Nhờ hợp nhất kết quả kinh doanh của công ty con vừa thâu tóm và bán tài sản ở Bibica, lợi nhuận Tập đoàn PAN tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Quý đầu năm, doanh thu Công ty cổ phần Tập đoàn PAN tăng hơn 75% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 2.950 tỷ đồng. Nhóm các chi phí cố định đều tăng so với quý I/2021, tổng cộng đội thêm gần 23%. Dẫu vậy, PAN ghi nhận gần 97 tỷ đồng lợi nhuận khác, tăng mạnh so với mức một tỷ đồng cùng kỳ.
Theo đó, lợi nhuận sau thuế của công ty này đạt gần 170 tỷ đồng, cao gấp 3,3 lần cùng kỳ năm trước – hoàn thành gần một phần tư kế hoạch kinh doanh cả năm.
Ban lãnh đạo PAN lý giải mức tăng doanh thu và lợi nhuận kỳ này một phần đến từ việc hợp nhất công ty con sau khi đạt được quyền kiểm soát từ cuối năm 2021 – Công ty cổ phần Khử trùng Việt Nam (VFG). Ngoài ra, doanh nghiệp cũng triển khai tái cơ cấu tài sản cố định tại đơn vị thành viên để tối ưu hiệu quả sản xuất kinh doanh. PAN ghi nhận mức đóng góp lợi nhuận lớn của Công ty cổ phần Bibica (BBC) từ việc này. Chuyển nhượng tài sản đã giúp lãi sau thuế Bibica tăng hơn 17 lần.
Trong quý I/2022, các mảng kinh doanh giống cây trồng, gạo, hạt đóng gói, tôm xuất khẩu tiếp tục là nhân tố chính mang lại mức tăng trưởng doanh thu cho công ty. So với nông nghiệp, thực phẩm là lĩnh vực kinh doanh có bước tiến lớn khi doanh thu nhích nhẹ 2% nhưng lợi nhuận sau thuế tăng hơn 7 lần, đạt gần 225 tỷ đồng.
Năm nay, Tập đoàn PAN kỳ vọng sẽ là giai đoạn tăng trưởng thuận lợi khi đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận tăng 50% so với năm 2021.
Đầu năm, VFG và Syngenta – một công ty lớn trong lĩnh vực nông nghiệp đã có mặt lâu năm tại Việt Nam – đã ký hợp tác chiến lược giúp VFG phân phối sản phẩm quan trọng trong quản lý thiệt hại cây trồng. Theo đó, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) kỳ vọng doanh thu của VFG sẽ tăng trên 50% từ mức hơn 2.000 tỷ đồng của năm trước.
Ngoài ra, KBSV cũng kỳ vọng mảng bánh kẹo của Bibica phục hồi mạnh trong năm 2022, thúc đẩy chính bởi nhu cầu gia tăng của người tiêu dùng. Đơn vị này dự phóng lợi nhuận sau thuế của BBC sẽ tăng gần 5 lần so với năm 2021, để quay về mức 100 tỷ đồng như giai đoạn 2017-2020.
Tuy vậy, KBSV cho rằng Tập đoàn PAN sẽ chịu áp lực về lợi nhuận bởi một số rủi ro. Trong đó, căng thẳng Nga – Ukraina cùng nguy cơ chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng có thể tác động tới việc tăng cước phí vận chuyển. Thu nhập người tiêu dùng hồi phục chậm, không đủ để gia tăng chi tiêu mạnh trong năm nay cũng có thể trở thành một rủi ro lớn, nhất là khi giá cả mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu… đang tương đối cao.
Tất Đạt