Chuyện về cử nhân khởi nghiệp với rau “sạch”

Sau khi tốt nghiệp đại học, dù tìm được chỗ làm ổn định với thu nhập khá, nhưng anh Hồ Ngọc Tiến (xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo) vẫn quyết định khăn gói về quê để khởi nghiệp. Lựa chọn trồng rau sạch là ý tưởng có phần mạo hiểm, bởi trước đó đã có không ít người thất bại.

0
47

Ấp ủ dự định khởi nghiệp với nông nghiệp “sạch” khi còn ngồi trên giảng đường, nên sau khi tốt nghiệp đại học, anh Hồ Ngọc Tiến (cử nhân ngành Tài chính – Doanh nghiệp, Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh) trở về quê khởi nghiệp với rau “sạch”.

Anh Hồ Ngọc Tiến khởi nghiệp với rau “sạch”.
Anh Hồ Ngọc Tiến khởi nghiệp với rau “sạch”.

SẢN XUẤT RAU “5 KHÔNG”

Sau khi tốt nghiệp đại học, dù tìm được chỗ làm ổn định với thu nhập khá, nhưng anh Hồ Ngọc Tiến (xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo) vẫn quyết định khăn gói về quê để khởi nghiệp. Lựa chọn trồng rau sạch là ý tưởng có phần mạo hiểm, bởi trước đó đã có không ít người thất bại.

Nói về quyết định khởi nghiệp với rau “sạch”, anh Tiến cho biết: “Tôi rất bức xúc trước tình trạng thực phẩm bẩn, không đảm bảo an toàn cứ diễn ra nhan nhản. Do vậy, tôi mới quyết tâm sản xuất thực phẩm “sạch” với mong muốn đem đến cho người tiêu dùng sản phẩm với chất lượng tốt nhất”.

Với 5 công đất (5.000 m2) trồng thanh long đang cho thu nhập ổn định, anh Tiến đã mạnh dạn phá bỏ và bắt tay vào sản xuất rau “sạch”.

Để tạo ra sản phẩm “sạch”, chất lượng, vườn rau được anh Tiến trồng theo tiêu chuẩn “5 không”: Không sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng, không sử dụng thuốc trừ sâu hóa học, không sử dụng phân đạm hóa học, không sử dụng thuốc diệt cỏ, không sử dụng giống biến đổi gen.

Ban đầu, do chưa am hiểu kỹ thuật nên vườn rau phát triển “èo uột”, bị sâu bệnh tấn công nhiều, ý tưởng khởi nghiệp gần như phá sản. Song, điều này không làm anh Tiến nản chí, anh cố gắng tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước cũng như qua Internet.

Và rồi sau những vụ rau không như mong muốn, anh Tiến đã dần nắm bắt được kỹ thuật canh tác, từ đó vườn rau ngày càng phát triển tốt, ít bị sâu bệnh phá hoại hơn trước.

Anh Tiến chia sẻ: “Nhờ học được cách pha chế thuốc trị sâu, bệnh từ hỗn hợp gừng, ớt, ngâm với rượu nên tôi đã có thể kiểm soát tốt vườn rau của mình. Nhờ vậy, việc sản xuất dần đi vào ổn định. Quan điểm của tôi là luôn đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu”.

Theo đánh giá của một số cửa hàng kinh doanh nông sản – thực phẩm “sạch”, thị trường nông sản – thực phẩm “sạch” hiện nay đang khá rộng mở.

Những năm trước, các cửa hàng kinh doanh nông sản – thực phẩm “sạch” mở ra được xem như “cầm đèn chạy trước ô tô”, không ít trường hợp phải đóng cửa. Song hiện thị trường nông sản – thực phẩm “sạch” đang được đánh giá là khá tiềm năng, người tiêu dùng ngày càng tìm đến nông sản – thực phẩm “sạch” nhiều hơn.

Thực tế cho thấy, việc thị trường đang rộng mở đã “mở đường” cho nhiều mô hình sản xuất nông sản “sạch” để phục vụ nhu cầu của người dân.

Hiện vườn rau “sạch” của anh Tiến có khoảng 25 loại, mỗi tháng cung ứng cho thị trường khoảng 3 tấn rau, với giá bán cao hơn sản xuất theo kiểu truyền thống khoảng 2 – 3 lần.

Ý tưởng trồng rau “sạch” bước đầu đã đi đúng hướng với nhiều tín hiệu khả quan, do đó anh Tiến quyết định áp dụng trên cây thanh long nhằm đa dạng sản phẩm. Vườn thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn “5 không” của anh Tiến đang phát triển tốt, chuẩn bị thu hoạch lứa trái đầu tiên.

Anh Tiến bày tỏ: “Chỉ vài ngày nữa thôi, vườn rau của tôi sẽ được cấp giấy chứng nhận VietGAP, dù vườn rau đang được sản xuất theo tiêu chuẩn cao hơn.

Bên cạnh đó, tôi cũng đã xây dựng được 1 nhà lưới để trồng rau. Hướng phát triển sắp tới của tôi là sẽ đầu tư thêm các nhà lưới để đảm bảo sản phẩm làm ra đạt chất lượng tốt nhất”.

ĐƯA RAU “SẠCH” ĐẾN NGƯỜI TIÊU DÙNG

Một trong những vấn đề của sản xuất nông sản “sạch” hiện nay là đầu ra cho sản phẩm. Đã có nhiều trường hợp nông dân “bỏ cuộc” khi sản phẩm làm ra bán với giá bằng với sản xuất theo kiểu truyền thống.

Khi mới bắt tay vào sản xuất, rau “sạch” được anh Tiến bỏ mối cho các nhà phân phối tại TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, nhận thấy cách làm này không chủ động được đầu ra nên anh đã mạnh dạn mở cửa hàng phân phối nông sản “sạch” tại TP. Hồ Chí Minh, bán những sản phẩm do gia đình sản xuất.

Đây là cách để anh Tiến quảng bá sản phẩm của mình đến người tiêu dùng và cũng là cách giúp anh giảm chi phí trung gian. Anh Tiến chia sẻ: “Ban đầu, khởi nghiệp không bao giờ là dễ dàng, nhất là đối với sinh viên mới ra trường như tôi.

Việc sản xuất nông sản “sạch” đã khó, song tìm được đầu ra, mà đặc biệt là khẳng định được chất lượng với người tiêu dùng lại càng khó hơn. Do vậy, tôi mới quyết định mở cửa hàng kinh doanh nông sản “sạch” để tìm đầu ra. Khi mở cửa hàng, có nhiều người đón nhận nông sản của tôi, số lượng khách hàng cũng tăng dần”.

Hiện nay, việc sản xuất và tiêu thụ đã dần đi vào ổn định, nhiều khách hàng đã bắt đầu đặt niềm tin vào nông sản “sạch” do anh Tiến sản xuất. Tuy nhiên, không vì thế mà chàng cử nhân trẻ này tự mãn, anh luôn cố gắng tìm tòi để sản phẩm làm ra đạt chất lượng tốt nhất và cũng để việc sản xuất, kinh doanh ngày càng phát triển.

Anh Tiến bày tỏ: “Hiện doanh thu mỗi tháng của cửa hàng khoảng 30 triệu đồng. Để việc kinh doanh đi đúng hướng, tôi luôn cam kết về nguồn gốc và chất lượng sản phẩm của cửa hàng. Bên cạnh đó, cửa hàng cũng sẽ đẩy mạnh khâu quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng”.

M. THÀNH – Q. TUẤN