5 ý tưởng vượt khó khăn khởi nghiệp mùa dịch hướng về cộng đồng

Covid-19 khiến môi trường đầu tư trở nên ngặt nghèo. Cùng với hàng loạt kế hoạch phát triển kinh doanh bị hủy bỏ hoặc tạm hoãn, việc doanh nghiệp đầu tư cho startup cũng được cân nhắc kỹ hơn.

Khởi nghiệp luôn là sự thể hiện ý chí và khát vọng vươn lên làm giàu. Hơn bao giờ hết, chính vào thời điểm này, các startup còn gánh thêm cả trọng trách với cộng đồng.

BK-AntiCovid – người bạn của các y bác sĩ

Chỉ trong vòng 10 ngày, nhóm tác giả thuộc Đại học Bách khoa Đà Nẵng đã chế tạo thành công robot vận chuyển phục vụ trong các khu cách ly, mang tên BK-AntiCovid, có khả năng vận chuyển với tải trọng trên 70kg.

Theo đó, thức ăn, thuốc chữa bệnh và các vật dụng cần thiết sẽ được đưa vào tận các phòng cách ly và robot sẽ phát loa thông báo cho người trong phòng bệnh. Bác sĩ và người cách ly có thể trao đổi qua hệ thống loa, micro trên robot mà không cần tiếp xúc trực tiếp.

Bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo, robot BK-AntiCovid còn hỗ trợ người bệnh đo huyết áp, nhịp tim, nhiệt độ cơ thể. Người nhận các mẫu bệnh phẩm hoặc bệnh nhân nhận thuốc, thức ăn đều phải xác nhận với BK-AntiCovid bằng hình ảnh để tránh trường hợp thất lạc hoặc giao nhầm. Robot BK-AntiCovid đã được chuyển giao cho Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng.

BK-AntiCovid vận hành tốt, có độ tin cậy cao, giá khoảng 50 triệu đồng, nếu sản xuất đại trà thì giá thành thấp hơn rất nhiều.

Ngoài việc giảm tải khối lượng công việc cho nhân viên y tế, tính năng vượt trội của robot BK-AntiCovid là ngăn ngừa nguy cơ lây bệnh, đảm bảo sức khỏe cho đội ngũ y tế trong công tác phòng chống dịch.

5 ý tưởng vượt khó khăn khởi nghiệp mùa dịch hướng về cộng đồng
Robot vận chuyển phục vụ trong các khu cách ly BK-AntiCovid

 

Chatbot lọc tin giả

Những sáng lập viên của Công ty CP Công nghệ Chatbot Việt Nam, thông qua ứng dụng Chatbot đã thiết lập hệ thống trả lời tự động nhằm cập nhật tình hình dịch bệnh và hướng dẫn người dân các biện pháp phòng tránh Covid-19 để phục vụ miễn phí cho cộng đồng.

CEO Chatbot Việt Nam – Lê Anh Tiến cho biết: “Ngoài việc cập nhật, tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn, Chatbot còn cung cấp số người nhiễm bệnh, số người phục hồi ở từng tỉnh, thành, những khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Bộ Y tế nhằm giảm thiểu nguy cơ mắc virus corona biến thể, như hướng dẫn trường hợp nào nên đeo khẩu trang, sử dụng, tháo và loại bỏ khẩu trang đúng cách”.

Đặc biệt, Chatbot còn loại bỏ những tin bịa đặt dễ gây tâm lý hoang mang, tổn hại đến lợi ích chung và sức khỏe, sự an toàn của người dân. Không chỉ là một kênh để nhận thông tin tương tự như ứng dụng Sức khỏe Việt Nam, Chatbot còn có ưu điểm là tương tác và chia sẻ dễ dàng hơn vì nó chạy trên nền tảng Messenger của Facebook (hiện có 80 triệu người Việt dùng ứng dụng này).

Buồng khử khuẩn Anvico

5 ý tưởng vượt khó khăn khởi nghiệp mùa dịch hướng về cộng đồng
Buồng khử khuẩn chống Covid-19 Anvico.

 

Không ai trông chờ khó khăn, thử thách nhưng khi gặp biến cố, các CEO trẻ, những doanh nhân tương lai phải chọn cách đối mặt. Covid-19 không chỉ là phép thử mà còn là chướng ngại vật buộc họ phải vượt qua.

Không đặt mục tiêu lợi nhuận mà chỉ mong muốn chung tay cùng cộng đồng đẩy lùi Covid-19, tạo việc làm cho nhân viên giữa mùa dịch bệnh, cặp vợ chồng Nguyễn Trương Tuyến và Võ Ngọc Anh (TP.HCM) cùng đội ngũ R&D đã nghiên cứu, chế tạo thành công buồng khử khuẩn chống Covid-19 mang tên Anvico.

Với cơ chế vận hành hoàn toàn tự động, người sử dụng không cần bấm nút khi bước vào, máy sẽ tự động nhận diện, mở cửa, tự động phun sương dung dịch Anolite.

Chỉ trong vòng 20 giây (cả thời gian di chuyển vào buồng là 30 giây) vi khuẩn, virus bề mặt sẽ bị tiêu diệt. Mỗi buồng khử khuẩn được trang bị hai bộ phun sương để đảm bảo dung dịch Anolite tiếp xúc với toàn bộ bề mặt cơ thể, tiêu diệt triệt để vi khuẩn, virus, nấm mốc gây bệnh. Công suất mỗi buồng cho 1.000 người khử khuẩn/ngày.

