốn số đông chấp nhận.

Sau 3 năm thử nghiệm, Trung Quốc đã đạt tiến bộ đáng kể trong việc phát triển đồng nhân dân tệ điện tử (e-CNY). Tổng giá trị giao dịch của e-CNY từ cuối 2019 đến hết tháng 5/2022 là 83 tỷ nhân dân tệ (12 tỷ USD).

Gần 4,6 triệu nhà bán hàng đã chấp nhận thanh toán bằng e-CNY. Người dân sử dụng nó để mua sắm, ăn uống, trả thuế, trả lương nhân viên. Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) vẫn còn phải đi một chặng đường dài để chinh phục thị trường.

Giao dịch bằng e-CNY hiện vẫn rất nhỏ so với khối lượng thanh toán qua hai nền tảng thống trị là Alipay của Ant Group và WeChat Pay của Tencent. Chỉ riêng giao dịch hàng tháng của Alipay đã đạt trung bình 10.000 tỷ nhân dân tệ (gần 1.500 tỷ USD).

Muốn thu hẹp khoảng cách đó, giới chức phải đầu tư lớn vào công nghệ. Để xử lý được khối lượng giao dịch khổng lồ, họ cần chi hàng tỷ nhân dân tệ để xây dựng trung tâm dữ liệu, bổ sung máy chủ và tăng băng thông. PBOC cũng phải thiết lập và sửa đổi các quy định hiện hành về tài chính, thuế, kế toán và thống kê không phù hợp với e-CNY.

Đầu tháng 8, PBOC tuyên bố sẽ mở rộng phạm vi thử nghiệm e-CNY. Đồng tiền này đang được thí điểm tại 23 thành phố và khu vực thuộc 15 tỉnh thành. Tuy nhiên, việc mở rộng sẽ gặp thách thức vì người tiêu dùng đã quen với Alipay và WeChat Pay.




Một điểm chấp nhận e-CNY vào ngày 5/5/2021. Ảnh: Reuters

Một điểm chấp nhận e-CNY vào ngày 5/5/2021. Ảnh: Reuters

Với người tiêu dùng, chức năng cơ bản nhất của tiền tệ là phương tiện trao đổi hoặc thanh toán. Vì vậy, Viện nghiên cứu tiền tệ điện tử của PBOC đặt mục tiêu e-CNY nhanh chóng đạt được trải nghiệm tương tự tất cả các công cụ thanh toán khác trên thị trường.

Các ngân hàng trung ương có hai lựa chọn phát triển tiền điện tử. Một là tiền điện tử bán buôn, chủ yếu được phát hành cho các tổ chức như ngân hàng thương mại và phục vụ các giao dịch có giá trị lớn. Hai là tiền điện tử bán lẻ, được phát hành cho các cá nhân và doanh nghiệp để giao dịch hàng ngày.

Ngay từ đầu, Trung Quốc đã nhắm đến e-CNY là tiền điện tử bán lẻ. Quá trình quảng bá bắt đầu bằng việc các chính quyền địa phương tặng tiền cho người dân để mua sắm. Thâm Quyến hồi tháng 10/2020 đã phát 10 triệu e-CNY để người dân chi tiêu tại các nhà hàng và cửa hàng. Các thành phố khác cũng làm tương tự.

Các quan chức cho biết thách thức hiện nay là cải thiện việc sử dụng và sự gắn bó của e-CNY với người dùng và người bán. Các khoản thanh toán theo lương và các giao dịch khác của công ty có thể giúp mở rộng việc sử dụng. Khi mọi người được trả bằng nhân dân tệ kỹ thuật số, họ sẽ phải chi tiêu nó, theo Mu Changchun – Giám đốc Viện nghiên cứu tiền điện tử của PBOC.

Bước tiếp theo, ngân hàng trung ương sẽ thúc đẩy tích hợp e-CNY sâu hơn cho công chúng và doanh nghiệp; hỗ trợ quản lý quỹ và dịch vụ trả lương cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; đồng thời hỗ trợ các dịch vụ công như thuế và các giao dịch của chính phủ, theo Phó thống đốc Fan Yifei.

Việc ứng dụng e-CNY cũng đã vượt ra ngoài tiêu dùng. Kể từ tháng 6, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc cho phép khách hàng sử dụng e-CNY để mua các sản phẩm quản lý tài sản. Ngày 10/6, một khách hàng đã mua hợp đồng bảo hiểm ôtô đầu tiên bằng e-CNY.

Trong lĩnh vực tiêu dùng trả trước, như cho thuê căn hộ dài hạn và gia sư, đã có nhiều trường hợp nhà cung cấp dịch vụ bỏ trốn với số tiền trả trước của người dùng. e-CNY được kỳ vọng ngăn chặn tình trạng này.

Tháng 12/2021, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc và Huawei Technologies đã ra mắt nền tảng giám sát cho thuê căn hộ dựa trên e-CNY đầu tiên ở Thâm Quyến. Vào tháng 5, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc và chính quyền quận Phủ Điền (Thâm Quyến) cùng lập nền tảng trả trước e-CNY đầu tiên cho ngành giáo dục.

Theo các mô hình lưu ký dựa trên e-CNY, tiền trả trước của người tiêu dùng được lưu trong ví kỹ thuật số cá nhân. Họ dùng đến đâu mới chuyển cho người bán đến đó. Điều này giúp giảm thiểu rủi ro doanh nghiệp biến mất với tiền của khách hàng.

Hiện nay, để tăng cường sự chấp nhận của công chúng đối với e-CNY, PBOC không tính phí đối với các ngân hàng và các tổ chức khi chuyển đổi và lưu hành đồng tiền này. Các tổ chức cũng không tính phí chuyển đổi của khách hàng.

Tuy nhiên, PBOC chưa bao giờ hứa e-CNY sẽ luôn miễn phí. Mu Changchun cho rằng về dài hạn, họ cần phải phát triển theo định hướng thị trường và cho phép các thể chế thị trường tham gia vào hệ thống một cách lành mạnh, bền vững. e-CNY miễn phí cho người tiêu dùng cá nhân, nhưng các ngân hàng có thể tính phí đối với các tổ chức khác, như các công ty bảo hiểm và nền tảng trực tuyến.

Vì e-CNY là đơn vị tiền tệ của Trung Quốc, các tiêu chuẩn quốc tế hiện hành và luật pháp Trung Quốc chống rửa tiền và tài trợ cho khủng bố cũng sẽ được áp dụng. Việc bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng trong hệ thống e-CNY cũng giống như đối với tiền mặt.

Tuy nhiên, các biện pháp và yêu cầu pháp lý đối với e-CNY cần phải được điều chỉnh, theo PBOC. Tại một cuộc họp hồi tháng 3, PBOC đã kêu gọi đưa ra cấu trúc pháp lý hướng tới tương lai để đảm bảo an ninh cho e-CNY. Trung Quốc muốn thắt chặt luật pháp xung quanh đồng tiền này để bảo vệ quyền riêng tư của người dùng và chống lại các hoạt động bất hợp pháp như rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Để đảm bảo tính ẩn danh của e-CNY, nhà chức trách có kế hoạch cải thiện các quy định, bao gồm thiết lập cơ chế điều chỉnh việc sử dụng thông tin khách hàng. Theo đó, các tổ chức điều hành có thể đăng ký quyền truy cập thông tin người dùng để phân tích và giám sát rủi ro khi có các giao dịch nghi ngờ bất hợp pháp.

Phiên An (theo Caixin)