Nhắc tới AWS, chúng ta thường nghĩ tới là nền tảng “đám mây”. Nhưng hơn thế nữa, AWS còn giúp xây dựng văn hóa khởi nghiệp cho các startup.
Amazon Web Services (AWS) là dịch vụ điện toán đám mây hàng đầu hiện nay với hơn 200 dịch vụ tích hợp. Các startup nổi tiếng trên thế giới như Netflix, Stripe, AirBnB, hay trong khu vực Đông Nam Á là Grab của Singapore, Tokopedia của Indonesia, Carsome của Malaysia và những startup mới như Bizzi của Việt Nam,… đều đang sử dụng AWS.
Trong một buổi hội thảo mới đây tại TP.HCM với chủ đề “Xây dựng văn hóa khởi nghiệp”, bà Priya Lakshmi – Trưởng phòng kinh doanh khởi nghiệp của AWS khu vực Đông Nam Á và ông Nguyễn Bảo Nguyên – Đồng sáng lập kiêm Giám đốc công nghệ của Bizzi đã có những chia sẻ rất đáng tham khảo đối với các startup.
Gene của Amazon: Khách hàng là trung tâm phục vụ
Theo đó, tại AWS cũng như Bizzi, công nghệ là yếu tố cốt lõi mang lại sự hoạt động ổn định cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp thích hợp kịp thời trong mọi hoàn cảnh. Tuy nhiên, để quản lý con người và kiên định với sứ mệnh hoạt động thì còn phải nhắc tới văn hóa khởi nghiệp.
“Trước đây, chúng tôi cũng từng là một startup và chúng tôi cũng chưa bao giờ quên đi lịch sử đó của mình. Tại Amazon, chúng tôi có văn hoá gọi là “Every day being DAY 1” – “Ngày nào cũng là ngày đầu tiên”. Các hoạt động của chúng tôi hằng ngày đều là ngày đầu tiên như vậy, có nghĩa là chúng tôi luôn luôn tìm cách để mà xây dựng, sáng tạo và đó là ưu tiên số 1 của chúng tôi”, bà Priya Lakshmi chia sẻ.
Với tinh thần đó, bà Priya Lakshmi cho biết, Amazon nói chung hay AWS nói riêng đều tìm cách xác định nhu cầu của khách hàng, khó khăn của khách hàng và sau đó tạo ra những giải pháp cho khách hàng – đó gọi là quy trình ngược. “Chúng tôi luôn làm việc rất gần với khách hàng để hiểu và sáng tạo cho họ. Và điều này phù hợp với sứ mệnh thúc đẩy văn hóa sáng tạo của chúng tôi”, bà nhấn mạnh.
Bà Priya Lakshmi – Trưởng phòng kinh doanh khởi nghiệp của AWS khu vực Đông Nam Á
Minh chứng là từ năm 1994, Amazon bắt đầu bằng cửa hàng bán sách, sau đó bổ xung thêm những món hàng khác như là CD, DVD. Tới năm 2006, họ bắt đầu triển khai điện toán đám mây AWS, cùng lúc cũng giới thiệu những sản phẩm như Kindle và Echo, cho ra đời Amazon Prime bao gồm cả những nội dung trên TV và phim ảnh. Thậm chí Amazon cũng đã chuyển từ online sang offline với Amazon Book và Amazon Go,… đáp ứng nhu cầu thị trường.
Còn cụ thể tại bộ phận kinh doanh AWS mà bà Priya đang làm việc, công việc của bộ phận này không chỉ giúp các startup thành công với các dịch vụ công nghệ, mà quan trọng nữa là cung cấp những định hướng về văn hoá để mà đảm bảo sự thành công lâu dài cho họ. Một trong những đại diện chính là startup Bizzi cùng xuất hiện trong buổi hội thảo.
Bizzi: Startup được hỗ trợ từ AWS với giá trị cốt lõi 5 “C”
Bizzi là một công ty startup hóa đơn điện tử thuộc mảng FinTech B2B, được thành lập vào tháng 9/2019. Sau 6 tháng tìm tòi và xây dựng sản phẩm thì vào tháng 2/2020, Bizzi đã ra mắt thị trường và có được khách hàng đầu tiên, song cũng rơi vào đợt dịch COVID-19 đầu tiên tại Việt Nam. Vào thời điểm đó, Bizzi đã giải quyết được bài toán khó lúc bấy giờ là làm sao để phòng kế toán của các công ty có thể làm việc online như mọi bộ phận khác.
