20 ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên miền Trung

0
65

20 ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên khu vực miền Trung, tham gia cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên, có các ý tưởng độc đáo: máng ăn tự động cho heo, mô hình cho thuê nhà ở online, kinh doanh sản phẩm “khó nói”…

Cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên “Start-up Student Ideas” lần thứ I – 2016 do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức nhằm góp phần tạo môi trường cho sinh viên lập thân, lập nghiệp; đồng thời tìm kiếm và tôn vinh những ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên.

Ở vòng chung khảo khu vực miền Trung, cuộc thi đã xuất hiện nhiều ý tưởng khởi nghiệp độc đáo, mới mẻ của các bạn sinh viên:

20 ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên miền Trung

Sinh viên trình bày về một trong 20 ý tưởng khởi nghiệp: Khách sạn trong suốt Dream Hotel.

1. Dự án nuôi heo bằng trà xanh “tea-ton” – nhóm Lê Nguyễn Hoài Thương, trường Đại học Yersin Đà Lạt

Mô tả ý tưởng: Dự án chăn nuôi heo lấy thịt theo hình thức hộ gia đình (có thể mở rộng thành trang trại nếu sau 1-2 năm khả thi và lợi nhuận cao cũng như thị trường tốt); Heo sẽ được chọn giống một cách kỹ càng (các lứa sau sẽ tự phối giống nếu có nguồn tốt).

Ý tưởng của dự án xuất phát từ chính cuộc sống hằng ngày:

– Thịt heo là thực phẩm mà rất nhiều gia đình sử dụng hằng ngày. Tuy nhiên, độ an toàn cũng như chất lượng của sản phẩm luôn là vấn đề khiến cho người tiêu dùng hoang mang và mất lòng tin.

– Trà xanh được trồng rất nhiều tại Bảo Lộc, là loài cây có nhiều công dụng, tốt cho sức khỏe và mang lại lợi ích kinh tế.

– Việc nuôi heo bằng trà xanh được áp dụng mô hình tại Hàn Quốc và Nhật Bản.

2. Xây dựng dự án kinh doanh đồ handmade – nhóm Phạm Thị Thủy, trường Đại học Quảng Bình

Mục tiêu dự án hướng tới là để phục vụ cho mọi tầng lớp, lứa tuổi, nghề nghiệp… của những người đang sinh sống trên thành phố HCM cũng như khách du lịch đặt chân tới đây và tạo cảm giác mới lạ, thân thiết, đồng thời cho khách hàng có cơ hội tự tạo ra món đồ uống mình ưa thích.

Ý tưởng dự án xuất phát từ: niềm đam mê sáng tạo của bản thân và nhu cầu sử dụng đồ handmade theo phong cách riêng của đại đa số các bạn trẻ nơi SV tham gia học tập.

3. Chợ trời mô hình ký gửi ô tô kiểu Mỹ ở Đà Nẵng – nhóm Lê Thị Hiền, Đại Học Kiến Trúc Đà Nẵng

Đà Nẵng là một thành phố đang phát triển kéo theo sự phát triển của nhiều lĩnh vực trong đó có lĩnh vực về phương tiện đi lại, biết được nhu cầu của nhiều người, mô hình sẽ giúp cho khách hàng giải quyết được những vấn đề đó.

Ý tưởng xuất phát từ nhu cầu của người dân Đà Thành và những hình ảnh về xe ô tô cũ để bán nằm rải rác trên những tuyến đường gây mất mỹ quan đô thị.

4. Nghiên cứu nuôi cấy mô cung cấp giống cây trồng cho các nhà vườn sản xuất rau hoa tại Đà Lạt – nhóm Đỗ Văn An, trường Cao đẳng Sư Phạm Đà Lạt

Đà Lạt là thành phố sản xuất rau và hoa hàng đầu cả nước. Hiện số lượng các doanh nghiệp, cơ sở cung cấp giống cây trồng (nhất là cây trồng có chất lượng) mới đáp ứng khoảng 50 – 60% nhu cầu. Vì thế đầu tư vào lĩnh vực này vẫn còn những khoảng “đất trống”.

