Làn sóng nâng lãi suất trên toàn cầu

Chỉ trong vài ngày đầu tuần, lần lượt ngân hàng trung ương tại Australia, Mỹ, Anh, Ấn Độ thông báo nâng lãi suất để đối phó bão lạm phát.

Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) ngày 5/5 nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25%, lên 1% – cao nhất 13 năm. Cũng như nhiều ngân hàng trung ương khác trên toàn cầu, BOE đang phải lèo lái nền kinh tế qua bão lạm phát đang ngày càng nghiêm trọng.

Lạm phát của Anh đã lên 7% trong tháng 3, cao nhất 30 năm và hơn gấp 3 mục tiêu của BOE. Trong khi đó, niềm tin tiêu dùng tại nước này xuống sát mức thấp kỷ lục trong tháng 4 do lo ngại kinh tế tăng trưởng chậm lại. BOE dự báo lạm phát tại Anh sẽ lên gần 10% năm nay.

Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương Chile thông báo nâng lãi suất cơ bản từ 7% lên 8,25%, cao hơn dự báo. Nước này đã liên tục nâng lãi suất kể từ giữa năm ngoái để kiềm chế lạm phát sau khi hồi phục mạnh từ trong đại dịch. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Chile đã tăng 9,4% trong tháng 3 – cao nhất kể từ năm 2008.




Người Mỹ mua sắm trong một siêu thị ở Pennsylvania. Ảnh: Reuters

Người Mỹ mua sắm trong một siêu thị ở Pennsylvania. Ảnh: Reuters

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hôm 4/5 đã nâng lãi suất thêm 0,5% để đối phó lạm phát tồi tệ nhất 40 năm. Đây là lần đầu tiên Fed nâng lãi suất ở mức này trong 22 năm qua. Lãi suất tham chiếu tại Mỹ hiện nằm trong khoảng 0,75 – 1%.

Người Mỹ đang vật lộn với giá cả tăng, từ thực phẩm đến xăng dầu. Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng phải thừa nhận “lạm phát hiện quá cao”.

Tương tự, Ấn Độ cũng bất ngờ nâng lãi suất tham chiếu lên 4,4%, từ mức thấp kỷ lục là 4% đã giữ nguyên 2 năm qua để hỗ trợ nền kinh tế. Còn Australia thì tăng thêm 0,25% lên 0,35%.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Phần Lan Olli Rehn chiều nay cũng thúc giục Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhanh chóng nâng lãi suất. “Chúng ta đang mâu thuẫn về chính sách tiền tệ. Một mặt, chúng ta phải đảm bảo nền kinh tế tiếp tục phục hồi. Mặt khác là phải ngăn lạm phát và tác động của nó lên thị trường lao động. Thế nên quan điểm của tôi là nhanh chóng bình thường hóa chính sách tiền tệ”, ông cho biết.

Các quốc gia trên đều đang đối phó với lạm phát tăng vọt, đặc biệt sau chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Hussain Mehdi – chiến lược gia vĩ mô và đầu tư tại HSBC cho rằng sự kết hợp giữa tăng trưởng chậm và lạm phát cao là thách thức với rất nhiều nhà hoạch định chính sách.

“Vấn đề là chúng ta đang đi trên con đường rất hẹp”, Thống đốc BOE Andrew Bailey cho biết trong họp báo sau quyết định nâng lãi suất. “Chúng tôi nâng lãi suất vào thời điểm này không chỉ để kiềm chế lạm phát, mà còn là giảm thiểu các rủi ro khác”, ông nói thêm.

Fed cũng nhìn nhận: “Các yếu tố tác động lên kinh tế Mỹ đang rất thiếu chắc chắn. Chiến sự và các sự kiện liên quan vẫn đang tạo thêm sức ép lên lạm phát và đè nặng lên hoạt động kinh tế”.

Lạm phát trở thành chủ đề nóng trên thế giới từ giữa năm ngoái. Các tổ chức, nhà kinh tế học liên tục cảnh báo về rủi ro này. Họ lo ngại toàn cầu có thể lặp lại cú sốc lạm phát thập niên 70, do vòng xoáy tăng lương – tăng giá…

Dù vậy, giới chuyên gia cũng cảnh báo việc các nước phát triển nâng lãi suất sẽ tạo ra phản ứng dây chuyền. Ví dụ, Hong Kong và các nước Vùng Vịnh – vốn neo nội tệ vào đôla Mỹ – đã nâng lãi suất ngay sau động thái của Fed.

Bên cạnh đó, việc này còn gây sức ép lên các nền kinh tế đang phát triển. Tháng trước, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cảnh báo Fed và các ngân hàng trung ương khác “suy nghĩ kỹ về rủi ro lan truyền với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển dễ tổn thương”.

Nguyên nhân là việc này có thể làm thay đổi dòng chảy đầu tư toàn cầu. Dòng vốn sẽ rời các nước nghèo để chuyển sang các nước giàu. IMF vì thế hạ triển vọng tăng trưởng của các nước đang phát triển và mới nổi năm nay xuống 3,8%, thấp hơn 1% so với dự báo tháng 1.

Hà Thu