Đà giảm của cổ phiếu đã khiến khối tài sản của hai vị đại gia này đã bị giảm hơn 2.700 tỷ đồng chỉ trong một ngày.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 10/3, chỉ số VN-Index đóng cửa tăng 5,34 điểm, tương ứng 0,36% lên 1.479,08 điểm. Rổ chỉ số VN30-Index tương tự đóng sát mức tham chiếu, tăng 0,99 điểm tương ứng 0,07% lên 1.490,24 điểm.
Chỉ số HNX-Index cũng ghi nhận mức tăng 3,04 điểm, tương ứng 0,68% lên 447,64 điểm; UPCoM-Index tăng 1,93 điểm tương ứng 1,7% lên 115,29 điểm.
Trái ngược với đà tăng của thị trường trong phiên giao dịch ngày 10/3, mã cổ phiếu MSN của Công ty Cổ phần Tập đoàn MaSan lại ghi nhận mức giảm mạnh tới 5.500 đồng/cổ phiếu, tương đương mức giảm 3,54%, đây cũng là mã cổ phiếu giảm mạnh nhất trong rổ chỉ số VN30.
Với đà giảm sâu của cổ phiếu MSN khiến khối tài sản của Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang và ông Hồ Hùng Anh qua đó cũng giảm mạnh.
Theo đó, chỉ trong phiên giao dịch ngày 10/3, khối tài sản của doanh nhân 59 tuổi người Quảng Trị đã ghi nhận mức giảm tới hơn 1.400 tỷ đồng. Trong khi đó, khối tài sản của ông Hồ Hùng Anh cũng ghi nhận mức giảm gần hơn 1.370 tỷ đồng.
Tính chung trong 4 phiên giao dịch gần nhất, MSN đã ghi nhận mức giảm tới 11.300 đồng/cổ phiếu so với mức giá đóng cửa 161.300 đồng ngày 4/3 vừa qua.
Tính theo giá thị trường kết thúc phiên giao dịch ngày 10/3, Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang đang sở hữu khối tài sản hơn 38.823 tỷ đồng. Đại gia 59 tuổi đứng ở vị trí thứ 5 trong danh sách những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Trong khi đó, khối tài sản của ông Hồ Hùng Anh có giá trị hơn 39.549 tỷ đồng. Đại gia 52 tuổi người Thừa Thiên Huế đứng ở vị trí thứ 4 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Các công ty chứng khoán đều thận trọng khi nhận định về phiên giao dịch cuối tuần
Nhận định thị trường phiên giao dịch chứng khoán ngày 11/3 các chuyên gia của CTCK Rồng Việt (VDSC) cũng nhận định mặc dù, thị trường đóng cửa phiên giao dịch ngày 10/3 không quá tiêu cực khi sắc xanh vẫn đang chiếm ưu thế ở các chỉ số chính, thế nhưng thanh khoản lại giảm khá mạnh, cho thấy dòng tiền vẫn yếu và duy trì tâm thế thận trọng sau phiên hồi phục nhẹ hôm 9/3.
Với diễn biến này, có khả năng thị trường sẽ tiếp tục suy yếu trong thời gian tới. Do vậy, nhà đầu tư vẫn nên thận trọng trước rủi ro tiềm ẩn của thị trường và giữ tỷ trọng danh mục ở mức an toàn.
Các chuyên gia của CTCK Yuanta Việt Nam đưa ra nhận định VN-Index có thể sẽ điều chỉnh nhẹ hoặc biến động hẹp trong biên độ 1.470 – 1.490 điểm.
Đồng thời, dòng tiền vẫn suy yếu tại các nhịp tăng của thị trường cho thấy các nhà đầu tư vẫn chưa sẵn sàng quay trở lại. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ vẫn đang thu hút dòng tiền ngắn hạn, cho nên dòng tiền ngắn hạn có thể sẽ tiếp tục phân hóa ở những phiên tới.
Các chuyên gia của CTCK Asean cho rằng trong kịch bản tiêu cực, VN-Index có thể kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.470 – 1.475 điểm, vùng hỗ trợ tiếp theo dự báo ở mức 1.460 – 1.465 điểm.
Trong kịch bản tích cực, vùng kháng cự gần của VN-Index dự báo ở mức 1.480 – 1.485 điểm, vùng kháng cự tiếp theo dự báo ở mức 1.490 – 1.495 điểm
Trong khi đó, các chuyên gia của CTCK KB Việt Nam (KBSV) cho rằng chỉ số VN-Index vẫn đang chịu ảnh hưởng của vùng kháng cự quanh 1.500 điểm khiến những nhịp rung lắc có thể tiếp tục xuất hiện trong một vài phiên tới và gây áp lực lên đà hồi phục của chỉ số.
Mặc dù vậy, chừng nào chưa đánh mất vùng hỗ trợ đáng lưu ý tại 1.45x điểm, cơ hội hồi phục sau đó vẫn tiếp tục được đánh giá cao.
Nhà đầu tư có thể gia tăng một phần tỷ trọng vị thế trading tại vùng hỗ trợ với các cổ phiếu mục tiêu, nhưng cần giảm thiểu vị thế nắm giữ nếu vùng hỗ trợ đã đề cập bị thủng sau đó.
Nguồn: http://danviet.vn/hai-dai-gia-viet-mat-hon-2700-ty-dong-chi-trong-mot-ngay-5020221137812771.htmNguồn: http://danviet.vn/hai-dai-gia-viet-mat-hon-2700-ty-dong-chi-trong-mot-ngay-5020221137812771.htm
Theo Hoàng Nam (Dân Việt)