Cuộc chiến xoay quanh đồng ruble của phương Tây và Nga

Đồng ruble gần như phục hồi về mức bình thường sau 5 tuần bị trừng phạt, nhưng phương Tây vẫn tin vào khả năng hạ bệ đồng tiền này của họ.

Một loạt các lệnh trừng phạt đã khiến đồng ruble của Nga sụp đổ trong những tuần đầu xung đột Ukraine nổ ra. Nhưng chỉ một tháng sau, nó đã phục hồi đáng kể, khiến Mỹ và các đồng minh phải tính xem liệu có thể triển khai các biện pháp nào cứng rắn hơn nữa, làm giảm khả năng tài trợ cho quân đội của Điện Kremlin.

Đồng nội tệ của Nga được giao dịch ở mức khoảng 84 ruble đổi một USD vào ngày 23/2, một ngày trước khi Tổng thống Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự vào Ukraine. Sau đó, tính đến hôm 7/3, ruble bị mất giá khoảng 70%.

Các quan chức Nhà Trắng đã nhiều lần chỉ ra việc đồng ruble xấu đi là dấu hiệu cho thấy các lệnh trừng phạt của phương Tây tác động nhanh chóng và tàn khốc, bao gồm nỗ lực phối hợp nhằm cắt đứt khả năng tiếp cận của Nga với kho dự trữ ngoại hối thời chiến.

“Do hậu quả của các lệnh trừng phạt chưa từng có này, đồng ruble gần như ngay lập tức bị biến thành ‘đồng nát'”, Tổng thống Joe Biden phát biểu tại Ba Lan hồi cuối tháng 3.

Nhưng đến giữa tuần trước, đồng ruble đã hồi phục gần như trở lại thời kỳ trước khủng hoảng. “Đồng ruble mạnh lên đang củng cố lập luận cho những người nghĩ rằng cần có trừng phạt lớn hơn về mặt năng lượng”, Rachel Ziemba, Thành viên cấp cao tại Trung tâm An ninh Mỹ mới, đánh giá.




Bên ngoài một ohòng thu đổi ngoại tệ ở trung tâm Moskva hôm 29/3. Ảnh: AP

Bên ngoài một phòng thu đổi ngoại tệ ở trung tâm Moskva hôm 29/3. Ảnh: AP

Điều gì giúp đồng ruble hồi phục nhanh bất ngờ? Nguyên nhân khách quan một phần là giá dầu và khí đốt tăng vọt – những mặt hàng được loại trừ khỏi các lệnh trừng phạt ban đầu – đã thúc đẩy doanh thu năng lượng của Nga.

Nhưng chủ yếu là do động thái của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Khi phương Tây dồn dập tung các đòn cấm vận, ông đã thực hiện các bước để cách ly nền kinh tế Nga khỏi tác động của lệnh trừng phạt và nâng đỡ đồng ruble. Ông hiểu rất rõ, một trong những cách “hiểm” nhất để làm suy yếu một quốc gia về mặt hệ thống chính là hạ bệ đồng tiền nước đó đột ngột.

Khi các đồng minh đóng băng tài sản của ngân hàng trung ương Nga, cơ quan này đã nâng lãi suất lên 20%. Chính phủ đồng thời yêu cầu các công ty chuyển đổi 80% USD, euro và các ngoại tệ khác mà họ kiếm được thành ruble để tăng nhu cầu của nội tệ. Yêu cầu mua khí đốt phả trả bằng đồng ruble cũng là một biện pháp can thiệp khác.

Nhưng theo một số nhà phân tích phương Tây, sự mạnh lên của đồng ruble không phải do thị trường đột nhiên tìm thấy niềm tin vào nền kinh tế Nga mà nhờ những can thiệp bất thường của chính phủ. Vì vậy, về bản chất, đó không phải là dấu hiệu của sự cải thiện nền kinh tế.

Một số quan chức Mỹ, nhà kinh doanh ngoại hối và các chuyên gia trừng phạt nói rằng sự phục hồi của đồng ruble không có nghĩa, vũ khí kinh tế của phương Tây đang mất đi sức mạnh.

Giới chức Bộ Tài chính Mỹ cũng không coi việc đồng ruble tăng giá là một dấu hiệu cho thấy các biện pháp trừng phạt không còn hiệu lực. Một quan chức Kho bạc đã chỉ ra một loạt biện pháp mà Ngân hàng trung ương Nga đã thực hiện để hạn chế khả năng người Nga rời bỏ đồng ruble.

Chúng bao gồm cấm các ngân hàng thương mại bán USD cho khách hàng, cấm các công ty môi giới Nga cho phép khách hàng nước ngoài bán chứng khoán và hạn chế số lượng USD mà người Nga có thể rút từ tài khoản ngân hàng của họ.

Theo vị này, tất cả “chính sách cực đoan” đó đều làm tăng không thực chất giá trị của đồng ruble. “Chúng tôi không coi điều này thể hiện bất kỳ loại sức mạnh nào trong triển vọng kinh tế của Nga”, vị quan chức giấu tên đánh giá.