Suốt 2 năm xây dựng, Bizzi cũng đã có 3 vòng gọi vốn. Tại vòng gần nhất Pre-Series A, Bizza đã gọi được 3 triệu USD từ các quỹ đầu tư và một công ty đầu tư của Nhật Bản. Cũng trong 2 năm qua, áp lực tăng trưởng của công ty gần như tăng gấp đôi mỗi năm.
Cũng như Amazon hay AWS, Bizzi đã đi tìm hiểu khách hàng, cụ thể là khó khăn của bộ phận kế toán. Sau đó, Bizzi đã họp và tìm giải pháp giải quyết vấn đề bằng một sản phẩm hỗ trợ tự động hóa cho bộ phận tài chính – kế toán của doanh nghiệp. Quá trình chuyển đổi số này đã thay đổi hoàn toàn cách làm việc từ giấy sang điện tử, đồng nghĩa sẽ thay đổi cả quy trình làm việc chứ không phải chỉ tờ hóa đơn.
Ông Nguyễn Bảo Nguyên (bên trái) – Đồng sáng lập kiêm Giám đốc công nghệ của Bizzi
Nói về văn hóa khởi nghiệp, ở Bizzi, họ có một giá trị cốt lõi gọi là 5 “C”: Chính trực (Integrity), Cần mẫn (Hard Working), Cộng tác (Cooperative), Cải tiến (Innovation) và Cam kết (Commitment). Năm chữ “C” này đã được đội sáng lập thống nhất từ những ngày đầu nên công ty, thậm chí còn được sáng tạo thành bài hát với sự tham gia của tất cả nhân viên trong công ty.
“Bizzi ứng dụng Amazon Culture cho việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp ngay từ ngày đầu. Rất may mắn, Amazon và AWS đã trở thành kim chỉ nam cho các startup Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung. Khi chúng ta tìm hiểu nên xây dựng startup như nào, áp dụng văn hóa ra sao thì Amazon luôn là một mô hình điển hình để các startup có thể nhìn và học hỏi. Hơn nữa, Amazon không chỉ đưa ra lý thuyết mà còn hỗ trợ giúp các doanh nghiệp thực hành mô hình làm việc một cách hiệu quả nhất”, Giám đốc công nghệ Bizzi chia sẻ.
Ví dụ như AWS đã giúp đỡ Bizzi rất nhiều trong việc đầu tư cũng như tư vấn xây dựng sản phẩm sao cho ổn định ngay từ những ngày đầu. Khi mọi thứ đã được hỗ trợ từ quản lý, hạ tầng, chi phí,… thì startup chỉ việc tập trung vào xây dựng sản phẩm. Bizzi là một trong những startup vô cùng cảm kích những hỗ trợ của AWS.
AWS có chương trình AWS Activate cung cấp cho những startup đạt tiêu chuẩn một loạt lợi ích, bao gồm AWS credits, hỗ trợ kỹ thuật và cả đào tạo trong giai đoạn đầu khởi nghiệp. Từ năm 2013, chương trình AWS Activate đã cung cấp cho hàng trăm ngàn startup những lợi ích này.
Trong suốt hai năm qua, AWS đã dành tới hơn 2 tỉ USD bằng Activate credits để giúp những startup ở giai đoạn đầu phát triển khởi động kinh doanh và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng. Với sự trợ giúp này, nhiều startup đang sử dụng các dịch vụ đám mây có độ khả mở, đáng tin cậy và an toàn cao như năng lực tính toán, lưu trữ, cơ sở dữ liệu, phân tích, Internet vạn vật, máy học,…
Nguồn: http://danviet.vn/aws-khong-chi-dam-may-ma-con-van-hoa-khoi-nghiep-50202277135628376.htmNguồn: http://danviet.vn/aws-khong-chi-dam-may-ma-con-van-hoa-khoi-nghiep-50202277135628376.htm