Ý tưởng xuất phát từ thực tế đi tham quan các nhà vườn, hộ sản xuất gia đình.

5. Kính thông minh dành cho người khiếm thị – nhóm Lê Nhật Hưng, trường Đại học Duy Tân

Hiện nay ở trên thế giới có hơn 300 ngàn người bị khiếm thị hoặc mắc các bệnh có liên quan đến mắt. Người khiếm thị hiện nay rất khó làm những việc bình thường như đọc sách; di chuyển trong nhà – ngoài đường và nhận dạng đồ vật – người thân. Với ý tưởng giúp đỡ người khiếm thị, giúp họ có thể hòa nhập được cuộc sống như những người bình thường nhóm chúng tôi đã nghiên cứu và chế tạo ra “Kính thông minh dành cho người khiếm thị” với các chức năng hỗ trợ di chuyển trong nhà và ngoài nhà, đọc sách, nhận dạng đồ vật – người thân…

Ý tưởng xuất phát từ thực tế trong một chuyến đi du lịch vào tháng 3 năm 2015. Trong chuyến đi này, nhóm đã có cơ hội gặp một số người khiếm thị. Nhóm đã trao đổi, trò chuyện với họ để hiểu hơn về những khó khăn mà người khiếm thị trải qua. Từ đó, nhóm đã nghiên cứu và được biết hiện nay đã có sản phẩm dành cho người khiếm thị nhưng còn rất ít, ngoài ra chưa hỗ trợ nhiều về các chức năng như di chuyển ngoài đường, nhận diện người thân – người lạ, đọc sách với một ngôn ngữ tự nhiên.

Khi quay về lại Đà Nẵng thì nhóm cũng đã liên lạc và gặp gỡ người khiếm thị ở một số trung tâm người khiếm thị tại địa phương để lấy những thông tin cần thiết phục vụ cho ý tưởng của mình. Từ đó nhóm nảy sinh ý tưởng nghiên cứu chế tạo ra sản phẩm có thể giúp đỡ người khiếm thị thuận tiện hơn trong sinh hoạt hàng ngày.

6. Cửa hàng kinh doanh rau an toàn tại Đồng Hới – nhóm Nguyễn Thị Bích Liên, trường Đại học Quảng Bình

Dự án chúng tôi kinh doanh các mặt hàng rau, củ an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP được cung ứng tại Quảng Bình. Cửa hàng với quy mô tuy nhỏ nhưng chất lượng dịch vụ mang đến không hề nhỏ.

Ý tưởng này trước hết được xuất phát từ chính bản thân tôi muốn kinh doanh. Thứ hai là thực trạng cuộc sống Quảng Bình hiện nay vô cùng khó khăn trong thực phẩm biển, vậy nên tôi muốn hướng đến thực phẩm rau an toàn nhằm đáp ứng cho người tiêu dùng có được sức khỏe tốt và tiết kiệm. Hơn nữa, nhu cầu tiêu dùng ở đây là rất lớn.

7. Phát triển nông nghiệp tại Ninh Thuận bằng công nghệ tưới nhỏ giọt – nhóm Trương Thị Thanh Mai, trường Đại học Bình Dương

Phương pháp tưới nhỏ giọt vừa giúp tiết kiệm nước, thời gian, công sức lại đạt hiệu quả kinh tế cho nhà vườn, đồng thời tạo công ăn việc làm cho nhiều người. Đây là phương pháp giúp phát triển nông nghiệp phù hợp với những nơi có điều kiện khí hậu khắc nghiệt và khan hiếm nguồn nước như Ninh Thuận.

8. Crab work – nhóm Trương Văn Hà, trường Đại học Dân lập Duy Tân

Những điểm nổi bật của dự án là:

– Kết nối sinh viên với những công việc làm thời vụ, bán thời gian một cách nhanh nhất.

