Lừa người dùng Facebook đọc tin “hot” để đánh cắp tài khoản

0
23

Những ngày gần đây, chiêu thức lừa người dùng Facebook truy cập vào những tin có tiêu đề “hot” gây tò mò trên các trang tin tức giả mạo để đánh cắp tài khoản lại bùng phát trở lại. Đây là 1 trong 3 hình thức lừa đảo phổ biến trên Facebook trong năm 2014, theo Bkav.

Lừa người dùng Facebook đọc tin
Hình thức lừa đảo cũ “Giả mạo trang tin tức” hiện đang được các đối tượng xấu sử dụng để lừa đánh cắp tài khoản của nhiều người dùng Facebook thời gian gần đây.

Theo phản ánh của người dùng Facebook, thời gian gần đây, nhiều người dùng đã bị tag vào các post giới thiệu các bài viết có tiêu đề hot, gợi tò mò của người đọc, ví dụ như: “Thuê căn nhà rách nát để thử lòng người yêu, cô gái bước vào trong đó được 5 phút thì quay ra cho chàng trai câu trả lời”… với nguồn liên kết bên dưới được ghi theo các trang tin uy tín. Sau khi người dùng truy cập vào link trang tin tức giả mạo này, người dùng bị chuyển hướng đến trang độc hại và có nguy cơ nhiễm mã độc, bị đánh cắp tài khoản Facebook.

Trao đổi với ICTnews, chuyên gia an ninh mạng Bkav cho biết, cách thức lừa đảo, dụ người dùng truy cập vào các trang tin tức giả mạo để đánh cắp tài khoản không mới, từng không ít lần được các chuyên gia cảnh báo, tuy nhiên vẫn lừa được nhiều người dùng Facebook vì tiêu đề các tin tức giả mạo kẻ xấu đưa ra đánh vào ý thức, trí tò mò của người dùng.

Hồi cuối năm 2014, trong tổng hợp về các hình thức lừa đảo phổ biến trên mạng xã hội, Công ty Bkav đã đánh giá “Giả mạo trang tin tức” cùng với “Ông chú Viettel” và “Vẽ ảnh nghệ thuật” là 3 hình thức lừa đảo phổ biến được kẻ xấu sử dụng trên Facebook trong năm 2014.

Tiếp đó, trong báo cáo tổng kết an ninh mạng năm 2015, minh chứng cho nhận định “mạng xã hội bị ô nhiễm nặng”, Bkav đã đưa ra con số thống kê có tới 93% người sử dụng Facebook tại Việt Nam cho biết thường xuyên gặp phiền toái với tin nhắn rác, nội dung đồi trụy hay liên kết giả mạo có cài mã độc trên Facebook. Thống kê từ hệ thống giám sát của Bkav cũng cho thấy, trong năm 2015, trung bình mỗi tháng lại có thêm hơn 1.000 trang giả mạo Facebook được lập ra nhằm đánh cắp tài khoản của người sử dụng; sau đó tài khoản bị đánh cắp sẽ được sử dụng để tiếp tục phát tán mã độc hoặc để lừa đảo, phổ biến nhất là chat với bạn bè của nạn nhân lừa nạp thẻ điện thoại.

Lừa người dùng Facebook đọc tin
Địa chỉ trang giả mạo được kẻ xấu dùng dẫn dụ người dùng truy cập để đánh cắp tài khoản.

Để phòng tránh hình thức lừa đảo “Giả mạo trang tin tức” để đánh cắp tài khoản Facebook, Bkav khuyến nghị người dùng Facebook cần chủ động xác minh lại các thông tin nhận được và không làm theo hướng dẫn trên các website chưa tin cậy.

Trong trường hợp thật sự muốn đọc tin được chia sẻ trên Facebook, người dùng nên kéo chuột vào liên kết chứa trong bài và quan sát kỹ phần hiển thị dưới thanh trạng thái (status bar) của trình duyệt xem có hiển thị đúng địa chỉ chia sẻ không, nếu hiển thị ra một địa chỉ trang khác thì đây là địa chỉ giả mạo và người dùng không nên click vào.

Đối với những người dùng đã lỡ click vào link trang giả mạo và thực hiện theo hướng dẫn, bị kẻ xấu đánh cắp tài khoản Facebook, chuyên gia Bkav khuyên:

“Tốt nhất người dùng nên nhờ hỗ trợ của những người am hiểu kỹ thuật để được hướng dẫn cách thức liên hệ với Facebook, xác minh thông tin nhằm lấy lại tài khoản”.

M.T | Theo ICTnews