Khởi nghiệp vốn dĩ không dễ dàng, trong giai đoạn dịch bệnh, khó khăn còn tăng gấp bội. Covid-19 là đòn giáng nặng nề xuống nền kinh tế toàn cầu.

Trong khó khăn, đối mặt với khủng hoảng, những người lãnh đạo trẻ đã không lùi bước mà luôn tỏ rõ ý chí, bản lĩnh, sự lạc quan. Chính những suy nghĩ tích cực đã kích thích khả năng sáng tạo, nhìn thẳng vào thực tế để hành động quyết đoán. Thay bằng lo lắng thái quá, các nhà khởi nghiệp đã hành động vì cộng đồng.

Ứng dụng học trực tuyến Lenlop.vn

Để “giải cứu” cho thầy trò không thể đến trường trong đại dịch, giải pháp Lenlop.vn là nền tảng lớp học trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam có khả năng tương tác với hàng vạn học sinh, sinh viên thông qua truyền hình trực tuyến, trình chiếu tài liệu và bảng điện tử. Chương trình sẽ hỗ trợ miễn phí cho 900 lớp học ảo mỗi ngày với thời lượng 2 giờ/lớp, mỗi lớp học ảo tối đa 50 học viên, nội dung giảng dạy của giáo viên được truyền hình trực tiếp (live stream).

Thông qua nền tảng này, thầy cô giáo có nhu cầu dạy trực tuyến chỉ cần đăng ký tài khoản trong 2 phút trên máy tính cá nhân là có thể tạo lớp học online, sau đó gửi liên kết (đường link) lớp học online được hệ thống cung cấp cho học viên thông qua trình duyệt web trên máy tính, hoặc điện thoại. Đặc biệt, giáo viên có toàn quyền giám sát và cấp quyền phát thanh, truyền hình và tương tác bảng viết của từng học viên.

Không chỉ là giải pháp tình huống trong đại dịch, mà mục tiêu lâu dài của Lenlop.vn là xây dựng môi trường học tập suốt đời cho người Việt thông qua phương thức giáo dục mới, hiện đại. So với phương pháp học truyền thống, Lenlop.vn tiết kiệm đến 95% chi phí. Hoàn toàn miễn phí hỗ trợ cộng đồng, giải pháp Lenlop.vn thuộc sở hữu của Công ty Đầu tư và Phát triển công nghệ tương lai.

5 ý tưởng vượt khó khăn khởi nghiệp mùa dịch hướng về cộng đồng
Nền tảng lớp học trực tuyến lenlop.vn

 

Songhan Incubator – vườn ươm khởi nghiệp

Làm bệ đỡ cho các startup ngay giữa đại dịch, Songhan Incubator (SHi) – một trong những vườn ươm khởi nghiệp tư nhân đầu tiên của Việt Nam phối hợp với Sun* Startups (một startup studio chuyên khởi tạo startup về công nghệ bằng cách đầu tư giải pháp và đồng hành với vai trò cố vấn được thành lập bởi Tập đoàn Sun*) khởi động chương trình ươm tạo Startup Batch 1 (trong tháng 5-6/2020) nhằm giúp ươm tạo startup công nghệ số từ giai đoạn ý tưởng đến sản phẩm mẫu, có cơ hội thương mại hóa sản phẩm.

Thời gian đăng ký tham gia kéo dài từ nay đến ngày 20/4/2020. Sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo hai tháng, các startup được kỳ vọng sẽ có tư duy khởi nghiệp gắn với thực tiễn thông qua những kỹ năng được huấn luyện bao gồm đánh giá ý tưởng, mô hình kinh doanh, nghiên cứu thị trường, thị phần, nhận diện, xây dựng hành trình khách hàng, phát triển và quản trị các mối quan hệ trong kinh doanh, phương thức xây dựng kênh phân phối; lập kế hoạch tài chính và trách nhiệm cộng đồng.

Sau khi tốt nghiệp, các startup được kỳ vọng sẽ có tư duy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với thực tiễn, khả năng hoạch định và tự thẩm định được hướng phát triển tiếp. Ngoài việc được huấn luyện, thực hành theo chương trình, các startup còn nhận được nhiều quyền lợi từ  gói hỗ trợ AWS Promotional Credit trong hai năm và gói Business Support một năm, tương đương 11.500 USD thông qua đối tác Amazon Web Services, được cung cấp văn phòng làm việc, hỗ trợ vận hành và tư vấn pháp lý khi thành lập doanh nghiệp, được tạo điều kiện kết nối với các quỹ đầu tư trong và ngoài nước thuộc mạng lưới của Sun* và SHi.

Được biết, sau ba năm hoạt động, Songhan Incubator đã ươm tạo 57 startup ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM, 8 startup được khởi tạo từ ý tưởng đã thành doanh nghiệp công nghệ. Các nhà khởi nghiệp này đã gọi vốn thành công gần 2 triệu USD, hơn 30 startup được hỗ trợ kết nối nguồn lực, thị trường trên 1 triệu USD thông qua mạng lưới đối tác.

Nguồn doanhnhansaigon.vn