Nữ giao dịch viên trẻ nhất Wall Street chỉ cách quản lý tiền thời lạm phát

Lập ngân sách, ưu tiên trả nợ thẻ tín dụng, tạm hoãn một vài chuyến đi… là những cách để bảo vệ “túi tiền” khi lạm phát tăng cao.

Không chỉ ở Việt Nam, giá cả hàng hóa tăng cao mà hiện tượng này cũng đang diễn ra trên toàn cầu. Như Mỹ, tỷ lệ lạm phát đã giảm 0,6% trong tháng 7 so với mức đỉnh của tháng 6, nhưng giá cả theo cảm nhận của người tiêu dùng, vẫn ở mức cao.

Lauren Simmons mới 27 tuổi đã làm nhiều nghề từ tác giả, nhà sản xuất, podcast và người dẫn chương trình truyền hình, nhà đầu tư thiên thần và thành viên hội đồng quản trị của một số công ty tài chính. Năm 2017 (lúc 22 tuổi), cô từng làm nên lịch sử khi trở thành nữ giao dịch viên trẻ nhất Phố Wall. Cô luôn tuân thủ nguyên tắc tiết kiệm 85% thu nhập và đặt mục tiêu trở thành triệu phú trong năm nay.

Nữ giao dịch viên trẻ nhất Wall Street chỉ cách quản lý tiền khi lạm phát

Nữ giao dịch viên trẻ nhất Wall Street chỉ cách quản lý tiền khi lạm phát

Lauren Simmons chia sẻ về cách quản lý tiền bạc trong thời kỳ lạm phát. Nguồn: CNBC

Theo Lauren Simmons, lạm phát là một vấn đề thực tế và người dân nên chuẩn bị đối phó với nó. Theo cô, kiểm soát chi tiêu có thể giảm thiểu tác động tiêu cực của lạm phát.

Trước tiên, hãy đảm bảo rằng bạn có một quỹ tiết kiệm khẩn cấp và bản thân không vướng thêm vào bất kỳ khoản nợ thẻ tín dụng nào trong thời điểm này.

Quỹ khẩn cấp sẽ có thể giúp bạn trang trải từ 3-6 tháng cho các chi phí hàng ngày. Khi giá cả tăng cao, nhiều người chuộng tìm kiếm các khoản đầu tư theo kịp với lạm phát. Tuy nhiên, trước khi cân nhắc đầu tư vào đâu, các chuyên gia khuyên bạn nên dành đủ tiền mặt để vượt qua mọi thách thức tài chính trước mắt. Nghe có vẻ đơn giản nhưng chưa đến một nửa người Mỹ có đủ tiền tiết kiệm để trang trải khoản phí khẩn cấp khoảng 1.000 USD.

Nhiều người đặt việc trả nợ xuống cuối danh sách ưu tiên tài chính của họ. Tuy nhiên, trả bớt nợ, đặc biệt là nợ thẻ tín dụng, khoản vay cá nhân và các khoản thế chấp có lãi suất biến động… được các chuyên gia khuyên có tầm quan trọng đứng thứ hai sau chi phí sinh hoạt và đi trước cả khoản đầu tư.

Tiếp theo, hãy lập ngân sách và bám sát nó. Có ngân sách luôn là cách tốt nhất để kiểm soát chi phí. Trong những năm gần đây, lạm phát đã khiến nhiều người Mỹ áp dụng phương pháp này. Theo một cuộc khảo sát của trang debt.com, 80% đã lập ngân sách vào năm 2021, nhiều hơn đáng kể so với chỉ 68% vào năm 2019.

Simmons nói có lẽ bạn sẽ phải hy sinh một vài nhu cầu trong cuộc sống. Bạn có thể không được đi ăn tối nhiều như bạn muốn hoặc thực hiện chuyến đi mà bạn đã mong đợi. “Nhưng Fiji sẽ không đi đâu cả. Mexico sẽ không đi đâu cả. Những kỳ nghỉ này sẽ vẫn còn nguyên ở đó”, cô ví von.

Theo nhà kinh doanh chứng khoán 27 tuổi này, bằng cách theo dõi ngân sách và dự trữ tiền khẩn cấp, bạn sẽ ổn, ngay cả khi lạm phát vẫn tiếp diễn. Lịch sử đã chứng minh, hàng hóa tăng giá sẽ không phải là điều vĩnh viễn.

Tiểu Gu (theo CNBC, Time)