Đầu tuần trước, giá mỗi thùng Brent lên gần 140 USD, nhưng hiện chỉ còn 99 USD.
Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, giá dầu thô toàn cầu tăng rất mạnh. Chỉ trong một tuần, giá dầu Brent chạm 139 USD một thùng – cao nhất kể từ năm 2008. Giới phân tích cảnh báo giá có thể lên 185 USD, rồi 200 USD khi giới buôn quay lưng với dầu Nga. Giá dầu tăng sẽ kéo lạm phát lên cao hơn nữa, gây thêm sức ép cho kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, tình thế sau đó đảo chiều nhanh chóng. Giá dầu Brent hiện giảm tới gần 30% so với đỉnh. Hôm 15/3, giá lần đầu xuống dưới 100 USD một thùng trong tháng này. Phiên trước đó, Brent đã mất 6,5%.
Việc này được lý giải là nhờ các kỳ vọng Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) tăng sản lượng dầu. Bên cạnh đó, nhu cầu từ Trung Quốc cũng có thể giảm do các lệnh phong tỏa tại các thành phố lớn để ngăn Covid-19 lây lan. Việc này sẽ xoa dịu sức ép trên thị trường.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo thế giới vẫn chưa thoát khỏi rủi ro. Giá dầu vẫn đang giao dịch ở mức cao hơn nhiều so với chi phí sản xuất. Mức biến động lớn cũng có thể kéo dài trong bối cảnh môi trường nhiều bất ổn.
“Tôi không loại trừ khả năng mỗi thùng lên 200 USD”, Bjørnar Tonhaugen – Giám đốc phụ trách các thị trường dầu mỏ tại Rystad Energy cho biết trên CNN, “Giờ vẫn còn quá sớm”.
Sau chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, giá dầu tăng mạnh khi giới buôn bắt đầu quay lưng với dầu xuất khẩu của Nga. Việc này làm dấy lên lo ngại về khả năng thay thế nguồn cung 4-5 triệu thùng một ngày, đặc biệt khi nhu cầu nhiên liệu tăng cao trong mùa hè.
Tuy nhiên, trong tuần qua, nhà đầu tư dường như cân nhắc liệu họ có đang đi quá xa, quá nhanh hay không. Đại sứ UAE tại Washington cho biết nước này muốn tăng sản xuất dầu, làm dấy lên hy vọng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) có thể can thiệp. Trong khi đó, Nga và Ukraine vẫn liên tục tổ chức đàm phán.
Bên cạnh đó, nỗ lực “zero Covid” của Trung Quốc khiến nhiều thành phố lớn lại bị phong tỏa. Điều này đồng nghĩa Trung Quốc có thể cần ít nhiên liệu hơn trong ngắn hạn. Nước này hiện nhập khẩu 11 triệu thùng dầu mỗi ngày. “Hãy nhớ chúng ta vẫn còn trong đại dịch”, Tonhaugen cho biết.
Việc giá dầu giảm có thể hạ nhiệt giá xăng đang tăng cao tại nhiều quốc gia. Ví dụ, tại Mỹ, giá xăng đã ngừng tăng, dù một gallon (4,5 lít) xăng vẫn có giá trung bình gần 4,32 USD.
Bên cạnh đó, dù giá dầu ở mức 100 USD vẫn còn là cao, việc đứng yên ở vùng này cũng có thể hạ nhiệt phần nào nỗi lo lạm phát. Các nhà hoạch định chính sách cũng có thể thở phào nhẹ nhõm.
Tuy nhiên, rõ ràng là nhà đầu tư vẫn chưa thể hoàn toàn yên tâm trước tác động của chiến sự Nga – Ukraine. Dầu Nga vẫn đang được định giá thấp hơn 26 USD so với Brent.
Giovanni Staunovo – nhà phân tích tại UBS dự báo giá dầu lên 125 USD một thùng vào cuối tháng 6. Còn Tonhaugen cho rằng giá vẫn có thể xô đổ các kỷ lục khi xung đột còn tiếp diễn. “Đây chỉ là sự bình yên trước cơn bão thôi”, ông nói.
Hà Thu (theo CNN)