Jeff Hoffman là một trong hơn 500 tỷ phú của Mỹ, người đứng sau một loạt các công ty công nghệ đã lên sàn chứng khoán như Priceline, Ubid và startup đình đám.
Khác với nhiều người, ông xuất thân là một kỹ sư công nghệ trước khi bước vào lĩnh vực kinh doanh. Gần đây, ông đã có ba buổi nói chuyện liên quan đến khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tại TP. HCM và Đà Nẵng. Trong đó, đặc biệt ấn tượng là buổi nói chuyện về cố vấn khởi nghiệp với các thành viên sáng lập Sáng kiến cố vấn khởi nghiệp Vietnam Mentor Initiative – VMI tại SURF- Đà Nẵng – nó như một sự khẳng định cho những nỗ lực của những người đang lựa chọn và xây dựng văn hóa cố vấn khởi nghiệp.
Ngồi trong phòng họp trong khuôn khổ của SURF- Đà Nẵng 2017, Jeff bắt đầu câu chuyện rất ngắn gọn khi nói về Cố vấn theo ba nội dung: Tại sao? Ai? Như thế nào?
Tại sao?
Theo Jeff, có ba lý do khiến chúng ta nên trở thành mentor:
Niềm tự hào dân tộc: Jeff kể, khi ông gặp một doanh nhân và đề nghị người này mentor (cố vấn) cho một startup trẻ. Ông ta hỏi lại: Tại sao tôi phải cố vấn cho cậu ta? Tôi không phải là cha cậu ấy”. Khi nhận ra các doanh nhân thành đạt khác cũng có nghi ngờ tương tự về lí do họ nên trở thành người cố vấn, Jeff xoay sang hỏi họ: Vậy ông muốn thấy tương lai của đất nước ông ra sao? Tất cả các doanh nhân đều có khát vọng cống hiến cho đất nước và Jeff đã nhanh chóng giúp họ nhận ra rằng, những doanh nhân trẻ chính là tương lai của đất nước và trở thành mentor cho những người này là cách xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.
Học tập và trau dồi: Là doanh nhân thành đạt không có nghĩa là chúng ta biết hết mọi thứ. Việc trở thành một cố vấn chính là cách học tập nhanh nhất từ thế hệ trẻ. Đó là động lực của những doanh nhân luôn muốn mình học thêm những điều mới mẻ.
Thấy trước những điều vĩ đại của tương lai: Việc trở thành một cố vấn là chuẩn bị để mình hòa nhập với dòng chảy thời đại và thậm chí có thể trở thành một phần của điều vĩ đại trong tương lai. Jeff kể rằng, ông đã từng làm cố vấn của Jack Ma và tiên đoán đây là người sẽ làm nên điều vĩ đại tiếp theo. Lúc bấy giờ, mọi người đã cười trước nhận xét này của ông. Nhưng sự việc xảy ra năm năm sau chứng minh rằng ông đã đúng: Alibaba đã có một cuộc chào bán cổ phiếu lần đầu trước công chúng (IPO) lớn nhất trong lịch sử thế giới.
Ai có thể trở thành cố vấn cho các startup?
Nhiều người quá dè dặt khi trở thành cố vấn khởi nghiệp. Trên thực tế, có rất nhiều kinh nghiệm, trải nghiệm và kiến thức của bạn vô cùng hữu ích với các doanh nhân trẻ. Xuất thân từ một người làm kỹ thuật, Jeff tin rằng mình có được ngày hôm nay là nhờ các mentor. Vì vậy, khi cố vấn mỗi người hãy tập trung vào: (1) những gì mình giỏi (2) những gì mình biết (3) những gì mình thoải mái để chia sẻ.
Sẽ thật sai lầm nếu gồng mình lên và mong muốn giải quyết mọi vấn đề cho người được cố vấn và cho những lời khuyên vượt quá khả năng. Trở thành người cố vấn “biết tuốt” trong mắt người được cố vấn không phải là lựa chọn tốt vì chính điều đó sẽ làm hại người được cố vấn với sự hiểu biết không đầy đủ của bạn. Sự trung thực từ phía người cố vấn là vô cùng quan trọng. Ví dụ: thay vì cho lời khuyên về những gì bạn không biết, bạn có thể chia sẻ điều đó nằm ngoài hiểu biết của bạn và giới thiệu họ đến những người trong mạng lưới của bạn (nếu bạn thoải mái) hoặc xin phép khi cho lời khuyên.
Làm cố vấn như thế nào?
Để giúp mối quan hệ mentoring đi đúng hướng, theo Jeff cách tốt nhất là:
Hãy đặt ra kỳ vọng từ cả hai phía và viết ra. Hãy cùng nhau xác định mục tiêu của các buổi gặp một cách cụ thể và cùng nỗ lực để đạt đến điều đó.
Hãy lắng nghe nhiều hơn thay vì khuyên nhủ hoặc làm hộ. Việc làm giúp người được cố vấn sẽ chỉ khiến họ ỷ lại và không bao giờ trưởng thành.