– Sinh viên khi sử dụng app sẽ tìm được những công việc làm phù hợp với khung giờ học của mình. Có thể tìm những công việc gần nhà, có thể đi làm trong những thời gian rảnh ví dụ như các quán cơm ở gần trọ thiếu người làm buổi trưa vì lúc đó quá đông khách, nên muốn tìm một người làm phụ giúp buổi đó.

9. Trồng rau sạch hữu cơ nhà kính – nhóm Hà Thương, trường Đại học Tài chính Kế toán Quảng Ngãi

Dự án rau hữu cơ sẽ mang đến nguồn rau sạch hữu cơ đảm bảo sức khỏe cho người dân. Rau hữu cơ được trồng theo công nghệ quy trình chuẩn hóa theo ngành nông nghiệp rau sạch Nhật Bản.

Dự án có thành lập siêu thị riêng để phân phối độc quyền đảm bảo uy tín và sự tin cậy cho người dân.

Ý tưởng xuất phát từ thực tế khách quan,với nhu cầu tìm kiếm một nguồn rau sạch đảm bảo sức khỏe của người dân có thu nhập cao trên địa bàn tỉnh cũng như các địa bàn lân cận.

10. Trang trại Nấm linh chi tai đỏ – Nguyễn Văn Hoàng, trường Cao đẳng Công Nghiệp Tuy Hoà

Dự án này chưa có ở Phú Yên, hiện nay có thể triển khai:

– Tự cấy giống

– Đảm bảo chất lượng, sạch sẽ.

– Nguồn cung ổn định

20 ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên miền Trung

Các nhóm sinh viên thảo luận trước khi trình bày ý tưởng khởi nghiệp trước ban giám khảo

11. Cửa hàng hải sản tươi sạch OBIO – nhóm Nguyễn Nam Thái, trường Đại học Quảng Bình

Trước tình hình thực phẩm bẩn đang bủa vây người tiêu dùng là chủ đề nóng nhất năm 2016 trong đó nổi bật là cá bẩn từ ướp hóa chất và cá bẩn từ sự cố môi trường biển.

Ý tưởng mở chuỗi cửa hàng hải sản mà ở đó sản phẩm chính là cá biển tươi đảm bảo an toàn và chất lượng.

Xuất phá từ vận nạn thực phẩm bẩn tràn lan đang là vấn đề rất nóng từ đầu năm 2016 trong đó có cá bẩn và cùng lúc xảy ra sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung thì tình cờ em biết được công nghệ bảo quản cá rất đặc biệt ở Nhật Bản từ đó ý tưởng đã ra đời với suy nghĩ Việt Nam là quốc gia biển thì phải được sử dụng các sản phẩm an toàn và chất lượng từ biển.

12. Mô hình cho thuê nhà ở online – nhóm Trần Văn Đô, trường Đại học Hà Tĩnh

Nhu cầu nhà ở của sinh viên đang là vấn đề cấp thiết hiện nay, cần được sự quan tâm đầu tư, nhằm giúp sinh viên có cuộc sống ổn định, đảm bảo sinh hoạt và học tập. Kết quả nghiên cứu thực trạng cho thấy bức tranh tổng thể về nhà ở cho sinh viên còn thiếu.

Với mục đích tạo cho học sinh, sinh viên kênh tìm kiếm thông tin chỗ ở tốt phù hợp Với điều kiện kinh tế để ổn định học tập, sinh hoạt một cách nhanh chóng; tạo điều kiện cho các bạn lần đầu ra thành phố nắm bắt được thông tin chỗ ở, địa điểm phòng trọ và có nhiều lựa chọn, tránh được những rủi ro không đáng có “Nghiên cứu nhu cầu nhà ở cho sinh viên thuê, tiến tới xây dựng mô hình nhà ở Online trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh” là vấn đề cần được quan tâm hiện nay.

