Chuyên gia đánh giá xung đột Nga – Ukraine tạo rủi ro về giá cả hàng hoá, chi phí sản xuất nhưng cũng mở ra một số cơ hội cho doanh nghiệp Việt.
Nhật xét về tác động của xung đột Nga – Ukraine với tình hình kinh tế nói chung, ông Trần Quốc Hùng, CEO Viện Tài chính quốc tế IIF ở Washington DC (Mỹ) nói: “Căng thẳng Nga – Ukraine và các biện pháp cấm vận của phương Tây đã gây ra thiếu hụt và nâng giá hàng loạt hàng hoá như dầu khí, ngũ cốc và một số khoáng sản chiến lược”.
Bên cạnh đó, việc giao dịch với các doanh nghiệp Nga hoặc trực tiếp bị cấm vận hoặc gián tiếp vì khó khăn trong việc chỉ trả thanh toán, sẽ trở nên phức tạp hơn nhiều. Tình trạng này sẽ gây thiếu hụt, chậm trễ và tăng chí phí trong dây chuyền sản xuất nhiều ngành công nghiệp.
Nói chung, kinh tế sẽ bị đình trệ, lạm phát tăng cao, gây ra tình trạng giảm phát làm môi trường kinh doanh thêm khó khăn cho các doanh nghiệp. Việt Nam theo đó cũng chịu tác động của một loạt ảnh hưởng này.
Đồng tình với những phân tích của ông Hùng, nhưng ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chiến lược (VESS) cũng lưu ý, tác động trực tiếp của xung đột lần này lên kinh tế Việt Nam, thậm chí toàn Đông Nam Á không quá lớn.
Theo ông, quy mô GDP danh nghĩa của Nga không lớn, khoảng 1.600 tỷ USD, với cơ cấu xuất nhập khẩu được xem là của một quốc gia đang phát triển (do chủ yếu xuất khẩu hàng nguyên liệu thô, không xuất khẩu thiết bị, sản phẩm có công nghệ cao; nhập khẩu hàng tiêu dùng, ít nhập máy móc). Độ mở kinh tế của Nga so với GDP khoảng 50%, không cao nếu so với các nền kinh tế mở. Do đó, khủng hoảng kinh tế tại Nga sẽ ít tạo ra tác động lớn, trực tiếp kinh tế toàn cầu.
Với Việt Nam, năm ngoái, thương mại hai chiều của Việt Nam với Nga đạt khoảng 5,5 tỷ USD, tức khoảng 1% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. “Một số doanh nghiệp làm ăn trực tiếp với Nga tất nhiên sẽ bị ảnh hưởng, nhưng tác động vụ việc đến tổng thể kinh tế Việt Nam không nhiều”, ông Thành khẳng định.
Với tác động gián tiếp, ông Thành cho biết, kinh tế Việt Nam có thể bị ảnh hưởng từ “sự bối rối” của thị trường châu Âu khi khối này bị cuộc xung đột Nga – Ukrane làm cho “khốn đốn”.
“Sức mua của châu Âu có thể suy giảm nhưng sang chấn này cũng giảm rất nhanh”, ông nói. Trong khi đó, với tác động từ yếu tố giá, ông cho rằng các doanh nghiệp buộc phải thích nghi vì trong một môi trường bất định như hiện nay, nếu không có cuộc khủng hoảng này thì sẽ có một cuộc khủng hoảng khác.
“Chúng ta không nên phóng đại ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng. Tác động từ tâm chấn sẽ không nhiều, tác động lan toả sẽ mất thời gian, độ trễ nên doanh nghiệp vẫn có điều kiện để điều chỉnh”, ông kết luận.
Doanh nhân Phạm Phú Ngọc Trai đồng tình với nhận định khi nhận xét, rủi ro là thứ tồn tại với doanh nghiệp trong làm ăn. “Việt Nam đã gia nhập hàng chục FTA, có quan hệ với rất nhiều nước, đấy là điều không tránh khỏi”.
Trước tình hình này, ông Trai cho rằng điều quan trọng doanh nghiệp cần đánh giá lại năng lực dự báo, quản trị rủi ro để đưa ra những quyết sách phù hợp, điều chỉnh kịp thời với thị trường. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần tìm tòi những cơ hội bên cạnh những thách thức, khó khăn.
Lấy ví dụ, ông Trần Quốc Hùng cho biết, đây là thời điểm rất tốt để Việt Nam có thể tăng cường xuất khẩu gạo và các loại nông phẩm lương thực sang thị trường EU vốn có nhu cầu cao, mỗi năm nhập khoảng 160 tỷ USD
“Vì cấm vận và vì người dân tự động tẩy chay hàng hoá Nga, EU đang cần có nguồn cung cấp ngũ cốc và nông phẩm thay thế”, ông Hùng nói. Do vậy, Việt Nam nên tập trung nâng cao thị phần của mình trong thị trường này mà trước mắt là sử dụng hết hạn ngạch xuất lúa gạo 80.000 tấn một năm với suất thuế quan 0% theo Hiệp Định EVFTA. Năm ngoái, Việt Nam chỉ mới xuất 60.000 tấn
Ngoài ra, ông Hùng cũng lưu ý, trong khi tìm kiếm cơ hội, Chính phủ, các hiệp hội doanh nghiệp và bản thân doanh nghiệp cần tìm hiểu về luật cấm vận của Mỹ và tiến hành thảo luận với đối tác Mỹ để tránh bị chế tài vì bị cáo buộc vi phạm các biện pháp cấm vận đối với Nga.
Đức Minh