Starup khởi nghiệp từ việc thu hoạch mật hoa dừa thu gần nửa tỷ mỗi tháng

Trong những ngày cuối tháng 10, thời tiết yên dịu, chị Thạch Thị Chal Thi dẫn đoàn khách tham quan nông trại dừa chuyên để khai thác và thu hoạch mật hoa của mình. Với nhân công đeo bên hông những chiếc bình bầu dục màu trắng, thoăn thoắt trèo lên ngọn dừa. Đến nơi, họ dùng dao sắc cắt một đầu, lấy tay chà xát cho bông hoa nóng lên và gõ nhẹ vào thân, và cứ thế dòng mật hoa dừa trắng đục tứa ra.

“Cứ mỗi một bông hoa 12 tiếng lại cho thu mật một lần, được khoảng nửa lít. Cứ vậy liên tục trong 25 ngày sẽ được 25 lít rồi nghỉ”, Chal Thi, 31 tuổi, người đầu tiên biết cách “hút mật hoa dừa” của tỉnh Trà Vinh – giới thiệu trong sự ngạc nhiên và trầm trồ của khách. “Cách đây hai năm, tôi cũng giống như mọi người không tin là cây dừa có thể cho mật hoa. Mọi chuyện chỉ tình cờ đến khi tôi tìm cách giải cứu vườn dừa bán trái quá lỗ của gia đình”.

Thu hoạch mật hoa dừa thu gần nửa tỷ mỗi tháng
Thạch Thị Chal Thi là người dân tộc Khmer, thạc sỹ công nghệ thực phẩm tại ĐH Bách Khoa, TP HCM.

Đầu năm 2018, khi vừa lấy bằng thạc sỹ công nghệ thực phẩm tại ĐH Bách Khoa TP HCM, cô gái này khăn gói về Trà Vinh chỉ sau một cuộc gọi của cha: “Dừa rớt giá quá, 12 trái chỉ bán được 20.000 đồng. Năm nay lỗ to rồi”, giọng ông run run. Trước khi lên xe, cô nhắn chồng: “Em về trước xem có thể làm được gì. Ổn thì anh hẵng về”. Lúc này, chồng cô – anh Phạm Đình Ngãi – đang làm giảng viên một trường cao đẳng tại TP HCM.

Nhà Chal Thi trồng hơn 700 gốc dừa trên diện tích 20.000m2. Vụ dừa năm đó giá cứ rớt liên tục. Ông Thạch Mây – bố Chal Thi – chạy đôn chạy đáo khắp nơi, gọi điện cho thương lái mời mua dừa nhưng họ cũng chẳng buồn tới. Đêm cả nhà không ai ngủ nổi vì quả rơi lộp bộp dưới gốc. Tiếc của, họ nạo cơm dừa bán cho các quán kem để vớt vát. Số còn lại đành bỏ đi, để lâu mọc mầm thành cây, nổi lềnh phềnh trên những con kênh quanh vườn.

Không thể ngồi nhìn bố mẹ suy sụp, Chal Thi lùng sục tìm kiếm cơ hội trên các diễn đàn. Một lần tình cờ thấy bức ảnh về đường làm từ mật dừa ở Thái Lan, cô nhấp chuột: “Mật hoa dừa vị ngọt thanh, chỉ số đường thấp hơn so với mật ong, đường mía nhưng có hàm lượng khoáng chất cao, giàu vitamin và có hầu hết các loại acid amin thiết yếu. Mật hoa dừa thích hợp đối với người bệnh tiểu đường type 2”. Kèm theo đó là một loạt thông tin về cách thức lấy mật hoa dừa khiến cô gái này bừng tỉnh.

Thế nhưng vừa nghe con gái trình bày, ông Thạch Mây mắng luôn: “Cây dừa người ta quý muốn chết mà lại cắt bông, con có bị điên không?”. Chal Thi bật những bộ phim tài liệu về hoạt động lấy mật hoa dừa ở một số nước châu Á cho cha xem. “Con chỉ xin thí điểm 100 cây thôi. Luân phiên 50 cây lấy mật, 50 cây cho nghỉ”, cô năn nỉ. Sau một tháng, ông bố cũng gật đầu.

Ngay ngày hôm sau, hai bố con bắc thang hì hụi cắt hoa dừa mong lấy được mật. Nhưng suốt sáu tháng sau đó, hàng trăm bông hoa bị cắt, nhưng không thu nổi lít mật nào. Bà con hàng xóm ghé qua thấy lạ, bảo bố con nhà này khùng.

Nhớ lại những ngày đầu đó, ông Thạch Mây kể: “Lúc đó tôi cũng chỉ biết động viên con cố gắng. Nông dân ở đây họ chân chất, ngại thay đổi. Ra được sản phẩm thì bà con mới hiểu”.

Starup khởi nghiệp từ việc thu hoạch mật hoa dừa thu gần nửa tỷ mỗi tháng 1 - Khởi Nghiệp Trẻ
Hai vợ chồng Thạch Thị Chal Thi và Phạm Đình Ngãi bên vườn dừa lấy mật của gia đình.

