Thay đổi hành vi tiêu dùng, thúc đẩy thị trường tài chính xanh, các mô hình kinh doanh mới… là những thay đổi của doanh nghiệp khi thực hiện cam kết COP26.
Nhằm giúp doanh nghiệp hiểu rõ về giảm phát thải, ứng dụng vào vận hành, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) phối hợp với VnExpress thực hiện khảo sát. Các ý kiến của doanh nghiệp sẽ được nghiên cứu, tổng hợp trong Báo cáo Phản ánh kiến nghị tháng 8/2022 của Ban IV trình Thủ tướng.
Doanh nghiệp khảo sát mức độ nhận thức về giảm phát tại đây.
Thay đổi hành vi người tiêu dùng
Nhận thức ngày càng cao về cuộc khủng hoảng khí hậu đang ảnh hưởng đến kỳ vọng và hành vi của người tiêu dùng. Khảo sát về “Chỉ số người tiêu dùng tương lai” của tổ chức kiểm toán toàn cầu EY cho thấy người tiêu dùng sẵn sàng trả phí bảo hiểm cho các sản phẩm và dịch vụ bền vững. Số này chiếm tới một phần ba tổng số người tiêu dùng tại 18 thị trường lớn trên thế giới.
Các doanh nghiệp có cơ hội tạo ra giá trị và tăng doanh thu bằng cách đáp ứng xu hướng tiêu dùng bền vững. Một số công ty đã và đang tạo ra sự khác biệt bằng cách sử dụng dán nhãn chỉ số khí thải carbon, cho người tiêu dùng thấy mức tác động đến môi trường của các sản phẩm. Xu hướng này được dự đoán sẽ gia tăng sau COP26.
Thêm mô hình kinh doanh mới
Rủi ro pháp lý gia tăng đối với các mô hình phát thải cao, công nghệ mới, dòng vốn đầu tư xanh hay sự tăng giá khí thải carbon… tạo ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp, dẫn đến thêm nhiều sản phẩm và dịch vụ, mô hình mới ra đời. Đơn cử, một số công ty trên thế giới đang nghiên cứu thay thế bê tông bằng vật liệu xây dựng sử dụng thủy tinh phế thải, nhựa…
Đặc biệt, giá carbon tăng cao tạo ra cơ hội đáng kể cho các doanh nghiệp có thể phát triển các sản phẩm và giải pháp tạo ra tín chỉ carbon, như các bộ lọc có khả năng loại bỏ trực tiếp khí thải carbon khỏi khí quyển, hoặc nuôi trồng rong biển để thu giữ và hấp thụ carbon.
Tín chỉ carbon là một giấy phép cho phép chủ sở hữu thải ra một lượng khí carbon nhất định hoặc các khí nhà kính khác. Một tín chỉ đền bù carbon được cho là bằng với một tấn CO2, hoặc một lượng tương đương các khí nhà kính khác, được loại bỏ khỏi không khí.
Thúc đẩy thị trường tài chính xanh
Các nhà đầu tư ngày càng ưu ái đầu tư vào các tài sản xanh, với kỳ vọng lợi nhuận cao, bền vững. COP26 có khả năng thúc đẩy thị trường tài chính xanh này, nhất là khi một trong những mục tiêu của hội nghị thượng đỉnh là hỗ trợ tổ chức tài chính tư nhân trong quá trình chuyển đổi toàn bộ nền kinh tế giảm phát thải ròng về 0. Nguồn vốn được dự đoán sẽ ngày càng đổ về các công ty, quốc gia “xanh”, thay vì các mô hình kinh doanh khai thác và gây ô nhiễm.
Bloomberg New Energy Finance (Bloomberg NEF) – tổ chức nghiên cứu, tư vấn toàn cầu về lĩnh vực năng lượng sạch ước tính cần từ 78 đến 130 tỷ USD đầu tư mới vào năm 2050, trong các lĩnh vực như sản xuất điện, hydro, để thế giới đạt được các mục tiêu về môi trường.
Thu hút nhân tài
Một nghiên cứu trên toàn cầu được thực hiện vào năm 2019 cho thấy 73% người lao động muốn lãnh đạo cải thiện chính sách bền vững. 24% người tham gia khảo sát cho biết họ sẽ từ chối làm việc tại một tổ chức không chú trọng xây dựng doanh nghiêp xanh. Các thế hệ trẻ hơn có xu hướng đặc biệt lo ngại về cuộc khủng hoảng khí hậu. Ví dụ, nghiên cứu của Gallup cho thấy 70% người Mỹ từ 18 đến 34 tuổi lo lắng về sự nóng lên toàn cầu, so với 56% từ 55 tuổi trở lên.
Biến đổi khí hậu được cho là rủi ro kinh doanh lớn nhất, nhưng cũng là cơ hội kinh doanh. Bill Gates nhận định: Những quốc gia nỗ lực nhiều nhất để tạo nên thay đổi trong lĩnh vực này sẽ là cái nôi của một thế hệ các công ty, tổ chức đột phá tiếp theo”.
Phong Vân (Theo Reuters)
Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26), diễn ra tại Anh vào cuối năm 2021, được coi là hội nghị lớn và quan trọng nhất về môi trường, kể từ sau hiệp định Paris năm 2015.
COP26 quy tụ 120 nhà lãnh đạo thế giới và hơn 40.000 người tham gia, là đại biểu quốc gia, quan sát viên, đại diện truyền thông. Có 4 nội dung trọng tâm tại COP26, gồm: Hỗ trợ tài chính khí hậu, thị trường mua bán phát thải carbon, than đá và khí methane.
Tại COP26, lần đầu tiên từ sau Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, các nước phải đánh giá lại những cam kết giảm khí thải từng đặt ra. Hơn 100 thành viên đã đề xuất mục tiêu mới, được gọi là mức đóng góp do quốc gia tự xác định. Tại hội nghị, Việt Nam đã cam kết cùng 150 quốc gia đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050.