Giá vàng được dự báo chạm mốc 2.000 USD trong quý II

Lo ngại nền kinh tế Mỹ có dấu hiệu suy thoái và chiến sự Nga – Ukraine tiếp tục leo thang có thể đẩy giá vàng lên 2.000 USD ngay trong quý II, theo chuyên gia.

Trong quý đầu năm nay, giá vàng tăng hơn 6% và đạt mức tăng tốt nhất kể từ quý 3/2020. Frank Cholly, chiến lược gia thị trường cấp cao của RJO Futures cho biết, kịch bản tích cực tương tự dự kiến tiếp diễn trong quý thứ hai, với mục tiêu 2.000 USD một ounce.

“Vàng đã có xu hướng củng cố rất nhiều trước khi tăng giá. Chúng ta đã có một đợt phục hồi tốt đẹp từ tháng 2 đến giữa tháng 3. Bây giờ, vàng đang trải qua giai đoạn điều chỉnh ngắn”, ông nói và dự báo, nếu giá kim loại quý nhanh chóng vượt mốc 1.950-1.975 USD thì mục tiêu 2.000 USD một ounce sẽ sớm xác lập.




Giá vàng tăng mạnh trong thời gian gần đây. Nguồn: CNBC

Giá vàng tăng mạnh trong thời gian gần đây. Nguồn: CNBC

Sau giai đoạn đầu năm tăng trưởng khá tốt, giá vàng bắt đầu quý mới với một phiên giao dịch giảm 30 USD chỉ trong ngày 1/4, về mức 1.925,6 USD một ounce. Tuy nhiên, các nhà phân tích đang theo dõi chặt chẽ lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm và 10 năm cho rằng, giá vàng còn nhiều dư địa tăng trưởng.

Tuần rồi, một phần của đường cong lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ bị đảo ngược. Đây là trạng thái lãi suất của các loại trái phiếu kỳ hạn ngắn (2 năm) tăng lên cao hơn lãi suất của các loại trái phiếu kỳ hạn dài (10 năm) và thường được xem như dấu hiệu cho thấy giới đầu tư đang lo ngại về tương lai gần hơn là dài hạn.

Nhà kinh tế trưởng Paul Ashworth của Capital Economics cho biết: “Sự đảo ngược của lợi suất trái phiếu kho bạc 10 năm lan rộng trong tuần này dẫn đến suy đoán Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có khả năng tăng lãi suất, nhanh chóng đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái”.

Chiến sự Nga – Ukraine được dự báo tiếp tục ảnh hưởng lớn đến diễn biến giá vàng. Các chiến lược gia tại TD Securities cho biết: “Các luồng trú ẩn an toàn gọi tên vàng. Chừng nào tiến độ về các cuộc đàm phán ngừng bắn và giảm leo thang vẫn còn khó nắm bắt, các nhà đầu tư vẫn sẽ giữ cho kim loại quý yên vị như một kênh trú ẩn an toàn”.

Mới đây chính quyền Nga quyết siết chặt việc mua khí đốt, yêu cầu bên mua phải mở tài khoản đồng ruble trong các ngân hàng nước này. Theo nhà phân tích thị trường cao cấp của OANDA Edward Moya, sắc lệnh của Tổng thống Putin đặt châu Âu vào tình thế khó khăn và làm gia tăng rủi ro về áp lực lạm phát lớn hơn.

“Vàng vẫn là lựa chọn và sẵn sàng tăng giá trước động thái mới nhất của Nga. Kim loại quý này sẽ tìm thấy mức kháng cự lớn ở mốc 1.970 USD, nhưng nếu đó không phải là rào cản quan trọng, con đường dẫn đến mốc 2.000 USD có thể xuất hiện”, chuyên gia này dự báo.

Triển vọng đối với vàng vẫn tích cực trong thời gian còn lại của năm, nhưng Bloomberg Intelligence gợi ý nên kết hợp giữa kim loại quý với Bitcoin để đạt được kết quả tốt nhất.

“Khả năng suy thoái kinh tế ở Nga, khả năng suy thoái cao ở châu Âu, Trung Quốc và có thể là Mỹ sẽ thúc đẩy hoạt động của vàng so với hầu hết các tài sản trong năm. Nhưng nếu không được kết hợp với tài sản kỹ thuật số đang phát triển, vàng sẽ chỉ như một người giữ cửa cũ kỹ”, chiến lược gia hàng hóa cấp cao Mike McGlone gợi ý.

Trong khi đó, chiến lược gia Michael Boutros của DailyFX lưu ý rằng, các yếu tố kỹ thuật chỉ ra vàng vẫn chưa thể bùng nổ. Tương lai có thể xuất hiện nhiều đợt bán tháo trước mắt đối với kim loại quý, đặc biệt nếu mức 1.828-1.849 USD không được giữ vững. Theo ông, câu chuyện của vàng sẽ được cân bằng bởi tốc độ tăng lãi suất của Fed và giá khó có thể xuống dưới mức nêu trên.

Tiểu Gu (theo Kitco News)