Nga hạ lãi suất vì tác động trừng phạt giảm dần

Ngân hàng Trung ương Nga hôm thứ sáu (22/7) đã hạ lãi suất cơ bản từ 9,5% xuống 8%, tức dưới mức trước khủng hoảng Ukraine.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina cho biết lãi suất cơ bản có thể tiếp tục được cắt giảm hơn nữa. Cơ quan này cũng dự báo nền kinh tế sẽ giảm ít hơn so với khi các lệnh trừng phạt của phương Tây lần đầu được áp dụng.

Vào cuối tháng 2, Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng gấp đôi lãi suất để tránh ruble bị trượt giá. Nhưng sau đó, đồng tiền này phục hồi nhanh chóng nên mở đường cho chuỗi cắt giảm lãi suất.

Các quan chức Nga cho biết các lệnh trừng phạt đang làm suy yếu nền kinh tế, nhưng ở mức độ nhẹ hơn so với dự đoán ban đầu. Họ dự báo kinh tế có thể giảm từ 4% đến 6% trong năm nay, trong khi hồi tháng 4 dự báo nguy cơ giảm 8-10%. Tuy nhiên, suy giảm kinh tế có thể kéo dài sang năm tới, với GDP dự kiến giảm 4%.

Các nhà máy ở Nga đã gặp khó khăn và sản lượng sụt giảm kể từ khi có xung đột, đặc biệt là trong ngành công nghiệp ôtô, nơi sản lượng tháng 5 chỉ hơn một phần ba so với cùng kỳ 2021. Tuy nhiên, cuộc khảo sát do S&P Global thực hiện chỉ ra rằng lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng trở lại trong tháng 6 sau ba tháng giảm sút.

Giá dầu và khí đốt cao đã hỗ trợ nền kinh tế, kết hợp với việc nhập khẩu giảm mạnh đã thúc đẩy đồng ruble. Bất chấp các chính phủ phương Tây công bố kế hoạch ngừng mua dầu Nga, Điện Kremlin đã tìm được những khách hàng thay thế tiềm năng. Trong khi đó, châu Âu phải tiếp tục mua một lượng lớn khí đốt của họ.

“Tình hình có vẻ không tệ lắm vì các lệnh trừng phạt đối với dầu khí Nga dường như không còn cứng rắn như những gì chúng mong đợi cách đây vài tháng”, Sergei Guriev, nhà kinh tế học người Nga tại Sciences Po (Pháp), nhận xét.

Ngân hàng Trung ương Nga cũng đã hạ dự báo lạm phát năm nay xuống 12% đến 15%, từ mức 18% đến 23% trước đó. Việc điều chỉnh phần lớn nhờ sự phục hồi của đồng ruble kể từ lần dự báo gần nhất vào tháng 4. Hồi tháng 3, lạm phát ở Nga là 16,7%, nhưng đã hạ nhiệt còn 15,9% vào tháng 6.

Phiên An (theo WSJ)