Nhiều người Ấn Độ không muốn có việc làm

Hàng triệu người Ấn Độ đang rời bỏ thị trường việc làm, đặt ra thách thức cho nước này trên con đường thành nước phát triển.

Shivani Thakur, 25 tuổi, gần đây đã rời bỏ công việc trong ngành khách sạn vì thời gian làm việc không cố định. “Tôi đang phụ thuộc vào người khác từng xu”, cô nói.

Các chuyên gia cho rằng, việc không đưa những người trẻ tuổi vào làm việc có thể đẩy mục tiêu trở thành nước phát triển của Ấn Độ ra xa.

Theo dữ liệu mới của Trung tâm Giám sát Kinh tế Ấn Độ (CMIE), một công ty nghiên cứu tư nhân ở Mumbai, hàng triệu người dân nước này đang hoàn toàn rời bỏ lực lượng lao động do không thể tìm được công việc phù hợp. Tổng cộng, hơn một nửa trong 900 triệu người Ấn Độ trong độ tuổi lao động – xấp xỉ dân số của Mỹ và Nga cộng lại – không muốn có việc làm, theo CMIE.

Có nhiều lý giải cho việc tỷ lệ lực lượng lao động ngày càng giảm. Những người Ấn Độ thất nghiệp thường là sinh viên hoặc nội trợ. Nhiều người trong số họ sống nhờ thu nhập từ tiền cho thuê nhà, lương hưu của các thành viên lớn tuổi trong gia đình hoặc trợ cấp của chính phủ. Trong một thế giới công nghệ thay đổi nhanh chóng, những người khác chỉ đơn giản là tụt hậu trong việc có những bộ kỹ năng cần thiết để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng.




Người lao động đang chất các bao lúa mỳ lên xe tại quận Amritsa, bang Punjab, Ấn Độ. Ảnh: Xinhua

Người lao động đang chất các bao lúa mỳ lên xe tại quận Amritsa, bang Punjab, Ấn Độ. Ảnh: Xinhua

Với phụ nữ, lý do đôi khi liên quan đến trách nhiệm an toàn hoặc do tốn nhiều thời gian ở nhà. Họ đại diện cho 49% dân số Ấn Độ, nhưng chỉ đóng góp 18% sản lượng kinh tế nước này, chỉ bằng khoảng một nửa so với tỷ lệ trung bình toàn cầu. “Phụ nữ không tham gia lực lượng lao động do các công việc thường không phù hợp với họ”, Mahesh Vyas của CMIE cho biết.

Với việc Ấn Độ đặt cược vào lao động trẻ như một nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng, những con số mới nhất là một dấu hiệu đáng ngại. Từ năm 2017 đến năm 2022, tỷ lệ tham gia lao động nói chung đã giảm từ 46% xuống 40%. Khoảng 21 triệu người đã biến mất khỏi lực lượng lao động. Chỉ còn 9% dân số đủ điều kiện được tuyển dụng hoặc đang tìm việc.

Sự suy giảm lao động có trước đại dịch. Vào năm 2016, sau khi chính phủ cấm hầu hết các loại tiền giấy, nền kinh tế đã suy thoái. Việc áp dụng thuế bán hàng trên toàn quốc cùng thời điểm đặt ra một thách thức khác. Ấn Độ đã phải vật lộn để thích ứng với quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế phi chính thức sang chính thức.

Theo Kunal Kundu, Nhà kinh tế của Societe Generale GSC ở Bengaluru, tình trạng này có thể khiến Ấn Độ khó tận dụng được sức mạnh mà dân số trẻ mang lại. “Ấn Độ có thể sẽ vẫn ở trong bẫy thu nhập trung bình, với con đường tăng trưởng mô hình chữ K tiếp tục thúc đẩy bất bình đẳng”, ông nhận định.

Thủ tướng Narendra Modi đã dành nhiều ưu tiên phát triển việc làm để tận dụng kỷ nguyên vàng của tăng trưởng, nhưng kết quả chưa nhiều. Theo một báo cáo năm 2020 của McKinsey Global Institute, Ấn Độ cần tạo ra ít nhất 90 triệu việc làm phi nông nghiệp mới vào năm 2030 để bắt kịp với tốc độ tăng trưởng của lượng dân số trẻ. Để làm được, GDP hàng năm phải tăng từ 8% đến 8,5%.

Chính phủ cũng đã cố gắng giải quyết các vấn đề, bao gồm cả việc công bố kế hoạch nâng độ tuổi kết hôn tối thiểu của phụ nữ lên 21. Điều đó có thể cải thiện sự tham gia của lực lượng lao động, bằng cách giúp họ có thêm thời gian học đại học và theo đuổi sự nghiệp, theo báo cáo gần đây của Ngân hàng Nhà nước Ấn Độ.

Tuy nhiên, việc thay đổi về văn hóa là không dễ. Sau khi tốt nghiệp đại học, cô Thakur bắt đầu làm nghệ sĩ vẽ mehndi – loại hình nghệ thuật truyền thống chuyên vẽ hoa văn lên tay và chân – tại một khách sạn năm sao ở thành phố Agra. Cô nhận mức lương hàng tháng khoảng 20.000 rupee (tương đương 260 USD).

Nhưng vì công việc hay về muộn nên bố mẹ đã cho cô nghỉ trong năm nay. Giờ họ đang có kế hoạch cho cô lấy chồng. Thakur nói rằng một cuộc sống độc lập về tài chính đang dần tan biến. “Tôi đã thử mọi cách để thuyết phục cha mẹ mình, nhưng không có kết quả gì”, cô nói.

Phiên An (theo SCMP)