Làn sóng nâng lãi suất mạnh nhất 40 năm trên toàn cầu

Hơn 70 ngân hàng trung ương đã nâng lãi suất trong năm nay để đối phó lạm phát. Đây điều chưa từng xảy ra kể từ thập niên 80.

Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ họp trong tuần này và dự kiến nâng lãi lần đầu tiên kể từ năm 2011. Giới chức cho biết họ có thể chỉ nâng 25 điểm cơ bản (0,25%) và sẽ mạnh tay hơn vào tháng 9.

Các ngân hàng trung ương khác còn hành động mạnh hơn. Ngân hàng Trung ương Canada tuần trước đột ngột nâng lãi suất thêm 1%. “Khi lạm phát ngày càng cao và nhiều doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng dự báo lạm phát còn kéo dài, Hội đồng thống đốc quyết định sẽ tiến tới nâng lãi suất mạnh hơn nữa”, Hội đồng thiết lập chính sách của ngân hàng trung ương Canada tuyên bố.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tháng trước cũng nâng lãi suất thêm 75%, mạnh nhất gần 30 năm. Cơ quan này được dự báo còn mạnh tay hơn trong tháng này. Ngân hàng Trung ương Philippines tuần trước cũng bất ngờ nâng lãi thêm 0,75%.




Một khu phố mua sắm ở Philippines. Ảnh: NYT

Một khu phố mua sắm ở Philippines. Ảnh: NYT

Lạm phát tăng tốc ở nhiều nền kinh tế tiên tiến và đang phát triển từ đầu năm 2021, do nhu cầu hàng hóa tăng mạnh trong bối cảnh nguồn cung thiếu hụt vì đại dịch. Khi ấy, các ngân hàng trung ương hy vọng khi các nền kinh tế mở cửa trở lại và các tuyến đường vận chuyển thông thoáng, mọi chuyện sẽ bình thường.

Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra. Cuộc chiến ở Ukraine càng khiến tình hình thêm căng thẳng, khi làm gián đoạn nguồn cung dầu và lương thực. Các nhà hoạch định chính sách toàn cầu vì thế bắt đầu phản ứng nghiêm túc hơn. Ít nhất 75 ngân hàng trung ương đã quyết định nâng lãi suất trong năm nay.

Vì các nước khó can thiệp để kiềm chế giá năng lượng, họ chỉ còn cách tăng chi phí đi vay để kéo giảm tiêu dùng và kinh doanh, tạo cơ hội cho nguồn cung bắt kịp nhu cầu. Từ đó, lạm phát sẽ hạ nhiệt.

Khi lãi suất tăng vọt trên khắp thế giới, tiền rẻ nhiều năm qua giờ trở nên đắt đỏ. Điều này làm dấy lên lo ngại trong giới đầu tư rằng kinh tế toàn cầu có thể tăng trưởng chậm lại và một số quốc gia rơi vào cuộc suy thoái.

Lãnh đạo nhiều tổ chức quốc tế đã cảnh báo con đường phía trước có thể gập ghềnh, khi các ngân hàng trung ương điều chỉnh chính sách và cuộc chiến ở Ukraine tiếp diễn.

“2022 sẽ là một năm khó khăn và 2023 có thể còn khó khăn hơn, với nguy cơ suy thoái cao hơn”, bà Kristalina Georgieva – Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định tuần trước. Bà Georgieva lập luận rằng các ngân hàng trung ương cần phải phản ứng với lạm phát vì “hành động bây giờ sẽ ít gây tổn hại hơn hành động sau này”.

Bà Georgieva chỉ ra rằng khoảng ba phần tư nền kinh tế mà IMF theo dõi đã tăng lãi suất kể từ tháng 7/2021. Các nền kinh tế phát triển tăng trung bình 1,7%, trong khi các nền kinh tế mới nổi tăng hơn 3%.

Vài năm gần đây, các thị trường mới nổi thường tăng lãi suất theo Fed để tránh nội tệ biến động mạnh. Nhưng lần này, không chỉ có Fed nâng lãi. Lạm phát lập kỷ lục ở nhiều nơi, khiến một loạt ngân hàng trung ương ở các nền kinh tế phát triển phải tăng lãi suất.

“Đó không phải là điều chúng ta thấy trong vài thập kỷ qua”, Bruce Kasman – kinh tế trưởng tại JPMorgan Chase cho biết. Lần cuối cùng nhiều quốc gia lớn đột ngột tăng lãi suất để chống lại lạm phát là vào thập niên 80. Khi đó, eurozone còn chưa tồn tại và thị trường tài chính toàn cầu kém phát triển hơn.