Trãi qua những thất bại, Chal Thi lại mày mò trên mạng Internet để tìm hiểu và học thêm nhiều kiến thức. Hóa ra, cô đã bỏ qua một công đoạn quan trọng là dùng tay xoa nóng bông hoa dừa, sau đó dùng một lực vừa phải gõ vào bông thì mật mới chảy ra. Học theo, sang tháng thứ 7, hai bố con Chal Thi thu được nửa lít mật hoa đầu tiên.

50 cây mới thu được nửa lít, Chal Thi thất vọng nhưng không tìm được nguyên nhân. Một lần tình cờ, cô nghe người già trong làng nói chuyện, ngày xưa cây nhiều dinh dưỡng sẽ khiến quả bị nứt, phải hút bớt mật hoa thì quả mới to đẹp lại. Câu chuyện vu vơ khiến cô gái chú ý. Từ kinh nghiệm của một thạc sỹ công nghệ thực phẩm, cô hiểu ngay nguyên nhân hoa cho mật ít là thiếu nước và dinh dưỡng.

Với 100 cây dừa thử nghiệm, Chal Thi mua máy về bơm nước trực tiếp vào gốc – việc mà người trồng dừa lâu năm không ai làm. Tiếp đó thu mua thêm 1.000 bao phân bò bón lót. Sau 3 tháng, số mật thu về là 25 lít, thay vì chỉ nửa lít như trước.

Số lượng mật thu hoạch được tăng lên, nữ kỹ sư này bắt đầu cô đặc để ra thành phẩm. Sáu tháng liền, Chal Thi làm việc liên tục từ 8h sáng cho đến 12h đêm. Hàng trăm mẻ thất bại phải đổ đi, cuối cùng mật hoa dừa cô đặc nguyên chất 100%, không chất bảo quản được ra lò. Khi có công thức trong tay, cô đăng ký thương hiệu và gọi chồng từ TP HCM về mở xưởng sản xuất.

Từ tiền tích góp nhiều năm, vay thêm ngân hàng và người thân, xưởng sản xuất đầu tiên được thành lập vào giữa năm 2019. Ngày khánh thành, họ chỉ đủ tiền thuê một công nhân, hai vợ chồng vừa sản xuất vừa kiêm luôn tiếp thị. Tháng đầu tiên, cả xưởng ra lò 1.000 chai mật hoa dừa 250g, phần lớn đi biếu tặng. Thị trường bó hẹp, người mua đa phần chỉ tò mò, nửa năm đầu, hai vợ chồng lỗ 200 triệu.

“Vất vả nhưng mãi vẫn lỗ, nhiều lúc tôi muốn bỏ cuộc nhưng Thi lại động viên thời điểm khó nhất đã vượt qua thì không cớ gì phải buông bỏ”, anh Phạm Đình Ngãi chia sẻ.

Sau 7 tháng hoạt động, khách hàng cũ bắt đầu quay trở lại, khách hàng mới là những người ăn chay, tiểu đường… cũng dần tăng lên. Từ một công nhân, hai vợ chồng tuyển và đào tạo thêm 17 người, thu nhập trung bình 5-7 triệu đồng mỗi tháng. Nhiều hộ dân trước đây phản đối cũng đã hợp tác bán mật hoa dừa cho xưởng.

Hiện tại sản lượng mỗi tháng của xưởng đạt 6.000 chai. Từ mật hoa dừa, Chal Thi cũng nghiên cứu và sản xuất thêm 4 sản phẩm khác như đường hoa dừa, hạt ca cao mật hoa dừa, mứt dứa mật hoa dừa… Không chỉ bán tại Việt Nam, sản phẩm còn được bán trên trang thương mại điện tử quốc tế, đến tay người Việt tại Mỹ. Ngoài sản xuất, chế biến, hai vợ chồng còn mở khu tham quan, trải nghiệm thu mật hoa dừa tại vườn cho khách du lịch. Doanh thu từ vườn dừa mỗi tháng của cặp vợ chồng này khoảng gần 500 triệu đồng.

Bà Đinh Thị Dung, Ủy viên thường vụ hội phụ nữ huyện Tiểu Cần, người giúp đỡ Chal Thi từ khi bắt đầu khởi nghiệp cho hay, mô hình này gây ấn tượng mạnh với nhiều đoàn tham quan nước ngoài. “Năm 2019, Chal Thi đã giành giải nhất phụ nữ khởi nghiệp tỉnh Trà Vinh từ ý tưởng độc đáo này”, bà Dung cho biết.

Mười năm trước, Chal Thi từng nói với chồng ước mơ 40 tuổi về quê lập nghiệp khi có đủ điều kiện kinh tế, bởi cô không thích sự ồn ào náo nhiệt của thành phố. “Tôi đã không chờ được đến năm 40 tuổi để thực hiện ước mơ, bởi nếu không chớp cơ hội ngay trong khủng hoảng thì sẽ không làm được nhiều việc như thế”, cô tâm sự.

Nguồn vnexpress

Xem thêm: Khởi nghiệp từ phế liệu giữa mùa dịch bởi tinh thần sáng tạo không ngừng nghỉ của cô gái 9x