13. Máng ăn tự động cho heo – nhóm Phạm Minh Công, trường Đại học Bách Khoa

Dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp (chăn nuôi), 1 trong những ngành quan trọng của cả nước nhưng lại ít được quan tâm đầu tư, trình độ khoa học kĩ thuật còn rất hạn chế, chủ yếu sử dụng công nghệ của nước ngoài.

Bản thân gia đình thí sinh Phạm Minh Công là một hộ chăn nuôi heo đã nhiều năm. Cũng như nhiều hộ chăn nuôi khác, quá trình chăn nuôi ở gia đình gặp nhiều khó khăn do khó có thể tuân theo và thường bỏ qua lộ trình dinh dưỡng mà nhà sản xuất bột cung cấp, hướng dẫn và yêu cầu. Cùng chung nổi trăn trở cải thiện cuộc sống qua những lứa heo xuất chuồng với cha mẹ, khi được bước chân vào giảng đường đại học trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, Công đã tích cực học tập tìm tòi nghiên cứu những sản phẩm giúp ích cho chăn nuôi.

14. Kinh doanh sản phẩm “khó nói” theo cách khác biệt – nhóm Vũ Đức Anh, trường Đại học Hồng Đức

Nhu cầu tiêu dùng bao cao su ngày càng tăng do những ưu điểm của sản này mang lại.

Khó khăn lớn nhất trong việc tiêu thụ sản phẩm bao cao su chính là khâu kết nối giữa người sản xuất và người tiêu dùng.

Ý tưởng chính là “Cầu nối” giữa người sản xuất và người tiêu dùng với những cách bán hàng khác biệt; xuất phát từ chính khó khăn, e ngại của bản thân tác giả khi đi mua các sản phẩm BCS, nhu cầu muốn mua thuận tiện hơn, thoải mái lựa chọn và được tư vấn tốt hơn.

Thứ hai, nhóm khởi nghiệp nhận thấy có nhiều người cũng có cùng nhu cầu giống mình. Đặc biệt, còn có rất nhiều những phóng sự bài báo nói về tình trạng e ngại đi mua BCS, những hậu quả nghiêm trọng do việc không sử dụng, hoặc sử dụng đúng cách gây nên. Từ đó tiến hành điều tra, khảo sát và thăm dò những nhu cầu này và nhận thấy tiềm năng của dịch vụ này.

15. Bộ giải pháp lập trình nhúng với bo mạch Arduino – nhóm Nguyễn Thiện Nhân, trường Đại học Bách Khoa

EKiD ra đời với mục tiêu tiếp cận được đến với số lượng lớn các đối tượng đã, đang và sẽ tiếp xúc với lĩnh vực lập trình nhúng.

Ý tưởng xuất phát từ thực tế: Rất nhiều bạn trẻ đam mê công nghệ muốn sáng tạo ra sản phẩm cho riêng mình nhưng luôn gặp phải 2 trở ngại lớn nhất là: mạch điện-cơ khí và lập trình nhúng.

16. Thị trường bán lẻ đổi với sản phẩm tiêu Đắk Lắk – nhóm Trần Thị Thanh Xuân, trường Đại học Dân lập Duy Tân

Xuất phát điểm từ việc nhận thấy nhu cầu tiêu dùng sản phẩm tiêu trong bữa ăn hàng ngày của người dân Đà Nẵng tăng cao về cả số lượng là chất lượng. Dự án Thị trường bán lẻ đối với sản phẩm tiêu Đắk Lắk là một ý tưởng nhằm phục vụ nhu cầu sử dụng tiêu trong bữa ăn hàng ngày chất lượng an toàn cho người dân.

17. Dự án trồng rau qủa sạch – nhóm Võ Đình Tùng, trường Đại học Dân lập Duy Tân

Nhu cầu rau quả sạch của thành phố Đà Nẵng đang thiếu , nhưng thành phố Đà Nẵng là một thành phố đáng sống bậc nhất của cả nước .Nên để đáp ứng nhu cầu đó nên nhóm lên ý tưởng về dự án trồng rau sạch cung cấp người dân thành phố Đà Nẵng.