Việc hàng loạt ngân hàng trung ương trên thế giới cùng nâng lãi suất sẽ gây ra nhiều tác động. Thứ nhất, thị trường có nguy cơ rối loạn hơn khi kỷ nguyên lãi suất thấp kết thúc. Các quốc gia và công ty sẽ phải cố gắng điều chỉnh để thích nghi với việc dòng vốn chuyển hướng. Sự thay đổi của dòng vốn sẽ ảnh hưởng đến khả năng các quốc gia và doanh nghiệp bán được trái phiếu, cổ phiếu để huy động vốn.

“Các điều kiện tài chính đã thắt chặt do áp lực lạm phát gia tăng trên diện rộng, bất ổn địa chính trị từ cuộc chiến tại Ukraine và sự chậm lại trong tăng trưởng toàn cầu. Giờ đây, vốn đầu tư gián tiếp đang bắt đầu chảy ra khỏi các thị trường mới nổi”, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nhận định tuần trước.

Còn với thị trường tài chính, khi lãi suất tăng, giá cổ phiếu và các tài sản khác có thể giảm trong dài hạn. Vì người gửi tiết kiệm có thể nhận được tiền lời cao hơn cho các khoản đầu tư ít rủi ro hơn, như trái phiếu chính phủ.

Thứ ba, một số quốc gia có thể rơi vào suy thoái kinh tế khi người tiêu dùng và các công ty giảm chi tiêu. Chuyên gia Bruce Kasman ước tính rằng Mỹ và Tây Âu có 40% khả năng suy thoái trong năm tới. Rủi ro đó bắt nguồn cả từ các động thái của ngân hàng trung ương và cuộc chiến ở Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc.




Mua sắm thực phẩm ở Paris, Pháp. Ảnh: NYT

Người dân mua sắm thực phẩm ở Paris, Pháp. Ảnh: NYT

Tuy nhiên, nếu hiện tại họ tránh được suy thoái – với tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp, người tiêu dùng vẫn chi tiêu và lạm phát tăng cao – Fed và các ngân hàng trung ương khác sau này sẽ phải tăng lãi suất nhiều hơn để kìm hãm tăng trưởng và lạm phát, ông nói.

Fed vẫn mong muốn “hạ cánh mềm”. Trong đó, việc tuyển dụng lao động và chi tiêu chỉ giảm đủ để tăng trưởng tiền lương và giá cả vừa phải, không đến mức suy thoái kinh tế.

Tuy nhiên, lạm phát hiện rất khó giảm. Chỉ số giá tiêu dùng tháng trước của Mỹ tăng 9,1%, vượt dự báo của giới phân tích. Ở Canada, lạm phát tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1983. Ở Anh, lạm phát cũng ở mức cao nhất 40 năm.

Điều đó nhấn mạnh rằng các yếu tố toàn cầu – như nguồn cung hàng tiêu dùng hạn chế, cũng như giá dầu và thực phẩm tăng đột biến – đang khiến giá cả tăng vọt. Nó cũng giải thích tại sao rất nhiều ngân hàng trung ương đang phản ứng rất nhanh, bất chấp việc làm như vậy là tăng nguy cơ suy thoái.

Ngân hàng Trung ương Anh là ngân hàng trung ương lớn đầu tiên bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 12/2021 và liên tục tăng lãi kể từ đó. Các nhà hoạch định chính sách ngày càng lo lắng lạm phát tạo ra một cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt ở Anh và lo ngại lãi suất cao hơn có thể gây ra gánh nặng kinh tế.

Dù vậy, Ngân hàng Trung ương Anh báo hiệu rằng có thể hành động mạnh hơn nữa, tương tự các nước khác. Huw Pill – kinh tế trưởng của Ngân hàng Trung ương Anh cho biết họ đã sẵn sàng nếu hoàn cảnh bắt buộc phải thắt chặt tiền tệ nhanh hơn.

Christopher Waller – Thành viên Hội đồng Thống đốc Fed, cho rằng lạm phát phải là trọng tâm của mọi cuộc họp. Còn Brendan McKenna – nhà kinh tế tại Wells Fargo cho rằng xu hướng nâng lãi suất chưa đến đỉnh điểm. “Chúng ta thậm chí có thể chứng kiến các động thái quyết liệt hơn”, ông nói.

Một câu hỏi quan trọng là điều đó sẽ có ý nghĩa gì đối với nền kinh tế toàn cầu. Ngân hàng Thế giới (WB) tháng trước dự báo tăng trưởng toàn cầu chậm lại mạnh trong năm nay nhưng vẫn ở mức tích cực. Tuy nhiên, vẫn có nguy cơ “đáng kể” về tình trạng tăng trưởng đình trệ và lạm phát vẫn ở mức cao.

Nếu lạm phát cao vẫn khó giảm, các ngân hàng trung ương có thể phải phản ứng mạnh mẽ hơn hiện tại. Ông Kasman cho rằng câu hỏi với Fed lúc này là “Liệu Fed có thể hy sinh tăng trưởng đến mức nào?”

Phiên An (theo NYT)