The Guardian (Anh) đưa tin, Google vừa phát hành một tính năng gán nhãn những tin giả mạo trong kết quả tìm kiếm trong phạm vi toàn cầu.
Tính năng Kiểm tra Sự thực (Fact-checking) của Google sẽ đánh dấu những tin tức hay thông tin đã được kiểm tra với kết quả “true” (đúng) hoặc “false” (sai).
Google đã áp dụng “Fact-checking” cho dịch vụ tin tức Google News ở Anh và Mỹ hồi tháng 10/2016 và giờ mở rộng trên phạm vi toàn thế giới, trong cả kết quả tìm kiếm. “Fact-checking” sẽ hiển thị dưới dạng một “hộp tin tức” trong kết quả tìm kiếm. Ngoài ra Google còn đưa cả những đoạn nhỏ hiển thị các thông tin khiếu nại về tin tức đó cũng như kết quả xác minh những khiếu nại đó.
Các hãng tin, nhà xuất bản hay những tổ chức xác minh thông tin có uy tín sẽ xác minh những thông tin bị khiếu nại. Họ sẽ dùng một hệ thống mở để đánh dấu những thông tin đã được kiểm tra.
Ông Cong Yu từ Google và ông Justin Kosslyn từ đối tác kiểm tra sự thực Jigsaw của Google cho biết : “Với hàng nghìn bài báo được xuất bản trực tuyến mỗi phút, khối lượng nội dung trực tuyến nhiều khủng khiếp. Thật không may, không phải tất cả đều là sự thật hay đúng, khiến mọi người khó phân biệt giữa thực tế với hư cấu. Chúng tôi sẽ tăng cường các hoạt động kiểm tra sự thực trong kết quả tìm kiếm”.
Tuy nhiên, các “hộp kiểm tra sự thực” sẽ không hiển thị trong mọi kết quả tìm kiếm và chỉ các nhà xuất bản hay hãng tin, các tổ chức kiểm tra sự thực “được thuật toán của Google xác định là nguồn tin có thẩm quyền” mới được thực hiện việc kiểm tra thông tin.
Động thái trên của Google diễn ra trong bối cảnh nhiều công ty công nghệ của Mỹ, đặc biệt là các trang mạng xã hội như Facebook có trách nhiệm lớn trong việc để những thông tin giả mạo lan truyền.
Gần đây, chính phủ Anh đã kêu gọi các công ty Mỹ, bao gồm Google, Facebook , Twitter và Microsoft phải làm nhiều hơn để giám sát các nền tảng của họ, xóa bỏ những nội dung bất hợp pháp và cực đoan.
Tại Đức, nội các của Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đang ủng hộ dự luật phạt tiền tới 50 triệu Euro đối với các mạng xã hội để lan truyền thông tin giả mạo.
Phạm Khánh | Theo Infonet