Một số tín hiệu cho thấy kinh tế Nga đang trên đà hồi phục sau giai đoạn đầu căng thẳng, nhưng một số dự báo vẫn kém lạc quan.
Các số liệu đầu tháng 4 cho thấy kinh tế Nga vẫn đứng vững, bất chấp các dự báo nước này sẽ sụp đổ vì bị phương Tây trừng phạt. Dữ liệu gần đây càng củng cố điều này. Nhờ chính sách kiểm soát vốn và tăng lãi suất, giá đồng ruble đã quay về mốc trước xung đột. Nga có vẻ cũng đã kịp thanh toán các khoản nợ bằng USD.
Tuy nhiên, họ cũng chịu nhiều sức ép. Chỉ số giá tiêu dùng tại đây đã tăng hơn 10% từ đầu năm, do hàng nhập khẩu đắt đỏ hơn và nguồn cung sụt giảm. Số công ty chậm trả lương dường như cũng tăng lên.
Theo The Economist, nền kinh tế này thực sự phục hồi một cách đáng ngạc nhiên. Nhiều số liệu được thu thập theo thời gian thực cho thấy điều đó. Tổng lượng điện tiêu thụ chỉ giảm một chút. Sau khi tạm lắng vào tháng 3, người Nga đang chi tiêu khá thoải mái vào các quán cà phê, quán bar và nhà hàng, theo một công cụ theo dõi chi tiêu do Sberbank – ngân hàng lớn nhất của Nga công bố.
Ngày 29/4, ngân hàng trung ương Nga đã giảm lãi suất cơ bản từ 17% xuống 14%, một dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu vào tháng 2 đã hạ nhiệt. Nền kinh tế Nga chắc chắn đang thu hẹp, nhưng dự đoán của một số nhà kinh tế về mức giảm GDP đến 15% trong năm nay đang bắt đầu trở nên quá bi quan.
Ngay cả trước khi có khủng hoảng Ukraine, Nga vốn là một nền kinh tế khá khép kín nên có sức chống chịu với các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, lý do lớn nhất khiến Nga có khả năng phục hồi cao là nhờ bán nhiên liệu hóa thạch.
Kể từ khi đưa quân vào Ukraine, Nga vẫn xuất khẩu được tổng cộng 65 tỷ USD nhiên liệu hóa thạch thông qua đường biển và đường ống, theo Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch tại Phần Lan. Trong quý I/2022, doanh thu của chính phủ Nga từ bán năng lượng đã tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Vào ngày 4/5, Ủy ban châu Âu đã đề xuất lệnh cấm nhập khẩu tất cả dầu của Nga áp dụng cuối năm nay. Vì vậy, từ đây cho đến lúc đó, nền kinh tế Nga có thể sẽ tiếp tục phát triển, theo The Economist.
Dù vậy, vẫn còn nhiều dự báo kém lạc quan cho tương lai. Bình luận trên tờ RFE, bà Elina Ribakova, Phó trưởng kinh tế tại Viện Tài chính Quốc tế (IIF) có trụ sở tại Washington, cho rằng Nga sẽ bước vào giai đoạn rất khó khăn khi tác động của các lệnh trừng phạt dần xuất hiện.
“Mọi người đang cạn kiệt phụ tùng thay thế, thị trường xuất khẩu đã biến mất, nhiều công ty không thể tiếp tục sản xuất”, Ribakova nói. Theo bà, các công ty Nga có thể mất hàng tháng để tìm nhà cung cấp mới. Những bộ phận mới có thể không khớp hoàn toàn với quy trình sản xuất, gây ra sự chậm trễ hơn nữa.
Những người Nga sống ở các thành phố giàu có nhất của đất nước như Moskva đến nay có thể vẫn phủ nhận về triển vọng kinh tế ảm đạm vì họ chưa nhìn thấy các dấu hiệu xấu mà người dân ở các khu vực khác đang bắt đầu cảm thấy.
“Ở Moskva, có vẻ như không có gì xấu đang xảy ra. Nhưng nếu bạn ở vùng Kaluga hoặc gần St.Petersburg, nơi có các nhà máy lắp ráp ôtô, mọi người ở đó đều biết rằng trong vài tháng nữa chúng sẽ ngừng hoạt động”, Ribakova nói.
Kaluga, cách Moskva khoảng 160 km về phía Tây Nam, từng là một trong những thành phố thành công nhất ở Nga trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Giờ đây, các nhà sản xuất nước ngoài, bao gồm cả các nhà sản xuất ôtô, đang ngừng hoạt động, có khả năng khiến hàng nghìn người ở Kaluga mất việc làm.
Thống đốc ngân hàng trung ương Nga Elvira Nabiullina cũng nhìn nhận ngành công nghiệp ôtô của đất nước với chuỗi cung ứng xuyên biên giới phức tạp, là lĩnh vực thiệt hại hàng đầu bởi các lệnh trừng phạt. “Các công ty sử dụng nguyên liệu thô hoặc linh kiện nước ngoài đang phải đối mặt với vấn đề vì họ đang dần hết hàng”, bà Elvira Nabiullina nói tại cuộc họp báo sau khi hạ lãi suất xuống 14%.
Giống như nhiều nền kinh tế mới nổi phụ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu thô, Nga đã từng có những đợt suy giảm mạnh khác trước đây. Sản lượng của nước này giảm 3% trong đại dịch năm 2020 và giảm 7,8% vào năm 2009, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Nhưng lần này, kể cả trong kịch bản lạc quan nhất, Nabiullina cho rằng mức giảm của GDP sau các lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ dễ dàng cao hơn những con số kia. Còn nếu gặp nhiều trở ngại hơn, nền kinh tế sẽ không phục hồi trong năm tới. Thay vào đó, nó sẽ trì trệ cho đến 2023.
Ngân hàng trung ương Nga dự báo giá tiêu dùng có thể tăng từ 18% đến 23% trong năm nay. Dù lãi suất chính đã giảm xuống 14% nhưng liệu việc cắt giảm mới nhất này có giúp thúc đẩy mọi người tăng chi tiêu trong bối cảnh bất ổn hay không lại là chuyện khác. “Mọi người bây giờ thích tiết kiệm hơn là tiêu dùng”, bà Nabiullina nói.
Phiên An (theo The Economist, Fortune, RFE)