“Cuộc đời gian khổ của tôi rất dài. Một sự liều lĩnh đầu tiên của tôi là mang 3 con nhỏ vào trường đại học khi 21 tuổi. Nhờ sự liều lĩnh đó bây giờ mới có Kova”, PGS.TS Nguyễn Thị Hòe – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn sơn Kova bắt đầu khi nói về cuộc đời mình.
“Cách đây hơn 20 năm tôi là một giáo viên rất nghèo, nghèo đến nỗi muốn ăn bát phở có thịt cũng đã khó. Sinh viên đến làm việc cho tôi cũng không có một xu để bồi dưỡng các em”, bà Hòe nói trong hội thảo “Hành trình khởi nghiệp của nhà khoa học” do Startup Vietnam Foundation tổ chức sáng 19/7.
Tập đoàn sơn Kova hiện có 12 công ty con đặt ở 7 quốc gia, có 9 nhà máy và 3.000 nhân viên tổng cộng. Sản phẩm sơn Kova được nhiều nhà thầu lớn trong nước và quốc tế sử dụng trong nhiều công trình quan trọng.
Tên của tập đoàn Kova được PGS.TS Nguyễn Thị Hòe đặt theo tên giải thưởng danh giá Kovalevskaya dành cho các nhà khoa học nữ mà bà được trao tặng tại Mỹ năm 1993.
“Thời đó nghèo đến nỗi phải bán xe máy để mua vé máy bay đi nhận giải thưởng. Trong suốt hai tháng tại Mỹ, tôi chỉ có 500USD và một thùng mỳ gói mang theo. Chỉ khi đi ăn tiệc mới được ăn ngon, các ngày còn lại ăn mỳ gói, nhiều lúc phải ngủ ở sân bay”, bà Hòe nói về giai đoạn sang Mỹ nhận giải thưởng năm 1993.
PGS.TS Nguyễn Thị Hòe cùng các nhà khoa học Mỹ tại phòng thí nghiệm ĐH Bách Khoa HCM – Ảnh: Kova |
Nhờ chuyến đi này mà bà Hòe gặp được đối tác quan trọng là một công ty sơn của Mỹ, sau đó hai bên hợp tác nghiên cứu sơn và vật liệu chống thấm cho vùng nhiệt đới. Nhờ kinh nghiệm hợp tác này, bà Hòe ra quyết định thành lập công ty sản xuất sơn. Không chỉ kinh doanh thị trường nội địa, Kova còn lấn sân sang các nước khác trong khu vực.
“Nước thứ 3 sơn Kova đặt chân đến là Singapore, một thị trường đòi hỏi rất cao về chất lượng. Các đối tác tại đây chỉ nghĩ rằng Việt Nam xuất khẩu tre nứa, hạt điều, không thể xuất khẩu sản phẩm khoa học. Tuy nhiên sau bao cố gắng tôi đã thành công tại thị trường này”, nhà nữ khoa học xấp xỉ 70 tuổi kể ngắt quãng, vì bà vừa đi công tác xa về.
Sau thành công tại Singapore, công ty của bà Hòe tiến sang Malaysia. Tại Malaysia hiện Kova có nhà máy với mấy trăm công nhân đang hoạt động sản xuất.
Nói trước những người tham dự là các nhà kinh doanh và hoạt động khoa học, bà Hòe cho rằng các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu giỏi, tuy nhiên chưa dùng các nghiên cứu của mình để làm ra tiền.
“Các nhà khoa học bên cạnh việc nghiên cứu phải biết liều. Liều không phải là làm bậy, liều là phải vượt qua các gian nan”, bà Hòe chia sẻ.
Theo bà Hòe, để có ngày hôm nay bà đã liều 3 lần. Đầu tiên là việc mang 3 con nhỏ vào trường đại học để làm sinh viên tại Đại học Bách khoa Hà Nội (sau đó bà được giữ lại trường làm giảng viên). Lần liều thứ hai là sang Mỹ với 500USD và một thùng mỳ, ở trong hai tháng. Lần sang Mỹ đó bà tìm được đối tác và cả sinh viên nghiên cứu sinh ở đó, làm tiền đề cho việc thành lập công ty sơn Kova sau này.
“Để có vốn đầu tư nhà máy, nhân công, tôi đã phải liều đi vay khắp nơi. Thời đó không vay được của nhà nước vì không có tài sản thế chấp, tôi phải vay đến cả người cấp dưỡng ở trường đại học”, bà Hòe kể về quãng thời gian kiếm tiền để khởi sự kinh doanh.
“Trong ba năm đầu công ty tôi chỉ lỗ và lỗ vì tôi không biết tính giá cả. Tôi không phải là người giỏi kinh doanh. Đến giờ tôi cũng không biết giá một thùng sơn trên thị trường giá bao nhiêu”, bà Hòe tiếp tục.
“Thời trước tôi không có tiền ngủ khách sạn, phải ngủ sân bay khi transit. Giờ tôi đã có đủ tiền ngủ khách sạn 5 sao ở bất cứ đâu. Tất cả những thứ tôi có hiện nay chỉ nhờ khoa học. Tôi chỉ giỏi làm khoa học chứ không giỏi kinh doanh”, người từng dạy Hóa tại trường Bách khoa nói giọng xúc động.
“Tôi thấy nhiều người làm ăn rất giỏi, giàu nhanh nhưng tôi thì không giỏi kinh doanh. Giờ chỉ khá lên nhờ những cố gắng nỗ lực.
“Nhiều nhà khoa học nghiên cứu xong bỏ đề tài vào ngăn kéo mà không xã hội hóa nó… Tôi đề nghị phải liều để có vốn đầu tư cho sản phẩm khoa học của mình”, Chủ tịch HĐQT sơn Kova nhấn mạnh.
Bên cạnh hội thảo “Hành trình khởi nghiệp của nhà khoa học”, ban tổ chức cũng đồng thời cho nhiều nhà nghiên cứu lên trình bày về dự án của mình để tìm kiếm cơ hội góp vốn, hợp tác với các nhà đầu tư có mặt tại sự kiện.
Nguồn: itcnews.vn