Nhưng ông Daniel Glaser, cựu trợ lý Bộ trưởng Tài chính về tài trợ khủng bố trong chính quyền Obama đánh giá, Nga đã phản ứng một cách hiệu quả trong việc bảo vệ đồng tiền của họ, và đến lượt phương Tây cũng nên có động thái mới.

“Rất khó để giữ nguyên các biện pháp trừng phạt vì đối phương (Nga) sẽ có những điều chỉnh để thích ứng. Tôi nghĩ điều quan trọng là phải duy trì áp lực, tức là gia tăng các biện pháp trừng phạt”, ông nói.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Wally Adeyemo – người đi khắp châu Âu tuần trước để họp với những người đồng cấp, đã báo hiệu các đồng minh phương Tây đang hướng tới kế hoạch trừng phạt mới với nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế Nga, bao gồm cả chuỗi cung ứng quân sự của nước này.

“Các hành động của chúng tôi đã làm giảm khả năng sử dụng tài sản ngân hàng trung ương của Nga để hỗ trợ nền kinh tế và tài trợ cho cuộc chiến. Chúng tôi sẽ ngày càng tập trung vào các ngành quan trọng của Nga”, ông Adeyemo cho biết.

Edward Fishman, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ thời Obama, người đóng vai trò trung tâm trong việc soạn thảo các lệnh trừng phạt sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014, cho biết Mỹ có thể tiến xa hơn nữa, bao gồm cả việc leo thang các lệnh trừng phạt đã được áp dụng.

Ví dụ, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt ngăn chặn hoàn toàn chỉ với một trong 5 ngân hàng lớn nhất của Nga và chỉ cắt bỏ 7 tổ chức tài chính khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Mặc dù Mỹ đã nhắm mục tiêu vào các lĩnh vực quốc phòng và ngân hàng của Nga, họ đã không áp đặt các hạn chế mạnh với bất kỳ đơn vị lớn nào trong lĩnh vực khai thác và kim loại, giao thông vận tải hoặc vận tải biển.

“Các lệnh trừng phạt rõ ràng đang tác động đáng kể đến nền kinh tế của Nga. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng chúng tôi đã chững lại một chút. Có rất nhiều chỗ để leo thang”, ông nói thêm.

Nhìn xa hơn đồng ruble, tương lai rõ ràng là đáng ngại với Nga. Mọi người đang rời Nga, góp phần vào cái mà Nhà Trắng gọi là “chảy máu chất xám” và cố gắng rút tiền của họ ra khỏi đất nước. Các doanh nghiệp phương Tây đang đóng cửa hàng và lãi suất đã tăng vọt.

Chỉ trong vài tuần, ông Putin đã cắt đứt quan hệ kinh doanh và thương mại giữa Nga và các nền kinh tế giàu có hơn, điều đã mất nhiều thập kỷ để xây dựng sau khi Liên Xô tan rã. Theo một ước tính, khoảng 500 công ty nước ngoài đã mua cổ phần tại Nga, quyết định thu hẹp hoạt động và đầu tư, hoặc cam kết làm như vậy.

Các nhà kinh tế tại Viện Tài chính Quốc tế ước tính GDP của Nga có thể giảm 15% trong năm nay. Một cuộc khảo sát của S&P Global với giám đốc mua hàng tại các công ty sản xuất của Nga cho thấy sự sụt giảm nghiêm trọng trong sản xuất, việc làm và đơn đặt hàng mới trong tháng 3, trong khi giá cả tăng mạnh.

Theo một phân tích của Capital Economics trụ sở tại London, Nga không có khả năng sao chép công nghệ mà họ có thể đã nhận được từ nước ngoài. Đó không phải là một dấu hiệu tốt cho việc tăng năng suất. Ngay cả trước chiến tranh, năng suất của nước này chỉ bằng 35% đến 40% của Mỹ.

Bà Rachel Ziemba, Thành viên cấp cao tại Trung tâm An ninh Mỹ mới, cho rằng các biện pháp trừng phạt tài chính và kiểm soát xuất khẩu của phương Tây, cùng với sự miễn cưỡng của nhiều công ty kinh doanh tại Nga, cũng khiến việc nhập khẩu hàng hóa của Nga trở nên đặc biệt khó khăn.

Theo bà, doanh thu từ dầu và khí đốt là từ các hợp đồng đã ký nhiều tháng trước, trước khi khủng hoảng nổ ra. Điều này cho thấy nguồn tiền trong tương lai có thể bắt đầu cạn kiệt nếu nhiều công ty quyết định tự trừng phạt và ngừng mua dầu của Nga.

Tuy nhiên, chưa có bằng chứng nào cho thấy điều đó đã xảy ra. Nhà kinh tế trưởng Robin Brooks của IIF cho biết các số liệu thu thập được cho thấy lưu lượng tàu chở dầu tại các cảng của Nga trong tháng 3 ngang bằng với các năm trước. Nhìn chung, sự giằng co giữa phương Tây và Nga trong việc đối đầu kinh tế vẫn tiếp tục. Khi Nga chống chịu tốt hơn dự tính, phương Tây vẫn tin nước này sẽ bị cô lập về kinh tế hơn so với những thập kỷ trước, dù chiến sự ở Ukraine kết thúc.

Phiên An (theo Politico, NYT)