Ông chủ hãng ô mai Hồng Lam: Khủng hoảng là cái tát đau đớn nhưng quý như báu vật

0
34

Khủng hoảng khiến doanh nghiệp điêu đứng nhưng cũng là động lực để đứng lên phát triển bền vững hơn.

Chia sẻ về kinh nghiệm giữ chữ tín lâu dài với khách hàng, trao đổi tại sự kiện LEAD 2017 do KiotViet vừa tổ chức tại Hà Nội, ông Trần Văn Quân, Founder-CEO chuỗi thực phẩm sạch Sói Biển thẳng thắn cho rằng trong kinh doanh, câu chuyện trung thực và giữ chữ tín phải được đặt ra ngay từ khi khởi nghiệp.

“Đây là vấn đề tôi suy nghĩ rất nhiều ngay từ trước khi khởi nghiệp. Những nhân viên đầu tiên khi mới vào Sói Biển cũng đều phải hiểu rõ nhất “trung thực” là gì. Lấy ví dụ như nếu cửa hàng nhập cá hồi vào ngày hôm qua thì cũng phải nói chính xác là hôm qua, chứ không thể nói mới nhập hôm nay”, ông Quân nói.

Cũng theo CEO Sói Biển, trong kinh doanh luôn phải tôn trọng sự thật, lẽ phải (từ những hành động, cử chỉ, lời nói nhỏ nhất) và dũng cảm nhận lỗi khi mắc sai lầm thì sẽ được người tiêu dùng, thị trường đón nhận.

Chung quan điểm, ông Nguyễn Hồng Lam, người sáng lập thương hiệu ô mai Hồng Lam đã kể lại câu chuyện doanh nghiệp của ông gặp sự cố vào một ngày cuối năm 2015, khi Tết Nguyên đán đang đến gần.

Tại thời điểm đó, thông tin sản phẩm ô mai mơ chua ngọt của Hồng Lam “chứa hàm lượng đường hóa học cao hơn nhiều lần mức cho phép” lan truyền mạnh trong giới truyền thông, mạng xã hội, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn.

“Ngay khi sự cố xảy ra, có người tư vấn cho tôi tìm ra nhân viên gây lỗi để có người “thế thân”. Tuy nhiên tôi bảo không, ai làm thì cũng do Hồng Lam. Nhất là khi doanh nghiệp mang tên tôi thì tôi phải giơ mặt ra chịu chứ không phải đổ tội cho nhân viên. Khi xử lý khủng hoảng truyền thông, tôi làm 3 bước: tìm hiểu ngọn nguồn của lỗi, lên định hướng xử lý và hành động”, ông Lam nói.

Ông Trần Văn Quân (ngoài cùng bên trái) và ông Nguyễn Hồng Lam (thứ 3 từ trái sang).

Cũng theo CEO Hồng Lam: Ngay đêm hôm đó, mạng truyền thông xã hội lan truyền, chia sẻ thông tin rất nhanh. Lúc đó ông rất “choáng”, nhưng sau thì bình tĩnh lại, không đổ tội. Trả lời phỏng vấn của truyền thông, rồi lên VTV, ông đã trả lời rất rõ ràng nguyên nhân tại sao, câu chuyện thế nào, khoanh vùng xử lý ra sao… Đồng thời, website và trang Facebook chính thức của Hồng Lam cũng đăng lời xin lỗi để khách hàng hiểu rõ đây chỉ là lô hàng duy nhất gặp phải sự cố vượt mức lượng đường cho phép nằm trong quá trình sản xuất.

Sự cố cuối năm 2015 đã khiến cho doanh số của Hồng Lam bị đi xuống khoảng 10% trong vòng 1 năm, doanh nghiệp mất khá nhiều tiền. Tuy nhiên giờ đây nhắc lại ông chủ của Hồng Lam cho rằng bài học đó giống như một cái tát đau đớn nhưng lại rất quý báu, là “báu vật” cho doanh nghiệp theo như suy nghĩ của người Nhật.

Bởi chính vì khủng hoảng, doanh nghiệp của ông đã đổi mới hoàn toàn từ việc quản trị công nghệ, quản lý chất lượng, nâng cao trách nhiệm của người quản lý. Trong đó đặc biệt là sử dụng công nghệ vào từng công đoạn (nhất là với những công đoạn đang chế biến dở không nếm được), đáp ứng nghiêm ngặt chỉ số chất lượng hóa lý, vi sinh…

“Chúng tôi phân ra các khúc để chốt tại từng giai đoạn với 4 loại lỗi gồm lỗi hệ thống, lỗi điều hành, lỗi tác nghiệp và lỗi sơ suất. Nếu là lỗi hệ thống thì phải xây dựng lại hệ thống, nếu do lỗi điều hành thì phải huấn luyện lại cán bộ điều hành”, ông Hồng Lam chia sẻ. Còn với lỗi sơ suất thì quan điểm của tôi là không thể bắt phạt vì ai cũng có thể có sai sót, tôi hoàn toàn thông cảm với họ.

Với hướng đi như vậy, sau đó Hồng Lam đã vượt qua khó khăn và lấy lại đà tăng trưởng. Thậm chí mới đây đã có khách hàng Nhật Bản (Nhật Bản vốn là thị trường nổi tiếng khó tính – PV) sau khi kiểm tra cơ sở hạ tầng, quy trình quản lý và trình độ con người đã quyết định đặt hàng của Hồng Lam.

Nguồn: itcnews.vn