Habeco tiếp tục đặt kế hoạch lợi nhuận giảm

Habeco đưa ra kế hoạch lợi nhuận năm nay gần 221 tỷ đồng, giảm gần 90 tỷ đồng so với kết quả đạt được năm ngoái.

Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco) – doanh nghiệp sở hữu thương hiệu bia Hà Nội, Trúc Bạch… vừa công bố tài liệu họp đại hội đồng cổ đông năm 2022.

Năm nay, doanh nghiệp này lên kế hoạch tiêu thụ hơn 300 triệu lít sản phẩm các loại, doanh thu 6.605 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 221 tỷ đồng. Cổ tức được công ty dự kiến chia ở mức 6%, tương đương hơn 139 tỷ đồng.

Đây là năm thứ ba Habeco đưa ra kế hoạch kinh doanh thận trọng trước những dự báo ảnh hưởng từ dịch Covid-19, xung đột Nga – Ukraine, chuỗi cung ứng đứt gãy khiến chi phí sản xuất tăng vọt.

Theo ban lãnh đạo doanh nghiệp này, dự báo năm 2022 tiếp tục là năm khó khăn với các doanh nghiệp và thị trường, ngành bia. Quý I, giá vật tư nguyên liệu đầu vào tăng liên tục khiến doanh nghiệp gặp khó, nhất là giá xăng dầu, malt… tăng tới 50%; vỏ lon tăng 30-40%. Chi phí vận chuyển cũng “đội thêm” và giá các vật tư nguyên liệu khác tăng 15-20%…

Ngoài ra, nguồn cung nguyên liệu khan hiếm, việc nhập vật tư nguyên liệu chính để sản xuất có nguy cơ chậm vì đối tác nước ngoài không bố trí được phương tiện vận chuyển, đặt ra gánh nặng chi phí cho nhà sản xuất.

Quý I, các biện pháp hạn chế dịch từng bước được gỡ bỏ, nhưng số ca nhiễm tăng nhanh tại hầu hết địa phương cả nước, người dân hạn chế ăn uống tại nhà hàng, đi du lịch… khiến tiêu thụ quý này của Habeco thấp hơn 10% so với cùng kỳ.

Bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch, nhưng các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đồ uống có cồn không thuộc diện được hưởng một số chính sách hỗ trợ phục hồi như các ngành sản xuất tiêu dùng khác. Bối cảnh chi phí đầu vào tăng nhanh, sức mua yếu, Hiệp hội Bia – rượu – nước giải khát dự báo, ngay với những doanh nghiệp có tiềm lực, quy mô cũng phải mất nhiều năm để quay lại mức phát triển như trước dịch”.

Ngoài yếu tố thị trường ảnh hưởng xấu từ dịch bệnh, Habeco cũng đang chịu áp lực cạnh tranh từ các hãng bia đối thủ khi họ đẩy mạnh marketing, khuyến mãi, thúc đẩy bán hàng ở tất cả phân khúc sản phẩm, nhất là dòng phổ thông vốn là thế mạnh của Habeco…

Ban điều hành công ty cho biết, chiến lược năm nay là củng cố bảo vệ thị trường miền Bắc, tăng trưởng tại Bắc Trung Bộ và từng bước xây dựng nền tảng tăng thị phần ở miền Nam. Cùng đó, doanh nghiệp này tiếp tục đổi mới công nghệ, thiết bị tại Nhà máy Bia Hà Nội – Mê Linh, đưa vào vận hành các trung tâm quảng bá tại Phú Thọ, Quảng Trị…

Năm ngoái, Habeco cũng đưa ra kế hoạch kinh doanh khá thấp do lo ngại những tác động kép từ Covid-19, nhưng kết quả thực tế ghi nhận đều vượt. Doanh thu năm 2021 của ông chủ bia Hà Nội tăng gần 6,4% so kế hoạch, đạt 5.736 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 310,5 tỷ đồng, tăng 22% so mục tiêu. Mức chia cổ tức 8%.

Hiện Habeco có 26 công ty thành viên, trong đó 16 đơn vị là công ty chiếm tỷ lệ sở hữu trên 50%; 6 công ty sở hữu 20% đến dưới 50% và 4 đơn vị giữ dưới 20% vốn sở hữu.

Anh Minh