Chịu tác động nặng nề của dịch bệnh trong cuối quý II/2021, nhưng TP HCM vẫn cán đích và dẫn đầu cả nước về xuất khẩu năm ngoái, đạt gần 45 tỷ USD.
Theo Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2021 vừa được Bộ Công Thương công bố, năm ngoái cả nước xuất khẩu hơn 336 tỷ USD, tăng 19% so với 2020. Trong đó, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước đều tăng xuất khẩu, lần lượt đạt 245,2 tỷ USD (tăng 20%) và 91,1 tỷ USD (tăng 16,5%).
Hai vị trí dẫn đầu xếp hạng các địa phương xuất khẩu nhiều nhất không thay đổi trong 6 năm qua, khi quán quân vẫn là TP HCM với 44,9 tỷ USD. Kế tiếp là Bắc Ninh với 44,8 tỷ USD.
Năm nay Bình Dương đã vượt Thái Nguyên để vươn lên vị trí thứ ba, với kim ngạch xuất khẩu 32,7 tỷ USD.
Trong số các thành phố trực thuộc trung ương, Hà Nội xuống vị trí thứ 8, giảm một bậc so với 2020, với 15,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu.
Theo Bộ Công Thương, những tác động từ dịch bệnh Covid-19 vào cuối quý II, đầu quý III năm ngoái khiến nhiều doanh nghiệp tại các khu công nghiệp lớn ở phía Nam dừng sản xuất hoặc phải sản xuất tại chỗ. Việc này đã ảnh hưởng tới nguồn hàng xuất khẩu, tăng trưởng tỷ trọng xuất khẩu của một số địa phương, nhất là hai “đầu tàu” kinh tế là TP HCM, Hà Nội.
Hơn nữa, chi phí vận tải kho bãi tiếp tục ở mức cao, tình trạng thiếu hụt vỏ container hạ nhiệt nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu. Giá cả nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới ở mức cao (xăng dầu, sắt thép, phân bón, thức ăn chăn nuôi…) làm giá thành sản xuất, xuất khẩu tăng.
Công nghiệp chế biến vẫn là nhóm ngành dẫn đầu xuất khẩu, với kim ngạch gần 290 tỷ USD, tăng trên 86% so với 2020. Nông, lâm thuỷ sản 28 tỷ USD, tăng trên 8% so với 2020. Còn nhiên liệu, khoáng sản đóng góp hơn 3,6 tỷ USD vào xuất khẩu chung năm ngoái.
Trước những khó khăn từ dịch bệnh, ngoài các quyết sách từ cơ quan quản lý, phía các doanh nghiệp cũng chủ động thích ứng, đa dạng hoá thị trường và tận dụng đà phục hồi của các thị trường xuất khẩu chủ lực. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng khai thác tương đối hiệu quả các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA mang lại để tăng trưởng xuất khẩu.
Sản xuất, xuất khẩu cũng đã nhanh chóng được phục hồi trong quý IV, góp phần tăng trưởng mạnh mẽ xuất khẩu, đưa cán cân thương mại từ nhập siêu chuyển sang xuất siêu. Nhờ đó, Việt Nam có năm ghi nhận tăng trưởng xuất nhập khẩu đột phá, với tổng kim ngạch 668,5 tỷ USD, tăng gần 23% so với 2020.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng chỉ ra mức thâm hụt hoặc thặng dư thương mại với một số thị trường, khu vực vẫn ở mức cao.
Theo đó, thặng dư thương mại với Mỹ trong năm ngoái là 81 tỷ USD, tăng gần 28% so với mức 63,4 tỷ USD năm 2020. Mức thặng dư với ASEAN là 12,3 tỷ USD, tăng gần 67% so với mức 7,4 tỷ USD năm 2020.
Với thị trường Trung Quốc, Việt Nam lại bị thâm hụt thương mại gần 54 tỷ USD, so với mức 35,3 tỷ USD năm 2020.
Bên cạnh đó, tăng trưởng xuất khẩu một số ngành hàng chủ yếu dựa trên tăng số lượng, ở một số thời điểm là tăng về giá do nguồn cung trên thị trường khan hiếm.
Hàng hoá xuất khẩu có thời điểm xuất hiện tình trạng ùn tắc ở cửa khẩu, cảng biển, nhất là từ cuối tháng 12/2021, khi đợt dịch thứ 4 lan rộng tại miền Bắc và Trung Quốc phát hiện các ca nhiễm ở khu vực biên giới.
Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam được Bộ Công Thương công bố hằng năm, cập nhật về tình hình xuất nhập khẩu của từng nhóm mặt hàng, thị trường và công tác quản lý hoạt động xuất nhập khẩu cùng những phân tích và dự báo cho thời kỳ tiếp theo. Đây là năm thứ sáu báo cáo này được công bố.