Những người có nhiều kinh nghiệm sử dụng ô tô cho biết, hệ thống chiếu sáng phía trước của ô tô gồm 2 loại: đèn pha (far) để chiếu xa và đèn cốt (cos) dùng để chiếu gần.
Đèn cốt (cos) có góc chiếu thấp giúp người lái quan sát tốt mặt đường hoặc cảnh vật xung quanh trong phạm vi gần, tránh ổ gà hoặc chướng ngại vật… Đây là loại đèn được cơ quan quản lý khuyến khích sử dụng và ban hành luật, buộc tài xế sử dụng khi lái xe trong khu vực nội thành, đông dân cư.
Đèn pha (far) cung cấp luồng ánh sáng cường độ mạnh, cho góc chiếu xa hơn, cao hơn giúp người lái mở rộng không gian quan sát, dễ dàng phát hiện chướng ngại vật, biển báo giao thông… Đây là loại đèn thường sử dụng khi đi trên đường cao tốc, đường trường. Tuy nhiên, khi muốn vượt lên phía trước, tài xế phải bật chế độ đèn cốt, tránh làm lóa mắt cho người điều khiển phương tiện xung quanh.
Trên thực tế, nhiều người do thiếu hiểu biết hoặc muốn gây sự chú ý nên đã sử dụng đèn sai cách như sử dụng đèn pha khi đi trong phố, không để chế độ đèn cốt khi xin vượt.
Một số người lại có thói quen lạm dụng đèn cốt, sử dụng đèn này trong mọi tình huống. Những tài xế có nhiều kinh nghiệm lái xe ô tô cho rằng, đây chính là nguyên nhân dẫn đến các tình huống gây nguy hiểm cho bản thân khi không quan sát hết toàn cảnh.
Banxehoi.com xin liệt kê một số nguyên tắc sử dụng đèn đúng cách, đảm bảo an toàn cho bạn và những người xung quanh:
– Nếu điều khiển xe vào ban ngày trong điều kiện ít ánh sáng, trời nhiều sương mù thì bạn nên sử dụng đèn cốt hoặc kích hoạt đèn sương mù để không làm chói mắt người điều khiển phương tiện ngược chiều.
– Nháy đèn pha để phát tín hiệu xin vượt, sang đường, xin nhường đường hoặc “nhắc khéo” tài xế xe khác tắt đèn pha.
– Lái xe trong khu dân cư, khu đô thị vào buổi tối, bạn nên dùng đèn cốt. Nếu đi trên đường cao tốc, đường vắng, ít ánh sáng thì bạn nên bật đèn pha để quan sát tốt hơn. Nhưng khi tiến gần đến xe khác (ngược chiều và cùng chiều), bạn nên bật đèn cốt để không làm chói mắt người xung quanh. Không nên sử dụng đèn pha khi đi sau xe khác bởi điều này sẽ khiến người điều khiển phương tiện phía trước bị lóa mắt khi quan sát qua gương chiếu hậu.
– Nếu thấy xe đối diện nháy đèn, đó chính là tín hiệu nhắc nhở bạn tắt đèn pha. Dành chút thời gian để kiểm tra và nhanh chóng chuyển sang chế độ đèn cốt để đảm bảo an toàn cho người khác.
– Không lắp đèn pha sai công suất, không đúng tiêu chuẩn nhà sản xuất công bố hoặc lắp thêm đèn trợ sáng khiến người điều khiển phương tiện giao thông bị lóa mắt và có thể tạo tình huống nguy hiểm cho người xung quanh.
Cách đây không lâu, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã ban hành văn bản số 6688/ĐKVN-VAR, yêu cầu trung tâm đăng kiểm xe cơ giới không thực hiện đăng kiểm đối với những xe ô tô lắp thêm thiết bị điện, có hệ thống đèn chiếu sáng trước/sau không đúng tiêu chuẩn của nhà sản xuất.
Nguồn: dantri.com.vn