Hãy dừng lại nếu một trong hai phía không cảm thấy thoải mái và hãy thẳng thắn khi cần thiết. Với các chương trình cố vấn chuyên nghiệp, luôn cần có một kênh giúp các bên phản hồi một cách tự nhiên, thẳng thắn và thân thiện về mối quan hệ này.
Đừng đầu tư cho ai khi đang là cố vấn của người đó. Chỉ khi dừng mối quan hệ cố vấn, bạn hãy trở thành nhà đầu tư (nếu muốn). Rất nhiều chương trình không cho phép nhà đầu tư trở thành cố vấn của khởi nghiệp.
Một vài suy ngẫm về những thách thức và cơ hội xây dựng văn hóa cố vấn khởi nghiệp tại Việt Nam
Người viết là một cố vấn khởi nghiệp, là một thành viên của SME Mentoring 1on1, tổ chức đầu tiên phát triển văn hóa cố vấn khởi nghiệp tại Việt Nam và cũng là người đang nỗ lực phát triển chương trình cố vấn khởi nghiệp tại Hà Nội. Từ góc độ này, tôi có một vài chia sẻ về kinh nghiệm với những tổ chức đang chuẩn bị phát triển văn hóa khởi nghiệp tại Việt Nam.
Trên thực tế, những gì Jeff nói không quá xa lạ với những gì chúng tôi đang làm và không phải là việc cố vấn chưa từng có ở Việt Nam. Nhìn lại lịch sử, rất nhiều doanh nhân đã hỗ trợ những doanh nhân trẻ trên con đường lập nghiệp, nhiều tổ chức cũng phát triển mô hình này để hỗ trợ thế hệ đi sau. Tuy vậy, xây dựng một văn hóa khởi nghiệp đòi hỏi:
Sự thay đổi về nhận thức của những doanh nhân đi trước: chừng nào trở thành cố vấn khởi nghiệp xuất phát từ một trong ba động cơ mà Jeff đã nêu trên (nếu không muốn nói là cả ba) thì mối quan hệ mentoring mới có thể trở nên bền vững. Những thất bại trong mối quan hệ mentoring tôi bắt gặp có thể là do người cố vấn cho quá nhiều lời khuyên hoặc quá tự tin vào những gì mình có mà ít có ý thức học hỏi ngược lại.
Sự kiên nhẫn: Giống như hôn nhân, mối quan hệ bền vững nào cũng cần thời gian để tìm hiểu và triển khai. Không mối quan hệ cố vấn nào ngắn dưới sáu tháng mà sinh ra những kết quả tích cực. Thời gian đủ dài cho một mối quan hệ để hiểu, học và chia sẻ với nhau thường kéo dài trong giai đoạn từ sáu tháng đến một năm và có thể duy trì mãi mãi sau đó. Sự vội vã trong mối quan hệ cố vấn và ghép cặp một cách cơ học có thể dẫn đến sự đổ bể. Từ đó suy rộng ra, xây dựng một chương trình cố vấn khởi nghiệp cũng không thể vội vàng và muốn cho ra kết quả sớm.
Sự kỳ vọng: sự thất vọng xuất phát từ kỳ vọng quá lớn. Dù xuất phát từ người phát triển hoạt động cố vấn, hay từ chính các cố vấn và người được cố vấn, nếu kỳ vọng đặt ra không khớp nhau sẽ rất khó giúp chương trình và mối quan hệ đi xa.
Cố vấn nói chung và cố vấn khởi nghiệp nói riêng thực chất là một văn hóa. Chẳng hạn, nếu mỗi sinh viên được chia sẻ, trò chuyện và định hướng bởi một cố vấn từ khi còn ở trong trường đại học, thì khi họ trưởng thành, việc tiếp tục trở thành cố vấn với họ là lẽ tự nhiên. Khi chúng ta phải xây dựng hoạt động cố vấn từ khi còn sơ khai trở thành một văn hóa, cần một tư duy, thái độ, hành động đúng đắn.
Để xây dựng một thái độ cầu thị, kiên nhẫn, luôn lắng nghe và học hỏi cho các cố vấn và cho những người xây dựng chương trình cố vấn đòi hỏi một nỗ lực không ngừng. Không phải ngẫu nhiên, nhiều tổ chức nước ngoài hướng đến việc phát triển cộng đồng khởi nghiệp của một quốc gia, chẳng hạn như SECO EP và các quỹ đầu tư tìm hiểu thị trường lại nhìn vào chất lượng cố vấn mà các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp đang có.
Jeff đã kết thúc bài phát biểu và chia sẻ của mình bằng câu nói: “Thứ quý giá nhất mà startup có được không phải là tiền, mà là được cố vấn” kèm theo lời nhắn nhủ với những cố vấn có mặt trong buổi nói chuyện: “Các bạn đang làm những điều vĩ đại.”
Nguồn khoinghiep.org
Xem thêm: Nhà khởi nghiệp trẻ cần trang bị 5 hành trang thiết yếu