Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận giai đoạn 1 theo hình thức hợp đồng BOT do Công ty CP BOT Trung Lương-Mỹ Thuận làm chủ đầu tư đã chính thức ký hợp đồng tín dụng với 4 ngân hàng lớn.
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận giai đoạn 1 theo hình thức hợp đồng BOT do Công ty CP BOT Trung Lương-Mỹ Thuận làm chủ đầu tư đã chính thức ký hợp đồng tín dụng với 4 ngân hàng lớn. Ảnh: VGP/Phan Trang |
Sáng 15-6, Công ty CP BOT Trung Lương-Mỹ Thuận tổ chức ký kết hợp đồng tín dụng vay vốn với các ngân hàng: Vietinbank, BIDV, VPbank và Agribank để thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận giai đoạn 1 theo hình thức hợp đồng BOT.
Đây là dự án trọng điểm quốc gia nằm trong quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020; Quy hoạch chi tiết đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó tuyến cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận-Cần Thơ được đầu tư và dự kiến hoàn thành vào năm 2020.
Ông Dương Quang Châu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT Trung Lương-Mỹ Thuận cho biết đây là dự án đường cao tốc có quy mô lớn được thực hiện theo hình thức BOT đầu tiên ở khu vực phía nam. Dự án có tổng vốn đầu tư 9.600 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của nhà đầu tư chiếm tới 30% là 2.800 tỷ đồng.
Cho biết việc thẩm định vốn vay được tổ chức nhiều phiên, mất nhiều thời gian trước khi có thể thống nhất ký kết hợp đồng vốn vay cho dự án, ông Châu thông tin thêm, dự án đang được khẩn trương triển khai đồng loạt trên toàn tuyến, quyết tâm hoàn thành dự án vào năm 2020. Hiện dự án đã giải ngân hơn 1.700 tỷ đồng bằng nguồn vốn của nhà đầu tư, trong đó chi trả cho giải phóng mặt bằng là hơn 1.300 tỷ đồng, thanh toán khối lượng xây lắp, tư vấn và các chi phí khác là gần 460 tỷ đồng.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận là một đoạn thuộc tuyến cao tốc TP.HCM-Cần Thơ. Đây là được cử tri cả nước, đặc biệt là người dân khu vực TPHCM và khu vực ĐBSCL rất quan tâm. Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương hỗ trợ sớm triển khai dự án, tuy nhiên, 5 năm qua, dù khởi động nhiều lần, tiến độ triển khai dự án vẫn rất chậm.
“Để dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận có thể sớm hoàn thành, Bộ GTVT báo cáo Quốc hội, Chính phủ sự cần thiết đầu tư cầu Mỹ Thuận 2 cũng như dự án Mỹ Thuận-Cần Thơ, hoàn chỉnh tuyến cao tốc TPHCM-Cần Thơ, giúp khai thác hiệu quả nhất tuyến cao tốc này”, Bộ trưởng nói.
Thông tin thêm, người đứng đầu ngành giao thông cho biết, Quốc hội đã biểu quyết bố trí 5.500 tỷ xây dựng cầu Mỹ Thuận. Bộ GTVT đang xét thầu dự án Mỹ Thuận-Cần Thơ (hiện có 4 liên doanh đăng ký), cố gắng giao thầu ngay trong năm nay.
Biểu dương sự quyết tâm của nhà đầu tư (thông qua việc cam kết cung ứng 30% vốn), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu nhà đầu tư nghiêm túc triển khai dự án. Bộ GTVT cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất, xem xét nhanh chóng nhất, đưa giải pháp kịp thời gỡ khó (nếu có) để dự án có thể triển khai đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng.
Ông Lê Đức Thọ, Tổng Giám đốc Ngân hàng Vietinbank cho biết: Đây là dự án BOT đầu tiên của ngành giao thông thực hiện qua phương thức các Ngân hàng đồng tài trợ. Do đó, các ngân hàng sẵn sàng cung cấp các hạng mục vốn chính đáng một cách kịp thời và nhanh chóng nhất để chủ đầu tư thực hiện, đảm bảo dự án trọng điểm này đi vào khai thác đúng thời hạn là năm 2020.
Đoạn cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận dài 51 km, đi qua 5 huyện của tỉnh Tiền Giang gồm Châu Thành, Tân Phước, Cai Lậy, Cái Bè và Thị xã Cai Lậy. Điểm đầu dự án tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (tiếp nối cao tốc TPHCM-Trung Lương). Điểm cuối tại nút giao với QL30.
Toàn tuyến cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận-Cần Thơ phấn đầu hoàn thành năm 2020, được kỳ vọng sẽ rút ngắn thời gian lưu thông từ TPHCM đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của khu vực Tây Nam bộ, giảm tải cho QL1.
(Theo chinhphu.vn)