18. Máy xử lí rác hữu cơ thành phân bón – nhóm Phạm Thị Ly Na, trường Đại học Dân lập Duy Tân

Máy xử lí rác hữu cơ thành phân bón với công dụng chính là xử lí rác hữu cơ thành phân bón vi sinh tại nhà một cách dễ dàng, nhanh chóng và hợp vệ sinh.

Ngày nay người dân thành thị thường vứt bỏ thức ăn thừa, rác hữu cơ trong sinh hoạt, kinh doanh vào giỏ rác một cách lãng phí bởi chúng vẫn còn giá trị sử dụng là có thể tạo ra phân bón cho việc trồng trọt. Ngoài ra việc vứt rác hữu cơ chung với các loại rác thải khác còn gây ô nhiễm môi trường vì khi phân hủy trong điều kiện hiếu khí, những chất hữu cơ này tạo ra khí Metan, gây ra hiệu ứng nhà kính, điều mà toàn xã hội đang quan tâm.

19. Dự án du lịch Hải Đảo Xanh – nhóm Phạm Duy Trí, trường Đại học Kiến Trúc Đà Nẵng

Đảo Tam Hải như hòn ngọc quý ẩn mình trong lớp vỏ còn chưa được mài giũa chỉn chu. Nhưng có lẽ vì thế, vẻ đẹp hoang sơ của nó lại hấp dẫn những người ưa khám phá và thích cảm giác mới mẻ. Người dân đảo sống hiền hòa và bình yên dưới những rặng dừa xanh nghiêng nắng soi bóng nước mênh mông.

Với tư tưởng vực dậy nền kinh tế địa phương nên nhóm trưởng Phạm Duy Trí đã tìm kiếm nhiều phương án và nghĩ về cảnh đẹp quê hương nên anh đã nãy sinh ra ý tưởng này.

20. Khách sạn trong suốt Dream Hotel – Phan Thị Thái, ĐHH – Khoa Du lịch

– Là khách sạn trong suốt đầu tiên tại Việt Nam

– Hệ thống khách sạn được xây hoàn toàn bằng nhựa trong suốt mica giúp cho khách có thể nhìn cảnh đẹp của biển ngay tại phòng ngủ của khách sạn

– Xung quanh khách sạn sẽ được trang trí những chiếc ghế , bàn , tổ chức những tiệc BBQ ngoài trời ,…”

Ý tưởng của nhóm được xuất phát từ những chiếc nắp của những ly trà sữa.

Sau hơn hai tháng triển khai, với 569 ý tưởng từ sinh viên Việt Nam trong và ngoài nước dự thi vòng sơ khảo, ban giám khảo đã lựa chọn 20 ý tưởng xuất sắc nhất tham gia vòng chung khảo khu vực tại thành phố Đà Nẵng. Đây là những đại diện tiêu biểu và ưu tú nhất cho 124 ý tưởng dự thi của sinh viên Miền Trung, đại diện cho sự năng động, tự tin, khả năng khởi nghiệp trên nhiều lĩnh vực đa dạng của sinh viên nơi đây, từ lĩnh vực thương mại – dịch vụ, công nghệ thông tin đến lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục và y tế.

Kết thúc vòng chung khảo khu vực miền Trung, 5 ý tưởng khởi nghiệp xuất sắc nhất được lựa chọn sẽ tham dự vòng chung kết toàn quốc, được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội vào tháng 03/2017. Vòng chung khảo khu vực sẽ đem lại cơ hội khẳng định tài năng, giao lưu, học hỏi và rèn luyện kĩ năng về khởi nghiệp một cách tốt nhất cho những thí sinh, giúp các bạn tự tin bước vào vòng chung kết toàn quốc.

Mai Châm | Theo Dân trí

Nguồn: khoinghieptre.vn